Mới cận Tết vợ chồng đã cãi nhau chuyện ăn Tết bên nội hay bên ngoại

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết mà nhiều cặp vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi đôi bên không có câu trả lời chung cho câu hỏi: “Tết này về nội hay ngoại?”.

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết mà nhiều cặp vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi đôi bên không có câu trả lời chung cho câu hỏi: “Tết này về nội hay ngoại?”.

Lục đục vì không thống nhất được ăn Tết ở đâu

Mười năm lấy chồng, chị Chu Thị Hương (ở Quảng Nam) chưa năm nào được về ăn Tết cùng với bố mẹ đẻ. Mỗi dịp Tết đến, chị muốn về thăm bố mẹ thường phải thu xếp công việc để về trước ngày 23 tháng Chạp. Lần nào về cũng nhanh chóng lại quay trở ra Hải Dương để thu xếp công việc đằng nhà chồng.

Vợ chồng chị là con trưởng. Tết đến mẹ chồng thường giao hết mọi việc từ sắm sửa Tết đến dọn dẹp cho chị. Bà thường bảo chị rằng con gái “xuất giá tòng phu”, ngày xưa bà đi lấy chồng cũng phải thế, phải phụng sự nhà chồng trước khi nghĩ về nhà mẹ đẻ. Nghe mẹ chồng nói vậy, chị chỉ biết ngậm ngùi.

Mới cận Tết vợ chồng đã cãi nhau chuyện ăn Tết bên nội hay bên ngoại-1

Ảnh minh họa.

Năm nay, chị quyết định nói với chồng cho chị về quê ăn Tết cùng với bố mẹ đẻ một năm. Chả là, mẹ chị bị cao huyết áp, mấy tháng trước bà không may bị đột quỵ. May mắn qua cơn nguy kịch nhưng hiện giờ sức khỏe của bà không được tốt. Năm nay em gái lại đi lấy chồng, nghĩ thương bố mẹ nhà không có ai và phần lại nghĩ: “Mẹ yếu vậy chẳng biết còn được ăn thêm bao nhiêu cái Tết” nên muốn về ăn Tết cùng bố mẹ cho vui.

Vậy mà, chồng chị mới nghe đến ý định của chị đã nổi sung lên. Chồng chị là con trưởng, cũng là trưởng họ nên trong suy nghĩ của anh, ngày Tết vợ phải ở nhà chồng là đương nhiên và không có chuyện về đằng ngoại ăn Tết.

Anh tuyên bố: “Nhà này đã có luật là không có chuyện về ngoại ăn Tết. Nên đã là luật thì cô đừng làm trái. Ai cũng như cô thì còn đâu là nề nếp gia giáo”. Nghe những lời của chồng, chị bực quá vì nghĩ chồng không coi mình cũng như bố mẹ chồng ra gì. Chị liền tuyên bố: “Năm nay em đưa con về ăn Tết cùng ông bà ngoại, anh muốn ra sao thì ra”. Thế là nội chiến giữa hai vợ chồng xảy ra. Kể từ đó tới giờ, chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng vẫn kéo dài.

Một câu chuyện khác, chị Bùi Thị Duyên sau đủ các chiêu từ tranh luận, rồi nhỏ to tâm sự và nhờ cả bạn bè của anh tác động tới chồng, cuối cùng anh Nguyễn Văn Luân (ở Nam Định) cũng phải đồng ý Tết này sẽ về cả hai quê ăn Tết. Trước đó anh chị cũng đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì việc có về quê ngoại ăn Tết không hay chỉ ở nhà nội ăn Tết như những năm trước.

Chị Duyên kể, 3 năm lấy chồng, chị gần như không về quê ngoại những ngày Tết. Thường trước Tết, chồng chị về nhà ngoại trước, rồi đến Tết đưa hai mẹ con chị về quê nội, ra Tết sẽ lên thẳng Hà Nội làm việc.

Ở nhà ngoại, thường mùng 2 Tết vợ chồng chị gái về tụ họp, chị Duyên nhắc anh đưa con về vui cùng mọi người thì anh Luân viện lý do hai nhà cách nhau cả trăm cây số, đi lại vất vả tốn kém. Hơn nữa Tết đến trời rét mướt, con nhỏ đưa đi xa dễ ốm. Bố mẹ đẻ chị Duyên lại động viên là phải về nhà chồng ăn Tết mới hợp lẽ nên dù buồn chị cũng không làm khác được.

Năm nay, chị đã tỉ tê từ sớm và làm công tác tư tưởng với bố mẹ chồng rằng mẹ chị mất đi giờ chỉ có một mình ông ngoại nên chồng chị mới đồng ý. Chứ lúc đầu, chị đề nghị với chồng về việc đưa con nhỏ về ăn Tết cùng ông ngoại một năm cho vui, sau mùng 2 Tết, cả gia đình về quê nội, anh Luân gạt phắt đi.

Trên các diễn đàn tâm sự, hiện chủ đề về quê chồng ăn Tết hay những status “Tết này không biết ăn Tết quê chồng hay về ngoại...?” thu hút rất nhiều chị em chia sẻ. Nhiều người cho rằng, việc cứ nhất nhất phải ăn Tết ở quê chồng thể hiện tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải loại bỏ. Bên cạnh đó, không ít những lời than trách chồng, mẹ chồng không tâm lý hay coi thường đằng nhà ngoại… mà nhất định không cho vợ về ăn Tết nhà đẻ.

Vợ chồng cần chia sẻ với nhau

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết, Tết đến là dịp các gia đình đoàn tụ, ai cũng mong muốn sẽ được ở bên những người thân ruột thịt của mình. Mong muốn được chia đều Tết cho bên nội - bên ngoại là rất chính đáng. Nhưng nếu không có sự cảm thông, chia sẻ giữa hai vợ chồng, gia đình nhà chồng thì việc này dễ gây lên những xung đột không đáng có khi đưa ra quyết đinh ăn Tết ở đâu.

 

Mới cận Tết vợ chồng đã cãi nhau chuyện ăn Tết bên nội hay bên ngoại-2

Ảnh minh họa.

Trước đây, quan niệm “lấy chồng phải theo chồng” nên không ít người chồng suy nghĩ Tết phải ở bên nhà nội còn bỏ mặc ông bà ngoại. Dẫu ông bà ngoại có buồn thì cũng chẳng dám trách bởi “con gái đã là con người ta”. Tuy nhiên bây giờ, quan niệm và cuộc sống cũng đã thay đổi, mọi người cần có những nhìn nhận khác. Đừng nên khăng khăng giữ quan điểm riêng của mình vì như thế sẽ rất khó để có tiếng nói chung.

Trước khi đưa ra quyết định, vợ chồng cần có sự bàn bạc, lên kế hoạch cho những ngày Tết từ trước. Đôi bên nên biết nhường nhịn, hy sinh vì niềm vui và hạnh phúc của nhau sẽ hóa giải được những khúc mắc. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không có thể thổng nhất với nhau năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia. Nhất là người chồng cần phải cân đối chứ không nên phân biệt nội, ngoại.

“Các cặp vợ chồng nên cân nhắc dựa vào hoàn cảnh từng bên gia đình, khoảng cách đường sá, sức khỏe… thay vì ép cứ phải bên nội, bên ngoại tính sau. Hãy nghĩ “niềm vui của vợ là hạnh phúc của chồng” và ngược lại thì người vợ hãy nghĩ “thuận vợ thuận chồng”.

Việc về bên nào ăn Tết bây giờ không phải vì đó là “quê anh”, bố mẹ anh hay là quê em và bố mẹ em mà cần được đối xử hai bên như nhau. Đôi bên có thể căn cứ trên hoàn cảnh thực tế từng năm mà đưa ra quyết định. Chẳng hạn, năm ngoái về ngoại vì bà ốm, năm nay về nội bởi bên đó đang ít người… Đừng để mâu thuẫn những ngày trước Tết khiến cho không khí gia đình những ngày Tết chẳng thể vui vẻ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho hay.




Theo Helino


ông bà nội

Tết Nguyên Đán


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.