Tôi tất tưởi đi gọi chồng. Cái bụng nặng nề làm bước đi của tôi trở lên ì ạch. Đúng là xấu như bà chửa! Từ nhà ra đến đống ông Nghênh đi bộ hết cả cây số. Nhưng mặc kệ, tôi cứ thế chạy như ma đuổi. Tôi quên mất mình đang mang bầu. Cứ nghĩ đến hình ảnh ông anh chồng cầm bó hương, sấn vào người mình là tôi sởn hết gai ốc, miệng gọi hàng xóm còn ba chân bốn cẳng chạy đi tìm chồng.

Ngoài đống ông Nghênh, mấy người trong họ, mẹ và chồng tôi cứ quỳ lạy, khấn vái ở giữa cánh đồng. Thầy cúng luôn miệng lảm nhảm những câu tôi không thể hiểu nổi. Tôi la lớn:

- Anh Dương lại lên cơn rồi.

Chồng tôi tái mặt, chạy đến đỡ lấy vợ. Tôi nhìn sang mẹ chồng, bà đang rơm rớm nước mắt. Chẳng ai để ý đến tôi.

Thầy cúng không hề xoay chuyển, miệng lẩm bẩm khấn vái. Đám người trong họ chắp tay trước ngực, lắc đầu ngán ngẩm rồi miệng thỉnh thoảng lại “Nam mô” theo lời thầy. Chồng tôi bỏ buổi lễ, kéo vợ về nhà. Tôi bước theo anh, vừa đi vừa thở dốc, chân tay bủn nhủn.

Anh chồng tôi mắc chứng bệnh thần kinh bẩm sinh.

Lần đầu tiên về nhà chồng, dù đã chuẩn bị tâm lý khá kỹ nhưng tôi vẫn thấy sợ. Chồng tôi giới thiệu anh tên Dương. Tôi bảo tên hay thế. Anh không nói gì. Tôi đành nói lảng sang chuyện khác. Đến khi chồng kéo tôi đứng trước mặt anh và bảo: “Anh ơi! Em dâu anh đấy!”.

Anh ấy nhìn tôi cười hề hề. Sợ quá, tôi núp sau lưng chồng. Anh cứ đi theo và đòi bắt tay em dâu. Tôi chực bỏ chạy nhưng chồng tôi níu lại. Tôi lấy hết can đảm đưa tay ra. Anh lại cười khanh khách, bỏ đi. Hú hồn!

Chồng tôi trấn an: “Anh Dương hiền lắm, em không phải sợ. Ngoài những lúc lên cơn, anh vẫn nhận biết người trong gia đình”. Dù chồng có nói thế nào, tôi vẫn luôn tìm cách tránh gặp anh Dương. Nhà chồng tôi xây cho anh một căn nhà nhỏ ngay bên cạnh khu nhà chính, tiện cho việc chăm có và điều trị bệnh. Mỗi lần về nhà chồng, tôi hiếm khi nào ghé qua, thi thoảng có để mắt xem chừng.

Đứng xa, tôi thấy anh hay ngồi ngoài hiên hóng. Hóng gì thì tôi chẳng biết. Trong những lần chạm mặt, tôi cứ lén nhìn anh chồng. Nhìn khuôn mặt của anh, tôi không sao đoán được tuổi.

Quê chồng tôi rất nghèo. Khi lấy anh, tôi từng nhủ chẳng sá gì chuyện sang hèn vì chúng tôi yêu nhau thật lòng.

Trước khi cưới, anh không ngần ngại kể cho tôi nghe tất cả về hoàn cảnh gia đình. Tôi háo hức theo anh về vùng quê quanh năm gió lào nắng cháy ấy. Trước đây, tôi cũng đã được anh kể cho nghe nhiều về anh Dương và luôn mường tượng một điều gì đó không lý giải nổi.

Mẹ chồng kéo tôi vào thủ thỉ. Tôi thấy gần gũi với bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nét hiền hậu, chân chất trên gương mặt bà khiến tôi yên tâm là mình không phải sống cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Tôi thắc mắc về căn bệnh của anh chồng. Bà nén tiếng thở dài não nề, tưởng như hòa cùng với tiếng mọt đẽo gỗ đang âm ỉ dưới chân giường. Bà bảo:

- Ngày mẹ sinh nó, không để ý nên phải vía của người có tang.

Tôi nhăn mặt không hiểu. Bà kể:

- Khi sinh phải kiêng. Sau này, con nhớ không được cho người có tang vẫn còn đeo khăn trắng nhìn trẻ sơ sinh. Đứa bé sẽ bị bắt mất vía khôn.

Rồi bà ngậm ngùi:

-Mẹ lơ đễnh, làm khổ cả đời nó.

Tôi lờ mờ hiểu được sự tình. Thực sự tôi chẳng tin những chuyện mê tín như thế nhưng cũng cứ vâng. Các cụ bảo: Có thờ có thiêng.

Đã rất nhiều lần nhà chồng tôi làm lễ “chuộc vía” cho anh Dương nhưng chẳng thấy có biến chuyển gì. Mỗi thầy phán một kiểu, cách thức làm lễ nghi cũng khác nhau. Gia đình đã đưa anh đi chữa trị hết Đông y sang Tây y rồi đến cả khấn vái tứ phương, nhưng xem ra bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Gia đình bất lực. Mọi người tự an ủi: “Trời đã định số kiếp anh như thế, thôi thì cũng là một kiếp người!”.

Khi mọi chuyện tưởng như phó mặc cho số phận, đột nhiên mẹ chồng gọi điện bảo: “Chúng mày về lo việc cho anh, không chết cả lũ”. Chồng tôi hớt hải, không biết xảy ra việc gì.

Hai vợ chồng tôi khăn gói về quê, tôi lại sắp đến tháng sinh. Mẹ bảo bệnh tình anh Dương ngày một nặng. Mẹ nói:

- Người ta mách ở bên Băng Quan có cô đồng mới nổi. Nói đúng lắm, mẹ sang xem rồi. Cô phán đúng y bệnh của thằng Dương nhà mình.

- Mẹ chỉ mê tín linh tinh. Chồng tôi gắt.

- Mày không lo được cho anh để mẹ lo. Tại mẹ mà đời nó khổ.

Bà lại khóc. Đôi mắt kèm nhèm, đỏ hoe.

Chồng tôi xót ruột:

- Rồi. Mẹ để con lo!

Vậy mà bà vẫn tấm tức khóc:

- Anh em mày phải biết đùm bọc lấy nhau. Giờ mẹ còn sống đã đành, đến lúc mẹ chết, nó một thân một mình. Chúng mày phải có trách nhiệm với anh… Mà này, cô đồng bên đó bảo thằng Dương gánh tội cho cả nhà. Đất nhà mình bị động long mạch từ đống ông Nghênh đấy!

- Đống ông Nghênh tận ngoài đồng cách nhà đến cả cây số, động gì đến đây.

- Mày đừng có cãi lại lời cô, mẹ ngẫm cũng đúng con ạ. Chuyện tâm linh, mình người trần mắt thịt được mách phải biết mà giải.

Anh bị bệnh nặng hơn làm mẹ chồng tôi cứ cuống lên. Lần này về, tôi thấy anh cũng khác thật. Gương mặt già trước tuổi giờ có thêm những nếp nhăn. Lúc lên cơn, anh không nói được, chỉ kêu những tiếng ú ớ. Các ngón tay bị co rút, chắc đau lắm.

Dân làng bảo dòng họ chồng tôi bốn đời trở về trước khấm khá lắm, có nhiều người đỗ quan to. Cái này tôi cũng biết. Có cụ còn có tên trong bảng vàng đỗ tiến sĩ, hiện vẫn còn bia ở Văn Miếu mà tôi đã được tận mắt nhìn thấy.

Vậy mà bây giờ, những người có bằng cử nhân trong họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế khi cô đồng bên Băng Quan phán, mẹ chồng tôi cứ gật đầu lia lịa.

“Sang bên sông, đi bằng đò có cắm cái cọc treo tấm vải trắng, bước lên bờ rồi đi thẳng theo hướng Nam cách chừng hai trăm mét thấy một ngôi miếu hoang đó, gặp người đàn bà bầu tiên, hãy xin người ta chỉ cách chữa bệnh cho. Phải đi lúc đúng Sửu và về khi thấy ánh mặt trời”, cô đồng bên Băng Quan phán vậy, chồng tôi phải theo.

Lần đầu đi theo lời cô phán, chồng tôi về nhà, mặt mũi bơ phờ nhưng chẳng gặp người con gái hay đàn bà nào cả.

Hôm sau, mẹ dậy nấu cơm sớm cho anh lên đường. Cứ như vậy ba lần bảy lượt mà chẳng có kết quả. Tôi xót chồng nhưng chẳng dám lên tiếng, chỉ thầm nghĩ: “Đi vào giờ đó, chẳng ai dại gì ra đường”.

Cô đồng phán chồng tôi: “Căn cao số mà cái tâm lại chưa tín, không gặp được người”.

Mẹ tôi thở dài khi nghe cô đồng phán lần thứ hai. Cô đòi đàn ông trong nhà, mà nhà chỉ có hai anh em, không chồng tôi đi thì ai? Cô bảo chồng tôi có cái tâm chưa tín, điều này cũng có phần đúng, bởi vì chồng tôi đi cho mẹ yên lòng chứ thực tâm, anh chẳng tin vào ba cái việc bói toán này.

- Đã thế phải chờ duyên thôi!

Cô đồng nói thế, phải nghe thế. Mẹ hướng đôi mắt mệt mỏi về phía đường đất trước cổng. Con đường đất dẫn ra bờ sông.

Căn buồng nơi tôi nằm với mẹ chồng cách giường anh Dương một bức tường. Đêm đến, tiếng mọt đẽo gỗ và cả tiếng thở phì phò của anh làm tôi không thể chợp mắt. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe tiếng ú ớ vọng sang. Mẹ chồng cũng không ngủ được, cứ trở mình suốt đêm, rồi buông những tiếng thở dài như bị kìm nén lâu lắm.

-Con này, mẹ nghĩ mãi, cô đồng bên Băng Quan bảo, động long mạch nghiêm trọng lắm. Không thờ cúng cẩn thận có khi cả nhà lục đục, lúc đó có làm cũng không kịp. Mẹ chẳng biết làm sao.

Tôi cũng không biết làm sao. Đến khi tôi đang chập chờn, bỗng tiếng anh chồng gọi thất thanh làm tôi giật bắn. Mãi tôi mới hiểu cái giọng ngọng nghịu của anh muốn nói gì:

-Táu, cháu… day lại…quay lại.

-Nó lại mê rồi. Dạo này mê sảng suốt, người yếu quá đây mà, mẹ trấn an tôi. “Mà sao anh lại gọi cháu nhỉ, có thấy ai nói đến cháu nào đâu”, tôi thầm nghĩ, cũng không hỏi mẹ. Tiếng tí tách của mọt gỗ làm tôi thấy tê tê nơi chân răng, như thể có hàng trăm, hàng nghìn những con bọ gỗ tiến tới tôi, ăn tới xương tôi, đau, buốt.

Thấp thoáng có tiếng gà gáy, canh ba, canh bốn… Thần kinh tôi như căng ra, miệng chỉ còn biết lẩm nhẩm đếm từng canh, từng canh. Sáng hôm sau, tôi đòi chồng cho sang ngủ cùng. Từ giờ tôi sẽ không ngủ chung phòng với mẹ nữa. “Mất ngủ không tốt cho sức khỏe, không tốt cho em bé”, đó là lý do tôi đòi chồng cho ngủ cùng. Anh bảo: “Mấy khi về nhà, em phải ngủ với mẹ cho tình cảm”, nhưng tôi cho là mình có lý do chính đáng. Mẹ chồng cũng nghĩ vậy.

Nhà bố mẹ chồng tôi rất rộng. Vợ chồng tôi không về, nhà chỉ có bố mẹ và anh Dương. Cái cảnh già trông trẻ đến khổ.

Bố chồng không mê tín, nên những gì cô đồng nói, mẹ chỉ dấm dúi nói với vợ chồng tôi. Cúng bái thuộc về tâm linh, ông không tin nhưng cũng không cấm, chỉ không tham gia. Những ngày làm lễ cho anh Dương trên đống ông Nghênh, ông không ở nhà vì bận đến hội tổ tôm.

Mỗi sáng, mẹ chồng tôi dậy lúc canh ba, hì hụi giã bột rồi nấu bánh đúc. Khóa lễ này cô đồng bên Băng Quan nói phải làm gấp, anh chồng yếu lắm rồi.

Sáng sớm, tôi theo mẹ chồng đem đồ lễ ra đống ông Nghênh, xong xuôi đâu đấy, tôi định ngồi lê cho phải phép, mẹ chồng bảo về trông nhà. Bà nói nhỏ nhưng tôi đoán bà ngại tôi đang bụng mang dạ chửa, không tốt.

Về nhà, thấy anh Dương ngồi thẫn thờ ở cửa, tôi lủi nhanh vào gian buồng trong. Tôi ngóng chồng và mọi người về, trong lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Bỗng mùi hương, khói nghi ngút bốc lên, xộc vào tron buồng, tôi hoảng hốt chạy ra. Bát hương trên bàn thờ cháy bùng lên. Dưới sập, anh Dương cầm nắm hương khua loạn xạ như trúng tà. Tôi hét lên hoảng hốt, mặt cắt không còn giọt máu.

Anh Dương tiến gần về phía tôi, luôn miệng đòi đánh dấu tôi. Anh đưa bàn tay co quắp cố với lấy tôi. “Chạy, chạy, không tôi sẽ chết, con tôi sẽ chết”, cái đầu tôi bảo như thế. Không hiểu bằng cách nào, tôi chạy ra khỏi nhà rồi một mạch ra đến đống ông Nghênh ở giữa cánh đồng.

Mũ, áo, tất cả hàng mã, đồ cúng… bày quanh đống ông Nghênh. Tôi như quay cuồng, muốn nhảy tới cầm, vứt, xé… chúng ra làm trăm mảnh. Tôi lao đến như người điên. Không hẳn điên mà vía khôn bị bắt mất rồi, vậy có khác gì người điên. Tôi điên, tôi sẽ nhảy đến bà đồng kia, ghì bà ta xuống đám cỏ kia, chuyện gì xảy ra? Tôi thực sự hoảng loạn. Những ý nghĩ như tia điện giật tim tôi thót lại. Tôi không ý thức được mình đang bước hay đang chạy hoặc đang bay theo chồng về nhà. Cái đầu tôi bảo đừng đi, nhưng chân cứ thế chạy theo chồng về nhà. Đêm với tôi như dài hơn. Tôi không sao chợp mắt nổi. Cứ nhắm mắt lại là khuôn mặt khắc khổ của anh chồng lại hiện lên rõ rệt. Anh chỉ tay về phía bụng tôi, luôn miệng đòi đánh dấu. Tôi thấy lo sợ thực sự. Không ai biết chuyện này, tôi không muốn mọi người lo lắng.

Tôi câm lặng và bị ức chế. Tôi muốn nói một điều gì đó, nhưng không thể mở miệng nổi. Sắp đến ngày sinh, bụng tôi không hề có sự biến chuyển. Con tôi không đạp. “Nó sợ mẹ nó mệt ư? Nó sợ mẹ nó đau ư? Không. Mẹ không đau, thà con cứ đạp để cho mẹ biết là con vẫn khỏe, con ơi!”, tôi xoa bụng và thì thầm với nó. Tôi cố lắng nghe, mong được đáp lại, nhưng chỉ thấy im lìm.

Tôi muốn ra thành phố, không khí ở đây làm tôi khó thở, nhưng không thể bỏ mặc bố mẹ chồng. Tôi không muốn chồng tôi lo lắng. Chưa bao giờ tôi lại thấy bất an như lúc này. Những buổi chiều ra ngoài tản bộ, con sóng dưới lòng sông đang chạy êm đềm kia thỉnh thoảng cũng làm tôi giật mình. Dòng nước cuộn những dải phù sa mờ mờ, đục đục, những hạt phù sa không hòa nổi vào nước cứ lững lờ trôi.

Mọi người bảo cho anh Dương xuống trại của người điên điều trị. Thế nhưng, mẹ không chịu. Ngoài bà, anh ấy không quen với sự chăm sóc của ai. Bà cũng không yên tâm để anh ấy đi. Bà bảo: “Nó không phải người điên, nó gánh tội cho cả nhà, vì cái nhà này mà đời nó khổ”.

Từ hôm đó, anh Dương nằm liệt giường, tổng có vẻ hiền lành, nhưng tôi không dám đến gần. Tôi đứng từ xa, thấy đôi mắt anh nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp vì đã quá kiệt sức.

Buổi chiều, tôi đứng bên kia cầu nhìn về phía nhà chồng, gió phả vào mặt, đau rát. Gió như muốn quật gãy mọi thứ cản đường bay của nó. Tôi xoay người, áp cái bụng nặng nề vào thành cầu. Bên kia cầu, hai bóng người loang loáng. Bỗng những cuộn khói vây quanh tôi. Khói, sao mà nhiều khói đến vậy?

Tôi cố vươn ra khỏi những đám khói, gió không tạt được những mảng khói u ám đó mà gió đồng lõa với khói. Tất cả như thắt chặt lấy cổ họng tôi. Tôi sẽ chết, chết tức tưởi, chết bởi khói, bởi gió, một cái thòng lọng siết ngang cổ tôi. Hai chiếc bóng tiến lại phía tôi, một đàn bà, một đàn ông.

Cái bóng đàn ông cao lêu nghêu, không nhìn rõ mặt, nhưng rõ ràng là rất quen. Người đàn ông ấy đưa tay vươn về phía tôi, như muốn trấn an tôi. Đôi bàn tay thô ráp với ngón cái đỏ chót như vừa nhúng phải chàm.

Bụng tôi đau. Tôi bắt đầu cảm thấy sự chuyển động của đứa con trong bụng. “Con ơi, không phải lúc này”, tôi cố trấn an dòng máu chảy dài từ đùi xuống chân làm tôi hoảng hốt. Tôi cố gắng kêu nhưng âm thanh không thoát ra khỏi cuống họng. Đầu óc quay cuồng, tôi không thể đứng vững.

Hai cái bóng tiến lại phía tôi. Người đàn bà ma quái làm tôi rùng mình. Không thể thấy rõ gương mặt của họ. Tôi thở dốc, cái lạnh rờn rợn bắt đầu xâm chiếm toàn thân. Tôi thấy đứa con trong bụng bị lôi tuột ra ngoài. Cả người tôi như đứng trên không, nhẹ bẫng, gan rột tôi dường như cũng theo con ra ngoài. Người đàn bà vồ lấy nó, nó thật đẹp. Tôi sẽ đón lấy nó, hôn lên nó. Thiên thần của tôi.

Tôi đưa tay bế con, nhưng bị người đàn bà hất ra. “Đồ cưỡng đoạt! Không thể! Con tôi! Con tôi kia mà”, tôi hét lên.

Thế nhưng, tất cả lặng im. Con tôi không khóc. Khóc đi con, mẹ đây mà. Người đàn bà hất cánh tay áo đen dài thùng thình che mặt con tôi rồi bế nó quay đi. Gió thổi mỗi lúc một mạnh thêm, khói đặc hơn. Tôi chấp chới trong đám khói và cầu cứu trong vô vọng.

Tiếng ồn ào trên nhà thức tỉnh tôi, tôi hoảng hốt choàng tỉnh dậy. Mồ hoi và ướt đẫm cả gối. Chồng tôi bảo anh Dương vừa “đi” rồi. Đầu óc tôi quay cuồng, những mảnh ghép mơ hồ trong đầu như muốn vỡ tung. Có tiếng khóc hờ của mẹ phía buồng dưới.

Tôi bước ra sân, họ hàng đông đủ. Họ lặng im với một niềm tin, niềm tin mách bảo người đang nằm kia đã sống một đời đau khổ vì cái dòng tộc nhà. Họ im lặng để cầu cho anh ra đi được thanh thản. Sự im lặng ấy như bủa vây lấy tôi. Tôi không thở nổi và mọi thứ xung quay trở nên quay cuồng.

Khi anh được đưa đi, trời đổ mưa tầm tã. Người ta sẽ bảo cái chết đến ông trời cũng phải rơi lệ. Và cũng sẽ bảo dòng tộc của người chết sẽ được an lành, mát mẻ. Tôi chẳng rõ mình có buồn vì cái chết của anh không, không hẳn, tôi sợ những giấc mơ kỳ quái. Tôi đưa tay lên bụng, xoa nhẹ mong được con đáp lại.

Sau khi anh Dương mất được một tháng chín ngày, con tôi chào đời. Nó đẹp quả thực là thiên thần. Tôi đón nó từ tay mẹ chồng, đôi mắt kèm nhèm của bà như sáng lên. Tôi hạnh phúc một niềm hạnh phúc làm mẹ tuyệt vời như bao người đàn bà khác. Tôi lật cái tã bọc lấy con để nhìn nó. Đằng sau lưng nó có một nốt chàm đỏ như son.

Theo Đỗ Huyền Anh