Sắm lễ chùa đầu năm như thế nào mới đúng?

Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa tâm linh đẹp, nhưng sắm lễ sao để không bị “phạm” - theo niềm tin của nhiều người dân?

Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa tâm linh đẹp, nhưng sắm lễ sao để không bị “phạm” - theo niềm tin của nhiều người dân?

Nên sắm lễ chay

Chị Tú Anh (Lạc Long Quân, Hà Nội) đi sắm lễ chùa đầu năm với ý nguyện sám hối lỗi lầm năm qua và cầu xin lộc Phật cho năm mới. Chị mua giò, đĩa xôi và đặt mấy đồng tiền lẻ vào đĩa, bê lên ban Tam bảo (ban Phật) tìm chỗ đặt lễ.

Lúc đó Tam bảo đang chật kín người lễ bái, chị nhờ một người ở gần ban nhất đặt lễ hộ. Người đó đón lễ của chị đặt lên ban và chị yên tâm lễ bái.

Lễ một vòng xong chị Tú Anh trở lại Tam bảo để tạ ơn và hạ lễ. Lúc đó có ni sư đang đứng gần ban, chị nhờ hạ hộ đĩa xôi – giò. Nghe xong người mặc ni sư liền bảo:

- Sao chị lại đặt xôi giò ở Tam bảo? Mà ai đặt lễ giúp chị cũng không biết là ban Tam bảo tuyệt đối không được đặt đồ mặn.

Thấy chị lo lắng, sư bác nói tiếp:

- Chùa là nơi thờ Phật, trên hương án chính điện và kể cả ban Đức Ông chỉ dâng đặt lễ chay, tịnh là hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… Không được bày lễ mặn, thịt, giò, chả.


Ảnh minh họa


Hoa cúng Phật

Dâng hoa cúng Phật là tỏ lòng thành kính ngưỡng mộ, có ý nghĩa dâng cúng những điều thiện lành, tốt đẹp, thơm tho… mà chúng ta làm được trong cuộc sống theo lời Phật dạy (ví như làm được việc thiện nào, dừng được việc ác nào trong ngày chính là những bông hoa tươi thắm dâng cúng chư Phật).

Hoa tươi dâng cúng Phật được chọn là hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… các loại hoa đẹp cả sắc và tên, có hương thơm. Ở các chùa năm nay nhiều người dâng hoa cúc, hoa hồng là vì dễ mua, vừa túi tiền của nhiều người và vì theo ngũ hành thì năm Đinh Dậu hành Hỏa, nên dân chọn hoa có màu hồng, vàng để dâng cúng.

Nhưng không nên dùng các loại hoa tạp, hoa dại… đem vào chùa cúng Phật.

Phật giáo luôn đề cao chữ tâm, chữ thiện nên việc dâng hương hoa cúng Phật cốt yếu ở tâm thành và hướng thiện. Sau khi dâng hoa cúng Phật, nên đọc những lời tán Phật ca ngợi phẩm hạnh, công đức vi diệu của Phật và noi theo, không nên cầu khẩn xin lợi lộc, tiền tài, công danh, địa vị.

Ngoài hoa cúng Phật, nên dâng cúng các phẩm vật chay tịnh, biểu lộ tấm lòng thành kính. Tuy là hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng cần giữ gìn trang nghiêm tinh khiết.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cách bày lễ ở các ban

Ở chùa thì ban to nhất chính giữa là ban Tam bảo thờ Phật. Lễ cúng dường chư phật đầy đủ gồm 5 món: hương – đăng (nến) – hoa – quả - nước.

Cúng dường chư phật bằng tấm lòng thành kính, chân thật nên nếu không đủ 5 món cũng không sao.

Nếu có nhiều đồ lễ, nên ưu tiên xếp ban Tam bảo đẹp và trang trọng nhất (ban Tam bảo thờ Phật to nhất). Nếu chuẩn bị ít đồ lễ, chỉ cần sắp lễ vào đĩa duy nhất ở ban chính là Tam bảo, rồi đi bái lễ các ban.

Trình tự đi lễ chùa

Theo hướng dẫn của sư thầy Thích Trí Hóa (chùa Bằng A, Hà Nội), vào chùa dâng lễ ở chính điện là ban Tam bảo, sau đó mới đi lễ các ban Đức Ông và các ban khác.

Trước ý kiến cho rằng vào chùa lễ Đức Ông trước, sư thầy giảng giải rằng vào nhà, thì phải chào chủ nhà trước. Ở chùa thì Phật là to nhất (như vị chủ nhà), vì vậy vào chùa lễ Phật ở ngôi Tam bảo trước, rồi tới lễ các thánh ở các ban, rồi sang nhà Tổ, xuống nhà Mẫu rồi đi chiêm bái các nơi.

- Nếu chùa cho phép, thì chỉ nên thắp 3 nén hương. Nhưng ngày nay để phòng tránh cháy nổ và tránh ám khói hương, các chùa thường cho thắp ở các lư hương bên ngoài. Trong chùa chỉ thắp nén hương vòng. Người dân cứ thắp chung ở lư hương to rồi vào lễ Phật.

- Lưu ý là trong chùa người dân không được tự tiện thỉnh chuông (mõ, trống…), muốn thỉnh 3 tiếng chuông trước rồi mới làm lễ Phật, Bồ tát thì càn được sư thầy cho phép, bởi đó là những pháp khí của nhà chùa, không nên tự tiện dùng.

- Đặt lễ ở Tam bảo xong, thì đi thắp hương ở tất cả các ban khác, ban nào cũng có biển ghi tên chư vị đặt ở chỗ dễ thấy để người dân đọc trước khi khấn. Đến Chùa phải khấn ban Tam Bảo, ban Đức Ông, ban Đức Thánh Hiền, Quan Thế âm Bồ tát. Có những bài khấn theo truyền thống, hoặc có thể diễn nôm theo ý hiểu của mỗi người miễn là thành tâm.

Lễ xong thì đi chiêm bái các nơi, rồi quay lại tạ lễ và hạ lễ, xin lộc. Cuối cùng có thể tới trai phòng, hay phòng khách để thăm hỏi các vị sư, tăng và tuỳ hỉ công đức.

Đó là một số nghi thức khi lễ ở chùa, nhưng dịp lễ tết, rằm, mùng 1…khách thập phương đông đúc nên việc dâng lễ nhiều người tiện đâu lễ đó.

Theo GĐXH


cúng lễ

đi lễ

đi chùa

lễ bái


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.