Nguồn gốc, ý nghĩa và 6 điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày vía Thần Tài

Ngày vía Thần Tài là ngày người ta sắm lễ cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn thịnh vượng. Vậy cần kiêng kị không nên làm gì trong ngày này?

Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm (là ngày Thần Tài bay về trời) được chọn là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này nhiều công ty, doanh nghiệp, cửa hàng, gia đình thành kính sắm lễ vật để cúng vía Thần Tài, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, thịnh vượng.

Nguồn gốc ngày vía Thần Tài

Tục truyền rằng, ngày xưa có một vị Thần Tài lỡ chân ngã xuống trần gian trong một lần say rượu. Ông bị va đầu vào đá nên mất trí nhớ, từ đó đi lang thang, xin ăn và vào tới nhà nào thì nhà đó giàu có, buôn bán đông khách. Ngày mồng 10 tháng Giêng, thần tìm mua lại được quần áo lúc trước rồi mặc quần áo đội mũ và bay về trời. Từ đó, nhiều người xem ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch là ngày vía Thần Tài.

Vì vậy, để tưởng nhớ đến ông Thần Tài, cứ vào ngày này hàng năm, người dân, đặc biệt là dân kinh doanh, lại sắm sửa lễ vật nhằm cầu mong công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Năm 2021, ngày vía Thần Tài sẽ rơi vào ngày Chủ Nhật, 21/02/2021 Dương lịch. Do đó, gia chủ cần ghi nhớ để chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo và đầy đủ nhất.

Nguồn gốc, ý nghĩa và 6 điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày vía Thần Tài-1

Ý nghĩa của ngày Thần Tài

Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài cho gia chủ. Không những thế, vị thần này còn mang lại nhiều tài lộc và may mắn, giúp cho công việc làm ăn được tiến hành một cách thuận lợi, ít gặp trở ngại.

Vì thế, ngày vía Thần Tài được dân kinh doanh vô cùng coi trọng. Việc dâng lên các lễ vật trong ngày này thể hiện lòng thành kính, biết ơn của gia chủ đối với vị thần đã phù hộ cho gia đình mình trong một năm qua. Đồng thời, đây cũng là dịp mà gia chủ thể hiện mong ước của mình trong thời gian tới, cầu mong ông Thần Tài tiếp tục đồng hành để đạt được thành công như ý.

Kiêng kị nhất định cần tránh trong ngày vía Thần Tài 

1. Đặt ban thờ gần những nơi không sạch sẽ

Trong việc thờ cúng, một trong những điều đặc biệt cần lưu ý chính là đặt ban thờ ở nơi sạch sẽ. Nếu gia chủ không để tâm mà đặt ban thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp hay nơi phơi đồ… thì dễ bị thần linh quở trách, không cho tài lộc như ý.

Gia chủ cũng đừng quên một trong những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài chính là giữ cho ban thờ được sạch sẽ. Lưu ý không đặt thùng rác hay đồ đạc lộn xộn, bừa bãi gần ban thờ, đó là điều cấm kỵ trong bất cứ việc thờ cúng nào.

Nguồn gốc, ý nghĩa và 6 điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày vía Thần Tài-2

2. Không tắm rửa cho tượng Thần Tài và ông Địa

Trước ngày vía Thần Tài, gia chủ cũng nên tắm rửa cho tượng ông Địa, tượng Thần Tài cũng như lau dọn ban thờ cho sạch sẽ. Việc lau dọn, tắm rửa khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng thực ra cũng giống như các ngày bình thường khác, có thể đặc biệt hơn chút ở phần nước tắm cho các tượng thần mà thôi.

Ngày thường lau rửa cho tượng, gia chủ có thể dùng nước sạch hay pha rượu là được, nhưng tới ngày này có thể cầu kì hơn 1 chút. Các bạn nên dùng nước hoa bưởi hoặc nước gừng để tẩy uế, tắm cho ông Thần Tài và ông Địa. Sau khi tắm rửa cho các tượng thần xong, các bạn đừng quên dùng khăn khô lau sạch nước rồi mới đặt lên ban thờ, tránh để tượng thần còn ướt nước đã vội cúng cầu.

Theo quan niệm dân gian, việc tắm rửa cho tượng thần cũng như lau dọn ban thờ là việc cực kì quan trọng, nó thể hiện sự tín ngưỡng tâm linh của gia chủ, cũng nhờ đó mà gia chủ được thần linh phù hộ, làm ăn gặp nhiều may mắn, tài lộc đủ đầy.

3. Dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến

Ngày nay, nhiều đồ thờ cúng được thay đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng có 1 điều kiêng kỵ mà gia chủ cần phải biết trong ngày cúng vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, đó là không dùng đèn nháy, đèn điện thay cho nến hay đèn dầu.

Nhiều quan niệm cho rằng dùng bóng đèn điện hay đèn nháy có thể sinh ra những trường khí không tốt, ảnh hưởng đến việc thờ cúng nên cần phải lưu ý. 

4. Không mang lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài

Nhiều gia đình có thói quen sau khi thắp hương cúng lễ vía Thần Tài xong sẽ chia lộc, tán lộc cho người khác. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điều cấm kỵ trong ngày vía Thần Tài. Người ta cho rằng, nếu lộc trong ngày này mà chia cho người ngoài, tức không phải người thân của mình thì lộc sẽ đi hết ra ngoài.

Muối gạo sau khi cúng lễ gia chủ nên cất đi, còn nước thì đứng hắt từ ngoài vào trong nhà mình, ngụ ý lộc tài chỉ đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc cho gia đình.

Nguồn gốc, ý nghĩa và 6 điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày vía Thần Tài-3

5. Mặc quần áo thiếu nghiêm túc, chỉnh tề

Trong bất kỳ hoạt động thờ cúng nào thì người làm lễ cũng đều phải giữ cho tâm thành kính và cần phải sửa soạn trang phục nghiêm chỉnh, gọn gàng, sạch sẽ. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với thánh thần. Nếu không làm được thì chính là phạm kỵ.

Khi làm lễ cúng ngày vía thần tài nên chọn trang phục tươm tất nhất khi làm lễ. Những trang phục hở hang, thiếu vải tuyệt đối không được xuất hiện trước mặt thần linh. Bên cạnh đó khi đọc văn khấn vía thần tài gia chủ cũng phải giữ tư thế trang nghiêm, kính cẩn.

6. Nói tục, chửi bậy, đánh chửi nhau trong ngày cúng vía Thần Tài

Thờ cúng tốt ở lòng thành kính, nếu tâm không thành thì có cúng cầu thế nào cũng chẳng linh nghiệm, không được thần Phật chứng giám. Trong ngày làm lễ cúng vía Thần Tài, gia chủ nên lưu ý chớ nên sinh sự, gây chuyện cãi vã, đánh chửi nhau, gia đạo bất an thì thần linh quở phạt.

Trong khi làm lễ, trước và sau khi cúng lễ không được nói lời thô tục, chửi mắng người khác, kẻo thần Phật mất lòng mà trách phạt, khiến cho việc làm ăn không được thuận lợi như mong muốn.

Những việc lưu ý khi làm lễ ngày vía Thần Tài

Lau dọn bàn thờ Thần Tài

Trước khi cúng Thần Tài, bạn nên lau dọn bàn thờ Thần Tài cẩn thận. Cần tẩy trần bằng nước lá bưởi hay dùng một cái thau sạch sẽ chỉ chuyên dùng tắm rửa, tẩy uế... đổ nước sạch và pha một tí rượu trắng để tắm rửa cho cả Thần Tài và Ông Địa. Tiếp đó, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng bàn thờ của hai ông.

Chuẩn bị đồ cúng Thần Tài

Trong ngày vía Thần Tài nên cúng mặn. Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món cua biển và heo quay, chuối chín vàng.

Đọc đúng bài văn khấn Thần Tài

Đọc đúng bài văn khấn ngày vía Thần Tài là một trong những việc rất quan trọng, để cung thỉnh Thần Tài về, mọi nhà khi hành lễ nên đọc to bài văn khấn trong ngày cúng vía Thần Tài để mọi việc được hanh thông, gia chủ làm ăn buôn bán phát tài phát lộc.

Theo Tâm An - Vietnamnet.vn


Thần Tài

Vía Thần Tài


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.