Nhìn những chiếc sọt rác không có rác trong tiệm ăn, bạn nghĩ gì?

Cháu tôi vừa nhai sợi phở vừa nhăn nhó: "Dì ơi, sao các cô chú ấy không bỏ giấy vào thùng rác, cô giáo cháu dạy như vậy là bẩn lắm!".

Cháu tôi vừa nhai sợi phở vừa nhăn nhó: "Dì ơi, sao các cô chú ấy không bỏ giấy vào thùng rác, cô giáo cháu dạy như vậy là bẩn lắm!". Tôi có thể trả lời mọi câu hỏi khó của sếp, hoàn thành hết những deadline khó nhằn, nhưng câu hỏi của nhóc Tôm 6 tuổi khiến tôi bó toàn thân...

Tôi đã từng ăn ở rất nhiều tiệm khác nhau, sang chảnh có, bình dân có, vỉa hè cũng có. Thích nhất là những nơi sạch sẽ, sau đó là đồ ăn ngon, giá cả hợp lý. Đi làm thì ngày nào cũng "điểm danh" ở mấy quán cơm văn phòng, nhưng cứ đến cuối tuần, là tôi hay dắt mấy đứa cháu ăn phở ngoài phố.

Đến một hôm, cu Tôm 6 tuổi bỗng hỏi: "Dì ơi, dì có thấy buồn cười không?". Tôi ngơ ngác chưa hiểu ra vấn đề lắm, lũ nhóc tì hay thắc mắc những điều rất vu vơ, nên tôi trịnh trọng gác đũa xuống hỏi: "Cái gì buồn cười hả Tôm?". Thanh niên lớp 1 phụng phịu, ngó nghiêng rất cẩn thận rồi ghé tai tôi thì thầm: "Mấy cô chú kia dùng giấy xong không chịu vứt vào sọt rác, toàn vứt bừa ra đất thôi". Tôi chợt thấy xấu hổ, vì cũng mới lỡ tay ném miếng giấy lau đũa vào sọt nhưng quăng lệch nên bị rớt ra ngoài, lười cúi xuống nên tôi cũng mặc kệ.

Vừa nghĩ trộm vậy xong, liếc facebook tôi lại thấy giật mình phát nữa. Một cô gái nào đó đăng tấm ảnh quán ăn với đống giấy la liệt trên nền đất, kèm theo lời phàn nàn ngắn gọn rằng: "Vứt rác ra ngoài sướng hơn hay vì mình khắt khe nên vào quán thấy đáng buồn?".

Những chiếc sọt rác không có rác: câu chuyện về sự tiện tay hay lối sống tùy tiện thiếu ý thức? - Ảnh 1.

Bức ảnh khiến ta tự hỏi, có bao nhiêu người quên công dụng của thùng rác rồi nhỉ? (ảnh: Lê Thị Tâm)

Hình ảnh phản cảm ở trên chẳng khác gì quán phở tôi đang ngồi lúc đó, may mắn là không đông khách lắm nên ít giấy hơn thôi. Mà đâu chỉ có đống giấy ăn bừa bãi, trên sàn nhà còn có cả nilon, hột chanh, miếng ớt, mấy tờ bánh đa, rau thơm, và cả trăm thứ hình thù kì dị tôi cũng chẳng dám soi để xem rõ nó là thể thống gì.

Cúi xuống nhặt tờ giấy lúc nãy vo viên bỏ vào thùng rác đàng hoàng, tôi chẳng thấy bữa sáng còn ngon miệng nữa. Xung quanh mình như bãi rác di động, mà lỗi này do khách hàng mà ra, tôi đành giục cu Tôm ăn nhanh rồi về. Hóa ra lâu nay tôi vẫn dễ tính thật, cứ hàng quán bình dân là nghĩ kệ, bừa một tí cũng chẳng sao. Nhưng chỉ một câu thắc mắc trẻ con, tôi bỗng thấy người lớn như mình chút ý thức cũng không bằng đứa bé, ngại thật.

"Cô giáo dạy phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, rồi giữ gìn vệ sinh môi trường. Cháu rất thích các cô lao công, nhờ họ quét nên lớp cháu mới sạch, ngõ nhà mình cũng sạch đấy dì. Thế mà sao ở chỗ bán phở, người ta lại vứt giấy lung tung không ai dọn hả dì?". Tôi bối rối đáp tạm, chắc chút nữa họ quét đấy mà. Nhưng sự thật thì khách đến sau chỉ tiện chân đá đống giấy vào một góc cho gọn, rồi lại rút mớ giấy khác ra quẹt đồ ăn thừa trên bàn xuống đất, tiện thể ném toẹt cả mớ giấy ấy luôn, dù thùng rác ở ngay bên cạnh!

Những chiếc sọt rác không có rác: câu chuyện về sự tiện tay hay lối sống tùy tiện thiếu ý thức? - Ảnh 2.

Dù quán ăn ghi hẳn biển "Xin quý khách bỏ rác vào thùng", nhưng thực khách vẫn hồn nhiên giữ gìn vệ sinh cho thùng rác bằng cách... quăng hết rác ra ngoài (ảnh: Lê Thị Tâm)

Dưới những tấm hình mà cô gái đăng lên MXH, người ta bình luận: "Thật khó chịu khi trông thấy cảnh này, ý thức tồi, quá kém"; "Quán người ta đã để sẵn sọt rác dưới mỗi bàn rồi, có mắt hay không mà vứt bừa bãi thế?"; "Đáng buồn thật sự, vì ngày nào cũng gặp phải cảnh này, từ quán cơm bụi đến quán chè, rồi cả chỗ hiện đại như trà sữa cũng thấy rác dưới sàn luôn, toàn nam thanh nữ tú mà hồn nhiên lau mồm rồi vứt toẹt xuống đất"; "Hội những người vô ý thức, mắt nhìn ăn thì có mà nhìn thùng rác thì đui"...

Nhiều khi chúng ta quen làm ngơ không xen vào việc của người khác mà quên đi cách hành xử văn minh. Rõ ràng nhìn đống lộn xộn dưới nền nhà trông nhếch nhác bẩn thỉu, nhưng vì ngồi ở một chỗ bình dân nên ai nấy đều úp mặt vào đồ ăn, kệ "cha chung không ai khóc". Buồn hơn nữa là những người tiện tay quăng rác lung tung lại hay sửng cồ mắng ngược người khác khi được góp ý, nhắc nhở. Họ lấy cớ là tiện tay, thùng rác xa quá nên bị rơi ra ngoài, rồi nhân viên kiểu gì chẳng dọn dẹp... xong cuối cùng thì lẳng lặng biến mất.

Một người bạn của tôi từng cãi nhau tay đôi với ông chú trong quán nhậu, vì cậu ấy trông thấy chú gặm miếng xương xong vứt bẹt phát xuống đất cho con chó của mình ăn. Cậu ấy cúi xuống nhặt miếng xương đàng hoàng vứt vào trong sọt rác, góp ý rằng con chó ăn dính đất cũng không sạch sẽ gì, nhưng ông chú kia cục cằn mắng mấy câu không ai nghe rõ. Và cả tiệm hôm ấy im re khi ông chú lý luận chốt rằng: quán ăn nào cũng vứt rác bừa như tao cả, tao chẳng cần thùng rác làm gì! Thế hóa ra thùng rác để làm cảnh, y xì như câu chuyện quen thuộc về những điều kỳ lạ ở quanh ta: cứ chỗ nào viết cấm vứt rác thì kiểu gì cũng là chỗ tập kết rác, bức tường nào in chữ "cấm tè bậy" sẽ là chỗ giải quyết nỗi buồn... Ngược đời thật sự!

Theo Helino


hành động phản cảm

hành động thiếu ý thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.