Trưa mùa đông, mẹ rút từ ruột tượng 2 hào cho tôi mua nước phở về chan cơm nguội

Khi chan nước phở vào, nó quyện với cơm nguội, nhìn như một bát canh với những cánh hoa cơm lấp lánh ánh vàng sao.

Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, thời những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, chưa bao giờ nghĩ buổi sáng cả nhà lại được đi ăn phở. Món phở lúc đó như một món ăn cao cấp của các gia đình khá giả.

Tôi học tại một trường cấp 3 nổi tiếng của thành phố. Sáng nào tôi cũng đi bộ đến trường và trên đường phải đi qua con phố có quán phở. Mùi thơm của phở lan tỏa trên không trung, ngào ngạt, ngầy ngậy, gây gây mùi thịt bò. Khứu giác của tôi tan chảy. Mùi vị đó ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Tôi không bao giờ dám xin tiền bố mẹ hay anh chị để đi ăn phở dù rất muốn. Lúc đó mọi người đều khổ và khó khăn như nhau, có ăn là tốt lắm rồi. Mục tiêu là ăn cho no chứ chưa bao giờ nghĩ đến ăn ngon. Tôi không nhớ rõ, nhưng có một lần tôi hỏi và mẹ bảo một bát phở bò tương đương khoảng 4-5kg gạo.

Rồi cuộc sống cứ đi qua cuộc đời học sinh của tôi. Tôi chưa bao giờ được bước chân vào và ăn phở ở quán đó, nhưng mùi thơm của phở ngày nào cũng ngang qua tôi. Thế nên tôi tự đặt tên cho quán là phở “ngó”, như để động viên mình. Cả nhà tôi ai cũng vui với cái tên của quán phở ấy.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi. Vào một ngày mùa đông, buổi trưa, tôi đi học về thấy rất lạnh và đói. Phần ăn trưa của tôi là bát cơm nguội lạnh và mấy quả cà muối, nhìn là chẳng muốn ăn. Thấy vậy, mẹ rất thương và lấy ra trong ruột tượng (là túi tròn đường kính khoảng 10cm buộc ngang người, dùng để cất tiền) cho tôi 2 hào (tiền lúc bấy giờ), bảo đến quán phở “ngó” mua nước phở.

Lần đầu tiên tôi ăn cơm nguội với nước phở. Nước phở nóng, ngon, ngọt làm sao. Khi chan nước phở vào, nó quyện với cơm nguội, nhìn như một bát canh với những cánh hoa cơm lấp lánh ánh vàng sao. Vèo một cái tôi đánh hết bát cơm nguội và húp tới giọt nước phở cuối cùng. Bây giờ có ăn bao nhiêu bát phở cũng không ngon như lúc đó.

Tôi rời xa quê hương đi công tác và vẫn ăn phở sáng như bao người. Thành phố nơi tôi sống đông đúc, náo nhiệt và rất nhiều quán phở. Tôi đến quán có tên “Phở bò gia truyền Nam Định” là vì quê hương và cũng thấy ngon hơn.

Lần đầu không thấy sự khác biệt lắm, nhưng ăn lâu mới thấy nghiền và thấy sự khác biệt giữa phở Nam Định và phở ở nơi khác. Mùi vị phở thân quen từ ngày còn là học sinh đến giờ vẫn không thay đổi. Công thức, cách làm phở vẫn như nhau. Bí quyết là ở nồi nước phở.

Nước phở Nam Định bao giờ cũng có nước mắm và nước mắm phải được làm từ con tôm, con cá ngoài biển cả. Thế nên nước phở mới nặng mùi, có vị thơm ngọt của mùi nước mắm và rất đậm đà. 

Trưa mùa đông, mẹ rút từ ruột tượng 2 hào cho tôi mua nước phở về chan cơm nguội-1

Nhân ngày kỷ niệm, tôi về thăm trường cũ, lại đi bộ qua con phố thân quen, qua quán phở “ngó” ngày nào. Ảnh minh họa

Tôi vẫn thường trở về thành phố Nam Định thân yêu, nơi có bao kỷ niệm của tuổi học sinh.

Nhân ngày kỷ niệm, tôi về thăm trường cũ, lại đi bộ qua con phố thân quen, qua quán phở “ngó” ngày nào. Lần này tôi không "ngó" nữa mà vào thật, gọi bát phở bò áp chảo, mùi thơm ngậy, ngon, quyến rũ nhưng không ăn được vì nước mắt cứ ứa ra. Những kỷ niệm xưa cứ ùa về…

Chuyện ăn phở bây giờ không phải là "chuyện lớn" nữa. Phở đã trở thành món ăn của mọi người, không chỉ Việt Nam mà còn lan tỏa đến các nước trên thế giới. Tôi cũng đã có nhiều dịp ăn phở Việt Nam ở nước ngoài. Tuy chất lượng có khác so với phở trong nước, nhưng tôi cảm thấy vô cùng tự hào về món Phở của Việt Nam, tự hào mình là người Việt Nam. 

 

Theo vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/nguoi-yeu-ru-chi-gai-di-an-pho-lu-em-vac-com-nguoi-xin-ke-nuoc-dung-2192003.html

món phở


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.