Tôi có biết vị bác sĩ, hiện đang công tác tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn. Anh kể về công việc một ngày của đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến, về những khó khăn mà từng thành viên trong đoàn phải đối diện bằng những dòng trạng thái ngắn ngủi. Dù rất mệt mỏi nhưng lúc nào anh cũng tự động viên bản thân, đồng đội bằng nguồn năng lượng tích cực nhất để vượt qua cuộc chiến khốc liệt này.
Đứa em của tôi, là một cậu sinh viên y khoa năm 3, từ lúc Sài Gòn bùng phát đợt dịch thứ 4, giống như hàng ngàn sinh viên trường y khác, nó cũng tham gia vào công tác chống dịch. Mấy hôm nay Sài Gòn trở bệnh, số ca nhiễm cũng tăng dần theo từng ngày, từ 1.000 lên 2.000, thậm chí hơn 5.000 ca/ngày khiến việc truy vết gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi cởi bỏ lớp áo phòng hộ để quay về nhà, trong dòng tin nhắn vội vàng, tôi nhận ra sự lo lắng, sợ hãi đang lớn dần lên trong nó. Nhưng rồi khi buột miệng hỏi “mệt quá sao không nghỉ đi”, nó liền khẳng định chắc nịch: “Hết dịch rồi em nghỉ”.
0h ngày 9/7, Sài Gòn bước vào chuỗi ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Mười mấy năm sống ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi thấy Sài Gòn co mình đến thế. Một cảm giác thật lạ khi cái không khí tấp nập, sôi động lại nhường chỗ cho sự vắng vẻ, ai ai cũng ngại ra đường vì chẳng muốn làm tổn thương Sài Gòn thêm chút nào nữa!
Trên các trang mạng xã hội, group chat, mọi người nói về Sài Gòn, về trận ốm dai dẳng kéo dài với những số liệu không mấy lạc quan. Bản thân tôi cũng bắt đầu đếm số.
Ngày 9/7, Sài Gòn có 1.229 ca.
Ngày 10/7, Sài Gòn có 1.320 ca.
Ngày 11/7, Sài Gòn có 1.397 ca.
...
Ngày 24/7, Sài Gòn có 5.396 ca.
Ngày 25/7, Sài Gòn có 4.555 ca.
Hôm nay (26/7), ngày thứ 18 thực hiện giãn cách và có lệnh giới nghiêm sau 18h, số ca vẫn còn đến hàng ngàn. Chẳng còn cảnh vội vã như những ngày đầu. Siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng không còn cảnh quá tải, ùn ứ khách mua. Thay vào đó, những chuyến xe rau củ 0 đồng, những cửa hàng thực phẩm di động miễn phí, hàng ngàn phần cơm, bánh mì… đã lan tỏa đi khắp nơi, trở thành hậu phương vững chắc cho lực lượng tuyến đầu an tâm chống dịch.
Tôi tự hỏi phải chăng đây là những ánh sáng rực rỡ giữa bầu trời ảm đạm của Sài Gòn. Nhìn đôi mắt rớm đỏ, bật khóc của một bà cụ khi nhận được bịch quà từ thiện, nhìn 2 đứa trẻ nhỏ ăn ngấu nghiến ổ bánh mì trong đêm ở góc đường quận 4, nhìn những cái cúi đầu cảm ơn, đôi bàn tay run rẩy của những mảnh đời vô gia cư khi được san sẻ phần cơm trưa, chai nước suối. Những hình ảnh ấy, sao mà quen thuộc, thân thương đến vậy.
Người ta vẫn bảo Sài Gòn vốn hoa lệ, người nghèo khó mà sống được ở cái thành phố đắt đỏ này. Nhưng có mấy ai biết được, bên ngoài vẻ hào nhoáng, lộng lẫy đó vẫn luôn tồn tại một Sài Gòn biết dung dị, biết yêu thương tất cả mọi người.
Ở Sài Gòn, người giàu rất nhiều và người nghèo cũng không ít. Nhưng giữa họ luôn có mối liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong lúc dịch bệnh hoành hành thì bất cứ ai cũng trở thành người thân, máu mủ ruột rà.
Tôi có quen một anh bạn, 6 năm nay, anh cùng nhóm bạn vẫn hay rong ruổi khắp các con hẻm Sài Gòn trong đêm để tặng những phần bánh ngọt, sữa tươi cho người vô gia cư. Dịch bệnh bùng phát, thay vì chọn cách ở nhà để bảo vệ bản thân, anh vẫn cố gắng bám trụ với công việc thiện nguyện. Vì anh sợ, trong một góc ẩn khuất nào đó, vẫn có người chờ đợi những phần quà từ anh, anh chẳng muốn ai bị bỏ lại phía sau, nhất là cả Sài Gòn đang căng mình với cuộc chiến Covid.
- Ông có nhà sao ông không về? Ông sợ, về nhà hại con cái nó chửi, thà ông ra đường xin cơm thiên hạ.
- Bà không con cái, vai bà còn 6 con vít, con rờ xem, trời lạnh nó nhức dữ lắm…
- Bà ơi, bà đừng khóc, con gửi bà một ít bánh, tiền mặt nha bà…
Đó là cuộc đối thoại nho nhỏ giữa Thành – nhóm thiện nguyện “Sài Gòn đêm” với những cụ già vô gia cư, co ro trong đêm giãn cách. 12 ngày qua, những câu chuyện mà Thành gặp phải, chứng kiến càng khắc khoải hơn rất nhiều, chưa bao giờ Thành nghĩ Sài Gòn buồn đến thế.
“Tối 19/7, trên đường đi phát quà, mình gặp một chú đang bới rác, tìm thức ăn ở trước một ngân hàng tại quận 4. Khi mà Thành lại gửi 1 phần ăn, chú nói dịch bệnh khiến chú thất nghiệp, chờ đợi phần quà mà nay không có, đói quá nên mới tìm trong thùng rác coi có gì ăn được không. Trời thì đang mưa lớn, xung quanh đường hiu hắt, thấy chú co ro tội nghiệp lắm. Lúc nhận quà với 200 ngàn, chú khóc quá trời…”, Thành kể.
Vì nguồn nhân, vật lực ít, mỗi tối Thành và một số người bạn trong nhóm chỉ rảo khắp các quận, huyện để phát từ 500-600 phần quà, nhiều bữa quà hết nhưng vẫn còn một số địa điểm chưa đi, Thành đành lỡ hẹn với các cô chú.
“Lúc trước khi chưa giãn cách, nhiều cô chú xe ôm, lượm ve chai, lao động nghèo vẫn có việc làm, còn trụ được để lo cơm ngày 3 bữa. Giờ họ chẳng còn gì trong tay cả, tiền nhà trọ không có để đóng, đi lượm ve chai cũng không còn gì nên cứ tối đến, họ nằm co ro ngoài vỉa hè, lề đường để đợi những phần quà từ thiện. Dù mỗi phần quà chỉ có bánh mì, sữa nhưng ai nhận cũng vui, nhiều cô chú bật khóc vì xúc động. Giờ ai cũng khổ, đâu còn phân biệt ai nghèo hơn ai”, Thành nói.
Ngoài 600 phần quà mỗi tối, Thành và một số người bạn trong nhóm còn chuẩn bị các phần thức ăn sẵn, rau củ quả, nhu yếu phẩm để gửi tặng các khu vực phong tỏa, cách ly. Nhiều lúc kiệt sức, nhưng nghĩ đến những người lao động nghèo, vô gia cư vẫn đợi mình mỗi đêm, Thành tự động viên mình phải tiếp tục.
Nếu như Thành đã gắn bó với công việc thiện nguyện đã 6 năm thì chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi) – người phụ nữ miền Tây cục mịch, trước giờ chỉ quen việc bếp núc lại hăng hái rủ rê mấy chị em chung xóm, mỗi nhà một chút, gom góp lại để nấu cơm phát cho người nghèo.
12 ngày giãn cách cũng là 12 ngày chị Tưởng vùi mình vào bếp, loay hoay từ 2h sáng đến tận khuya từ nấu nướng, đi phân phát đến việc nhận rau củ, thức ăn được mọi người mến tặng.
"Ra đường bây giờ chị thấy nhiều người tội nghiệp lắm, có người không có tiền để mua cơm, sống nương nhờ vào các nhóm từ thiện. Chị cứ nghĩ đơn giản giờ mình làm được gì cứ làm, mình không có của thì bỏ công, cùng nhau ráng vượt qua giai đoạn này”, chị Tưởng cười hào sảng.
3 giờ đồng hồ ngồi phụ bếp, tôi tự nhủ sao những con người như chị Tưởng, chị Duyên lại có sức bền đến như vậy, lại bỏ thời gian của mình để đi làm những “công việc không tên” mà chẳng có một ai thừa nhận.
Nhưng tôi đã sai từ trong chính suy nghĩ của mình.
Nhìn cái cách chị Tưởng chạy xe máy khắp Sài Gòn, đưa tận tay những phần cơm trưa cho người lao động nghèo, vô gia cư rồi nhận lại sự rưng rưng, lời cảm ơn chân thành từ người nhận, nó khiến tôi khắc khoải về tình cảm mà con người dành cho nhau. Có phải khi càng gian khổ, người ta lại càng nghĩ đến nhau…
Anh Thanh – Một luật sư đang sinh sống tại quận 8, ngay từ buổi đầu tiên Sài Gòn giãn cách, anh đã cùng nhóm bạn đã nghĩ ra việc để thùng bánh mì trước cửa nhà cho những người cần. Ban đầu 100, 200 phần, sau đó thì không chỉ có bánh mì, những suất cơm trưa, những bịch gạo, chai dầu, nước tương… cứ thế được nhóm bạn của anh Thanh cùng nhau lan rộng để sẻ chia được nhiều hơn đến người nghèo.
Sài Gòn giãn cách, nhiều người trở nên thất nghiệp, thiếu việc làm nhưng trên các trang mạng xã hội, ai ai cũng có cho mình một công việc. Đó là việc sẻ chia, việc lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trong mùa dịch theo nhiều cách khác nhau.
Phong – cậu bạn trong nghề trước giờ chỉ quen với việc gõ chữ, viết lách bỗng chốc trở thành một shipper chính hiệu khi đi khắp mọi ngõ ngách ở Sài Gòn để nhận – phân phát quà từ thiện.
Uyên – Một bà chị trước giờ thường hay xa lạ với mọi người trong khu chung cư, không nói chuyện với ai, đùng một cái lại đem tặng rau củ cho bà con xung quanh khi được “cứu trợ” từ quê nhà.
Hay trên các trang mạng xã hội, group dân cư…, hễ ở đâu có thông tin về người cơ nhỡ, khó khăn ở Sài Gòn cần sự giúp đỡ, mọi người đều cùng nhau góp sức, chung tay. Từ chung cư cho đến khu phố, dãy phòng trọ của người lao động nghèo, đâu đâu cũng nhìn thấy sự san sẻ dành cho nhau để không một ai bị bỏ lại, bị lãng quên trong cơn đại dịch Covid.
“Cô ơi, còn cơm không cho tui xin 2 hộp”, người phụ nữ khệ nệ chạy lại xe chở cơm, giọng tha thiết.
Cách đó một đoạn, một bé gái khoảng 7-8 tuổi ngồi co ro một góc trên vỉa hè, hướng mắt về phía người mẹ đang xin cơm, hi vọng. May mắn trên xe còn đúng 2 phần cơm, chị Tưởng (người phát cơm) liền nhanh chóng trao nốt cho 2 mẹ con để được no bữa.
Nhưng cùng lúc này, một anh shipper chạy tới xin, tưởng rằng người mẹ kia sẽ không quan tâm đến, mặc định cầm 2 hộp cơm về cho 2 mẹ con, ai ngờ chị ấy vui vẻ san sẻ lại 1 phần cho anh shipper, tươi cười nói.
“Đây, lấy hộp cơm của tui nè, chú ăn ngon miệng hen”, nói đoạn, người mẹ nhanh chóng chạy lại chỗ đứa con gái nhỏ, 2 mẹ con chia nhau phần cơm còn lại một cách ngon lành.
Hôm nọ, trong lúc đi phát quà ở bên xóm lao động nghèo ở quận 8, gặp một đám trẻ con, đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem, quần áo xộc xệch. Vì trên xe số lượng sữa bánh không còn nhiều, chẳng đủ để cho từng đứa, trong lúc phân vân chẳng biết giải quyết thế nào, thằng bé lớn nhất trong đám nhóc liền nói.
- Chú cho mấy em con được rồi, con lớn, không ăn đâu ạ!
Chẳng hiểu sao lúc đó, tôi lại cảm thấy ấm lòng đến kỳ lạ. Có phải càng khó khăn, càng khổ sở thì mọi người càng yêu thương, đùm bọc nhau nhiều hơn.
Năm ngoái, khi cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sài Gòn cùng cả nước mạnh mẽ vượt qua. Hôm nay, Sài Gòn giãn cách, cả nước đều hướng về Sài Gòn. Biết Sài Gòn đang bệnh, những chuyến xe chở đầy rau củ của Gia Lai, Lâm Đồng, người Quảng Bình, Đà Nẵng gop góp hàng tấn cá nục gửi vào thành phố hay lời nhắn dễ thương "Ăn cá ba sa, Sài Gòn mau hết dịch nha" của người miền Tây…, đã tiếp thêm động lực cho Sài Gòn trong những ngày giãn cách.
Mỗi ngày, Sài Gòn có chục ngàn suất quà, phần cơm trưa, bánh mì, cháo đêm… được gửi đến người dân ở khu vực phong tỏa, cách ly, các bệnh viện dã chiến và người lao động nghèo, vô gia cư. Ai cần thì tới lấy - Ai có thì đến cho, Sài Gòn chẳng bao giờ biết so đo, tính toán với bất kỳ ai.
Nếu như trước kia, việc phát quà từ thiện, sự lộn xộn ở một điểm tập kết hàng hóa phần nào làm xấu đi ý nghĩa của sự “cho – nhận” thì trong những ngày gần đây, mọi người sẵn sàng nhường nhịn nhau, chẳng ai tranh giành, chẳng ai vụ lợi, tất cả đều mong mỏi một ngày sớm nhất, Sài Gòn sẽ vượt qua được đại dịch.
Những ngày tới, Sài Gòn sẽ bước tiếp vào một đợt giãn cách mới dài hơn, quyết liệt hơn. Biết rằng quyền lợi của mỗi người dân sẽ bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp, công ty tiếp tục đóng cửa, người lao động nghèo lại mất việc, khó khăn. Nhưng có lẽ, đó là cách duy nhất để chúng ta bảo vệ Sài Gòn trong cơn bệnh nặng.
Chỉ một thời gian nữa thôi, Sài Gòn sẽ hết bệnh, sẽ lại náo nhiệt như trước kia, đặc sản “kẹt xe” rồi sẽ quay lại để thay thế cho những tuyến đường vắng vẻ của hiện tại, nơi những hàng quán, phố nhậu xập xình mỗi đêm, các bạn trẻ rồi sẽ lại dạo chơi khắp phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, những người lao động nghèo, vô gia cư sẽ có được mái nhà bình yên.
Sài Gòn sẽ sớm khỏe nếu mọi người cùng chung tay, hạn chế ra đường, tuân thủ 5K, nâng cao ý thức của bản thân trong việc phòng chống dịch bệnh. Vì một Sài Gòn khỏe mạnh, mọi người hãy yêu thương nhau nhiều hơn để qua cơn đại dịch, Sài Gòn sẽ không bỏ sót một ai, không lãng quên bất cứ một điều gì, sẽ luôn là vùng đất bình yêu, chở che cho hàng triệu con người.
Theo Trí Thức Trẻ