Clip: Nữ bác sĩ bế em bé 4 tháng tuổi chạy bộ 300m vào viện cấp cứu gây xúc động mạnh

Trong tình huống nguy cấp, nữ bác sĩ tức tốc ôm cháu bé chạy bộ khoảng 300m để vào khu cấp cứu ở Bình Dương. Hình ảnh đang được chia sẻ với nhiều bình luận xúc động, cảm phục.

Ngày 12/9, cộng đồng mạng chuyền tay nhau đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người phụ nữ mặc đồ bảo hộ, trên tay bế một em bé đang cố hết sức chạy về phía trước, đằng sau là người phụ nữ đang hớt hải chạy theo và nói: 'Xin hãy cứu con tôi!'. Cuối clip, cháu bé sau được đặt lên băng ca, đẩy vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Được biết, sự việc xảy ra tại tỉnh Bình Dương.

Clip: Nữ bác sĩ bế em bé 4 tháng tuổi chạy bộ 300m vào viện cấp cứu

Theo tìm hiểu, người phụ nữ bế cháu bé trong clip là bác sĩ quân y Phạm Khánh Linh (26 tuổi) được Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) điều động chi viện tỉnh Bình Dương chống dịch.

Theo báo Thanh niên, sự việc xảy ra vào khoảng 7h40 ngày 12/9. Vào thời điểm này, bác sĩ Linh được điều động xuống hỗ trợ 2 mẹ con cháu bé 4 tháng tuổi ở nhà trọ trên địa bàn phường Thuận Giao.

Tại đây, cháu bé có tình trạng khó thở, bỏ bú nhiều ngày, test nhanh âm tính với Covid-19. Xác định thấy tình trạng cháu bé nguy kịch, bác sĩ Linh đã yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến viện.

Tuy nhiên, thời điểm này các xe cấp cứu trong khu vực đều đã chở bệnh nhân đi các nơi, chỉ có chiếc xe tải của tình nguyện viên ở gần hiện trường nhất nên bác sĩ Linh quyết định đưa bình ô-xy và cháu bé lên xe tải để đến bệnh viện.

Clip: Nữ bác sĩ bế em bé 4 tháng tuổi chạy bộ 300m vào viện cấp cứu gây xúc động mạnh-1

Lúc ngồi trên xe tải, bác sĩ Linh liên tục có các thao tác cấp cứu cho cháu bé, cạnh đó, mẹ cháu bé vô cùng hoảng loạn

Khi xe tải đến Bệnh viện quốc tế Becamex (TP.Thuận An, Bình Dương), do chưa thông thuộc các khu vực trong bệnh viện nên bác sĩ và tình nguyện viên đã dừng xe nhầm ở cổng phụ đang bị khóa. Bác sĩ Linh đã ẵm cháu bé từ trên xe tải xuống nhưng không thể vào bên trong bằng cổng phụ.

Không chần chừ, bác sĩ Linh đã tức tốc ẵm cháu bé trên tay và chạy bộ gần 300m để đến cổng chính bệnh viện. Lúc này, mẹ cháu bé cũng hớt hải chạy theo phía sau, mếu máo khóc: Xin hãy cứu con tôi!'.

Sau khi cháu bé được đưa vào phòng cấp cứu thì bác sĩ Linh đứng bên ngoài chờ kết quả tình hình sức khỏe của cháu bé. Được một lúc thì điện thoại gọi đến, bác sĩ phải lên đường hỗ trợ cho một ca mới đang cần.

Chiều 12/9, thông tin từ bệnh viện cho biết, cháu bé đã không qua khỏi. Nhiều người sau đó gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cháu bé.

Ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Thuận Giao cho biết sẽ đến bệnh viện và nhà trọ để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình cháu bé.

Clip: Nữ bác sĩ bế em bé 4 tháng tuổi chạy bộ 300m vào viện cấp cứu gây xúc động mạnh-2

Bác sĩ Phạm Khánh Linh - Ảnh: Thanh niên

Về phần mình, bác sĩ Linh không giấu được nỗi buồn khi đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu nhưng không thành công. 'Khi thấy mình không cứu được bệnh nhân, tôi thấy buồn khó tả. Tôi không làm được gì nhiều, chỉ biết làm hết sức thôi. Còn rất nhiều người đang thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19 này nên mong mọi người cùng quan tâm' - bác sĩ Linh chia sẻ với Thanh niên.

Trên mạng xã hội, khoảnh khắc bác sĩ Linh bế cháu bé chạy bộ 300m vào bệnh viện cấp cứu vẫn đang được chia sẻ. Bên cạnh những lời chia buồn gửi đến gia đình cháu bé, nhiều người cho biết họ cảm thấy rất xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Linh đã làm trong lúc nguy cấp.

'Tôi đã xem clip bác sĩ bế bé chạy, bác sĩ chạy muốn xỉu mấy lần, mặc đồ bảo hộ chạy dễ bị ngạt và nguy hiểm tính mạng, thương cả bác sĩ và em bé' - tài khoản M.L viết.


Theo Baodatviet.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc http://gioitre.baodatviet.vn/clip-nu-bac-si-be-em-be-4-thang-tuoi-chay-bo-300m-vao-vien-cap-cuu-gay-xuc-dong-manh-2225295.htmll

Bác sĩ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.