Từ bao đời, những dòng sông Nam Bộ mênh mông tạo nên những xóm làng trù phú, những cánh rừng cao su, những lò gốm. Con sông Đồng Nai rộng dài, tưới tiêu cho cả đất Đồng Nai, tạo ra những nơi tuyệt đẹp và có giá trị kinh tế như Cù lao Phố của trấn Biên Hòa xưa.
Từ bao đời, những dòng sông Nam Bộ mênh mông tạo nên những xóm làng trù phú, những cánh rừng cao su, những lò gốm. Con sông Đồng Nai rộng dài, tưới tiêu cho cả đất Đồng Nai, tạo ra những nơi tuyệt đẹp và có giá trị kinh tế như Cù lao Phố của trấn Biên Hòa xưa.
Trên thế giới, tất cả những nền văn minh rực rỡ đều hình thành theo những con sông. Và những nền văn minh cũng lụi tàn khi thiên nhiên hoặc con người làm biến đổi, khô kiệt các dòng sông. Những con sông của đất Việt cũng vĩ đại như thế. Sông ở Nam Bộ cũng như thế.
Với chiều dài 586km, sông Đồng Nai là con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ Việt Nam
Một buổi sáng tỉnh giấc, nhiều người như không còn tin vào mắt mình khi mở máy tính, thấy thông tin trên các trang mạng đưa tin, người ta dự tính lấp cả những dòng sông, như sông Đồng Nai, với đầy đủ ảnh chụp.
Đó là dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn 4 đến 5 sao, dãy nhà thương mại ven sông với số vốn 3.200 tỷ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công, mang tên "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai", đã được Ủy ban nhân dân tình Đồng Nai phê duyệt.
Cái gì thế nhỉ... Đồng Nai là một tỉnh thuộc vào hạng rộng nhất của miền đông Nam Bộ. Là trấn ải quan trọng cho việc bảo vệ cũng như phát triển của cả vùng kinh tế, chính trị và quân sự TPHCM. Thiếu gì đất mà phải đi lấp sông để thực hiện một cái dự án nào đó.
Làm kinh tế là điều cần thiết, nhưng kinh tế phát triển, con người giàu có hơn, nhưng phát triển bằng mọi giá, hoặc nhẹ hơn, bằng những tính toán thiếu cân nhắc khoa học và nhân văn, thì thử hỏi có giống như chúng ta đào móng ngôi nhà của chính mình lên để làm ao thả cá không.
Lấp một bên sông, ta có một khu du lịch, thương mại ven sông với chi phí rẻ hơn là đền bù giải tỏa đất của cư dân sở tại, là cách tính toán thiên về tiền bạc mà xem nhẹ các yếu tố khác.
Lấp sông như thế sẽ làm thay đổi dòng chảy của con sông, làm biến đổi môi trường, khí hậu, cảnh quan đã hình thành bao đời. Lấp bên này, mang lại lợi cho người bên này, thì sẽ dẫn tới xói lở bên kia. Biết bao người sống bên kia sông làm nông nghiệp, nuôi cá, hay trồng cao su… sẽ chịu thiệt hại, mất đất sản xuất, mất nhà mất cửa. Hệ động thực vật cũng biến đổi theo. Rồi mùa mưa lũ tới, những hậu quả sẽ không thể lường nổi, vì chưa có ai nghiên cứu gì về chuyện lấp sông như thế cả, dưới góc độ khoa học. Mà cụ thể nhất, là các nhà khoa học lo ngại dòng chảy sẽ ảnh hưởng tới Cù lao Phố và Cầu Ghềnh.
Sông Đồng Nai đang bị lấp khiến nhiều người dân xót xa...
Nguy hiểm hơn nữa, việc đó sẽ tạo thành một tiền lệ. Dưới danh nghĩa phát triển kinh tế sẽ có những người không hề nghĩ tới những dòng sông, những ngọn núi, những cánh rừng lá phổi… là tài sản chung của dân tộc, là nét văn hóa nhân văn tổ tiên xây dựng bao đời để lại, là cuộc sống của hàng nghìn, hàng vạn những người khác.
Dự án đô thị hạng sang này có diện tích 8,4 ha, đa phần có được là do lấp sông (7,7 ha); kéo dài 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa. Sau khi khởi công, hàng nghìn khối đất đá đã được đổ xuống sông Đồng Nai, tạo đất nền cho việc xây dựng khu đô thị ven sông như thiết kế. Sau 6 tháng thực hiện dự án, hiện diện tích sông được lấp gần đạt 90% theo thiết kế.
Dù ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép dự án do lo ngại những ảnh hưởng của nó, nhưng nhìn khối lượng công việc đã thi công, những con đường nội bộ đã được trải nhựa… thì chắc khó thay đổi được.
Giờ cũng chỉ còn biết ngậm ngùi thay cho một dòng sông?