Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu

Hằng năm, cứ mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch, người Việt khắp nơi lại một lòng hướng về ông bà cha mẹ với đại lễ Vu lan Báo hiếu vô cùng thiêng liêng và tốt đẹp.

Lễ vu lan báo hiếu chính là dịp để cháu con tỏ lòng biết ơn, yêu thương mà trân trọng và tri ân đối với những đấng sinh thành cũng như tổ tiên đã khuất.  Vậy nhưng nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ Vu lan báo hiếu cao đẹp này thì rất nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu tường tận. Sau đây, Tintuconline mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-1

1. Lễ Vu Lan báo hiếu là ngày nào?

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", đó là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật Giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-2


Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vu Lan là ngày để báo ân, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên của cả kiếp này và cả những kiếp trước. Năm 2021, lễ Vu Lan rơi vào Chủ Nhật, ngày 22 tháng 8 dương lịch. 

2. Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan báo hiếu

Tương truyền rằng, ngày lễ Vu Lan ra đời theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên sau khi tu luyện thành công, ông nhớ mẹ là bà Thanh Đề đã qua đời nên dùng mắt phép để tìm bà khắp thế gian xem bà đã đi đâu, về đâu. Và ông thấy bà bị đày thành Ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ, vì những việc ác trong các kiếp luân hồi của bà. Đau lòng vì mẹ bị đày đọa, ông hóa phép thành thức ăn dâng lên mẹ nhưng tất cả thức ăn đều biến thành lửa đỏ.

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-3

Không đành lòng nhìn mẹ chịu cực khổ, ngài bèn cầu cứu tới Phật Tổ, Phật liền dạy rằng, dù thần thông quảng đại tới đâu thì ông cũng không thể đủ sức để cứu mẹ đâu mà chỉ có một cách duy nhất là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy chính là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng và ông cần sắm sửa lễ cúng dường Tam Bảo vào ngày đó nhằm cứu lấy phước cho mẹ. Phật cũng nói thêm, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cũng có thể dùng cách này và kể từ đó, lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.

Ở Việt Nam, kể từ những năm tháng đầu tiên khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu lan. Ngày nay, Lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền, hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt.

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-4

3. Ý nghĩa của ngày vu lan báo hiếu

Với nguồn gốc như đã nói ở trên, Lễ Vu Lan chính là dịp để con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo, đền đáp lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và thể hiện lòng thành với tổ tiên. Đây là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Ở Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức bông hồng cài áo. Đây là nghi thức khởi xướng bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách "Bông Hồng Cài Áo" viết năm 1962. Những ai may mắn còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng đỏ và một bông hồng trắng cho những ai cha mẹ đã đi vào cõi luân hồi. Các tu sĩ mượn thân cha mẹ để phổ độ chúng sinh, họ cài bông hồng màu vàng để thể hiện lý tưởng cao quý này. 

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-5

Bông hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu, sự cao quí, ngát hương. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp nhất, thiêng liêng nhất của người con dành cho cha mẹ mình. 

Ngoài ra, lễ Vu Lan còn có tác dụng thức tỉnh lương tâm, nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người để họ sống nhân ái, có ích cho đời. Cùng với việc bồi dưỡng lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, đây cũng là dịp con người phát huy tư tưởng nhân đạo, tương thân tương ái. Cũng chính vì vậy mà dịp rằm tháng 7 âm lịch và lễ Vu lan, người ta thường làm việc thiện và giúp đỡ người khó khăn, khi cúng thì cúng cả cô hồn - những linh hồn lang thang, không có ai cúng bái.

Ngày lễ Vu Lan ra đời chính là dịp gợi nhắc các thế hệ con cháu nhớ về những công ơn như trời biển của các đấng sinh thành và thế hệ trước của mình. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là "Từ - Bi - Hỷ - Xả", "Vô ngã, vị tha".

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu-6

Theo V.K - Vietnamnet


tháng 7 âm lịch

Lễ Vu Lan

rằm tháng 7


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.