Vợ của giang hồ đệ nhất sát gái trải lòng về 19 cuộc tình của chồng

Trong 19 cô vợ của Tư Thuận, có người vì gần gũi mà theo, có cô nghe danh tìm đến hay gá luôn cuộc đời chỉ vì một câu tán tỉnh. Giới giang hồ bảo đó là cái vốn trời ban, không phải ai cũng có được…


Giang hồ đệ nhất sát gái
Giới giang hồ Sài Gòn thời kỳ trước 1975, mỗi khi nhắc đến Tư Thuận ai nấy đều phải kính nể. Bởi sinh thời Tư Thuận chính là đàn anh của tướng cướp “chọc trời khuấy nước” Điền Khắc Kim. Đại bản doanh của Tư Thuận cát cứ tại vùng ngã ba Cây Thị (Q.Gò Vấp, nay là P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Tên cúng cơm của Tư Thuận là Trương Văn Thuận (SN 1944) tại làng Cây Thị. Về sau, thời gian hoạt động trong giới giang hồ, người ta chỉ cần gọi Thuận Cây Thị thì tiếng tăm của ông đã làm xanh máu người nghe. 
Tư Thuận, thời trai trẻ là giang hồ lẫy lừng 

Giang hồ thời Tư Thuận luôn đề cao đạo đức nghĩa hiệp, không cướp bóc giết người, không trộm cắp hại dân mà chỉ kinh doanh những loại hình như đánh bạc, đá gà độ…mà thôi. Chính vì những nguyên tắc này mà Tư Thuận được nhiều đàn em nể trọng, tìm về quy thuận, nhiều người phụ nữ vây quanh, sẵn sàng dâng hiến tất cả. Tư Thuận đều giang tay cứu vớt tất cả những người phụ nữ lỡ làng, các con của họ ông đều nhận làm cha đỡ đầu. 
Dù là đại ca giang hồ, nổi tiếng giỏi võ nhưng cuộc đời Tư Thuận khá bình lặng, bởi ông không manh động như những giang hồ khác gây nhiều tai ương cho xã hội. Chỉ một điểm nổi bật mà giới giang hồ Sài Gòn lúc ấy ai cũng biết là, Tư Thuận thuộc hàng “đệ nhất sát gái”. Nếu tính trọn cuộc đời, Tư Thuận có một “vốn khủng” về vợ. Tính cả vợ chính và vợ bé lên đến con số 19. 
Tôi đã may mắn gặp Tư Thuận những ngày cuối cùng của cuộc đời dưới chân núi Chứa Chan (Đồng Nai). Ngoài chuyện giang hồ đao kiếm thời trai trẻ, ông Tư đã tâm sự thật rằng. Đời ông 19 lần sang ngang, 19 cô vợ đi qua nhưng cuối cùng lại quay về con số 0, sống cô đơn nơi lều hoang giữa rừng. Đó âu cũng là cái giá phải trả cho cuộc đời ngang dọc, mắc nhiều tội lỗi không bao giờ rửa sạch của một giang hồ.

Tư Thuận những ngày cuối đời

“Ổng nhiều vợ lắm, vợ chính thì ít, vợ bé thì nhiều, tôi nhớ không nhầm thì chính xác ông ấy có đến 19 vợ, bà Oanh là người cuối cùng, nay vẫn còn sống và đi tu ở một ngọn núi ở Vũng Tàu đấy”. Bà Đào Thị Liên, vợ thứ 18 thật thả kể lại. 

Và những “cái rá cạp lại”
Nhiều vợ là thế, nhưng đến nay những người phụ nữ từng gá cuộc đời với Tư Thuận có người đã chết, có người sống ở TP.HCM, người lưu lạc ở nước ngoài. Người vợ thứ 18 hiện nay còn sống đang ở trong một con hẻm ở vùng ngã ba Cây Thị. Bà chính là Đào Thị Liên (tên khác là bà Năm Tiệm), người có khoảng thời gian gắn bó nhiều nhất với ông Tư Thuận. 
Năm nay đã bước sang tuổi 77 nhưng những ký ức về người chồng cũ trong bà vẫn chưa thể phai mờ. Khi chúng tôi nói về ông Tư Thuận, được gợi lại ký ức lâu nay bị vùi lấp, đôi mắt bà sáng lên: “Ông Tư ấy à, tôi là vợ ông ấy, ổng tốt người, tốt tính lắm, dù rằng chúng tôi không sống trọn đời”. Bà cho biết, thực ra bà đến với ông cũng trong cảnh “rổ rá cạp lại”. Nhà bà chung đường với nhà ông Tư, chồng bà là sỹ quan chế độ cũ nhưng hám gái nên bỏ rơi để bà một mình cắp nách 4 đứa con. 
Sau ngày Sài Gòn giải phóng, Tư Thuận đi tù ở Côn Đảo về, một thân cô độc. Hơn mười người vợ trong quá khứ lần lượt đội nón ra đi khi thấy ông “thất thủ”. Miệng ông có hót hay đi chăng nữa nhưng túi rỗng tuếch, người ốm đói, thì chẳng có sức mạnh nào kéo áo họ về bên mình được. Tư Thuận tặc lưỡi bỏ hết. Lúc này, ở bên hàng xóm, thấy mẹ con bà Năm neo đơn quá, ông Tư liền qua ngỏ lời: “Mẹ con bà lủi thủi một mình tội quá, hay về sống với tôi đi, tôi chăm sóc cho”. 
Bà Năm nghe xong buồn phiền đáp lại: “Ông có nghề nghiệp gì để mẹ con tôi dựa dẫm đâu? Tôi đã khổ nhiều rồi lỡ đến với ông khổ thêm nữa thì sao?”. Tư Thuận không trả lời, ông lặng lẽ chăm sóc và quan tâm mẹ con bà Năm. Khi thì bổ bó củi cho lũ trẻ không phải thổi thụt thùi toét mắt vì củi ẩm ướt, khi lại mang đồ ăn thức uống qua dúi cho xấp nhỏ. Người đàn bà góa phụ thấy cảm mến cái nghĩa khí hào hiệp, đã quyết định dắt đàn con về ở với ông Tư. Lời dị nghị như nanh vuốt của xóm giềng quăng cho bà rằng: “Phận góa bụa nổi trôi hết nửa đời người rồi, lấy ai không lấy lại trao cuộc đời cho một kẻ giang hồ khét tiếng Sài Gòn”. 

Bà Năm hoài niệm về người chồng nhiều vợ bằng thái độ trân trọng

Quay sang Tư Thuận, anh em, đệ tử của ông tuy hào phóng hơn nhưng cũng ái ngại bởi cảnh ông mù quáng “ôm một cục nợ người ta bỏ đi”. Tư Thuận bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ, ông quyết tâm làm theo chân lý của trái tim. Một trái tim không chỉ đập vì tình yêu sớm nở mà còn tràn đầy lý tưởng nghĩa hiệp, đúng với bản chất “giang hồ chơi đẹp”. Tất cả con riêng của vợ, ông đều xem như con của mình. “Ổng không có con riêng nên thấy trẻ ổng thích lắm, các con tôi đứa nào ổng cũng thương như con ruột”, bà Năm bộc bạch.
Cuộc sống ghép đôi chẳng được bao lâu, Tư Thuận lại bị bắt đi tù vì làm ăn phạm pháp. 3 năm bóc lịch đã cộng gộp vào quá khứ tù tội của Tư Thuận bản án dài dằng dặc, bà Năm lại ngược xuôi thăm nuôi chồng. Đáo hạn tù, ông Tư quyết định hoàn lương, bắt tay vào kiếm tiền chân chính bằng mồ hôi và nước mắt. Gối chăn chẳng tày gang với cuộc tình chỉ quét qua bằng những giọt nước mắt, thì máu đào hoa cộng với khí chất giang hồ năm xưa trỗi dậy. 
Ông Tư Thuận lại tiếp tục có tình cảm với bà Oanh, người phụ nữ đã 4 con ở Vùng Tàu. Không biết miệng lưỡi Tư Thuận thế nào mà khiến bà Oanh say tình liêu xiêu, yêu ông điên cuồng. Sau đó bà này bỏ cả chồng con cùng Tư Thuận xuôi về ngọn núi Chứa Chan sống cảnh tiều phu đói no nương nhờ nhau. Bà Năm biết chuyện, chỉ lặng lẽ gật đầu. 
Hơn ai hết, bà hiểu, người phụ nữ kia, giống với “phiên bản” ngày cơ hàn lỡ vận của bà, cũng bấu được ông Tư mới có ngày hôm nay. Trong tâm, bà đau lắm nhưng không còn cách nào khác. Đời vợ chồng với ông Tư ngắn ngủi, nhưng bà Năm đã hưởng trọn vẹn hạnh phúc, ấm áp trong cảnh cơ hàn nhất. Bà dẫn bốn đứa con ra đi, coi như đoạn tuyệt mối lương duyên chớp nhoáng. Trong thâm tâm bà Năm, tuy dứt cái tình nhưng bà và các con vẫn yêu thương và trân trọng ông Tư nhiều lắm.
 Sống với tình mới, ông Tư không quên về ngã ba Cây Thị thăm mẹ con bà Năm. Từ ngày lên núi làm tiều phu giữa chốn đại ngàn, ông Tư sống lay lắt qua ngày, khó khăn túng quẫn. Lần nào ra về, bà Năm cũng dúi vào túi áo ông tiền lộ phí đi đường. Ngày ông Tư Thuận mất (năm 2011), trong khi người vợ thứ 19 (vợ cuối cùng) không đến thì bà Năm và các con đã tất tả ngược xe từ TP.HCM về tận Xuân Lộc chịu tang ông. Với bà Năm, dù hạnh phúc cùng ông Tư Thuận dở dang nhưng chưa bao giờ bản thân cảm thấy ân hận khi phải làm vợ một ông trùm giang hồ thứ thiệt đất Sài Gòn.

Ái Thụy/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.