Chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới từng được bán với giá 11 triệu USD năm 1999 vừa bị một thành viên gia đình hoàng gia Qatar đem ra bán đấu giá cùng với 240 món đồ quý hiếm khác để trả số nợ mắc phải trong “cơn say” sưu tầm hàng độc.
Thông tin được tờ Independent của Anh đăng tải hôm 10/11.
Theo đó chiếc đồng hồ đắt giá nhất thế giới từng được bán đấu giá thành
công bởi nhà đấu giá Sotheby năm 1999 với giá kỷ lục 11 triệu USD vừa
được đem giao lại cho nhà đấu giá này cùng 240 món đồ sưu tầm khác.

Chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới đang bị đem gán nợ
Chủ nhân của những món đồ này là hoàng thân Saud Bin Mohammed Bin
Ali Al-Thani, một người họ hàng của nhà vua Qatar. Theo hồ sơ của
Sotheby trình lên Sở ngoại vụ New York ngày 12/10, tổng giá trị các món
đồ mà ông Al-Thani giao cho Sotheby bán đấu giá là vào khoảng 83 triệu
USD.
Kể từ cuối tháng 9 đến nay ông Al-Thani đã dính vào 2 vụ kiện, một
trong số đó là việc không thanh toán 19,8 triệu USD để mua các đồng tiền
cổ của Hy Lạp mà ông từng đấu giá hồi tháng Giêng.
Một tòa án tại Anh trong một phán quyết được đưa ra hôm 9/11 đã
quyết định gia hạn thời gian đóng băng số tài sản trị giá 15 triệu USD
của vị hoàng thân này theo yêu cầu của bên bán các đồng xu. Theo tài
liệu của tòa, Al-Thani có vẻ đã mắc nợ ít nhất 11 nhà đấu giá và các nhà
môi giới trong vòng 18 tháng qua. Riêng số nợ của vị này tại Sotheby
lên tới 42 triệu USD.
Hiện Al-Thani vẫn chưa có bình luận gì về các vụ việc này. Trong
khi đó một nhân viên tại văn phòng của ông tại London cho biết Al-Thani
đã rời Anh một tháng nay. “Đây không phải chuyện hiếm gặp trong ngành
đấu giá khi các nhà đấu giá buộc phải nhận tài sản thay cho tiền thanh
toán do khách hàng gặp vấn đề về tiền bạc”, Michael Plummer, đồng sáng
lập công ty tư vấn đầu tư các sản phẩm nghệ thuật Artvest tại New York
cho biết.
Trước đây, theo ARTnews, Al-Thani từ là người đứng đầu Hội đồng Văn
hóa, nghệ thuật và di sản quốc gia Qatar, nơi ông chủ trương xây dựng
một khu liên hợp bảo tàng quốc gia bằng cách chi tới 1,5 tỷ USD để mua
các tác phẩm nghệ thuật và các đồ sưu tầm giai đoạn từ 1995 – 2005.
Vẫn theo ARTnews, đầu năm 2005, Al-Thani bị bắt tại Doha vì nghi
ngờ sử dụng sai công quỹ. Dù vậy sau đó không có thông tin về việc ông
này bị kết tội. Vài năm sau đó Al-Thani xuất hiện trở lại trên thị
trường các tác phẩm nghệ thuật và được ARTnews đánh giá là một trong 10
nhà sưu tầm lớn nhất thế giới. Ước tính vị hoàng thân này đã chi ra hàng
trăm triệu USD cho các tác phẩm nghệ thuật chỉ trong hai năm 2009 và
2010.
Hồi tháng Giêng năm nay, Al-Thani đã chiến thắng trong cuộc đấu giá
các đồng tiền cổ bằng vàng của Hy Lạp khi chấp nhận chi tới 3,25 triệu
USD cho mỗi đồng xu có in hình của người mang nửa người và nửa dê.
Dù vậy thì theo đơn kiện được các nhà đấu giá A.H. Baldwin &
Sons (ở London), M&M Numismatics (ở Washington) và Dmitry Markov
Coins and Medals (ở New York) nộp lên tòa án hôm 9/10 thì ông Al-Thani
không thanh toán một xu nào và họ buộc phải tính mức lãi suất 2%/tháng.
“Những cách hành xử như trên đã không được giải thích và cũng không
thể hiểu nổi”, phán quyết của một tòa án tại London hôm 9/11 khẳng
định. “Vị thế hoàng gia của vị hoàng thân sẽ không được xem xét tới. Tất
cả chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật”.
Theo Dân Trí/Independent