Những ngày qua, mạng xã hội dậy sóng trước loạt lùm xùm liên quan đến streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), hotgirl Ngọc Kem (người yêu cũ của ViruSs) và rapper Pháo.
Sự việc bắt đầu khi Ngọc Kem chia sẻ một đoạn video úp mở về việc từng bị đối xử tệ bạc trong mối quan hệ cũ. Mặc dù không trực tiếp nhắc đến tên ViruSs, nhưng nhiều người nhanh chóng suy đoán rằng cô đang ám chỉ anh. Ngay sau đó, Pháo – bạn gái hiện tại của ViruSs – cũng có động thái đáp trả, khiến mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào.
Không dừng lại ở tranh cãi cá nhân, ViruSs liên tục livestream về vụ việc, bật chế độ chỉ người đăng ký trả phí mới được bình luận và kiếm được hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài buổi phát sóng. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc anh cố tình "kéo dài drama" để trục lợi.
Tuy nhiên, những dấu hiệu bất thường cho thấy đây không chỉ là mâu thuẫn cá nhân mà có thể là một chiến dịch truyền thông bẩn nhằm tận dụng sự chú ý từ dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, TS. LS Đặng Văn Cường, cho rằng, đã đến lúc cần kiểm soát chặt chẽ những hành vi của những người muốn nổi tiếng bằng mọi cách, kiếm tiền bất chấp trên mạng xã hội.
Theo ông Cường, nếu như trước đây, những người nổi tiếng một cách truyền thống là những người có đóng góp cho cộng đồng một thời gian rất dài, khẳng định tên tuổi, uy tín của mình thông qua những công việc có hữu ích cho cộng đồng, những người có những năng khiếu đặc biệt, sự nổi tiếng thường bắt đầu từ sự ngưỡng mộ và giá trị cống hiến thực sự trong xã hội, thì ngày nay nhiều người nổi tiếng không phải vì tài năng, cũng không phải vì xinh đẹp hay đóng góp gì lớn lao cho cộng đồng mà chỉ là nổi tiếng bằng thuật toán, bằng xu hướng, thậm chí bằng cách chửi bậy, đấu tố, thể hiện cách nhìn, cách nghĩ không giống ai trên mạng xã hội.
"Không ít người vì muốn thu hút lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội mà sẵn sàng tạo ra drama thậm chí là có những phát ngôn gây tranh cãi, ngôn ngữ phản cảm. Một số người sẵn sàng có hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội để thu hút tương tác, phục vụ mục đích kinh doanh hoặc quảng cáo.." ông Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam ngày càng mở rộng và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, trong đó có tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, sử dụng các phương tiện điện tử, mạng viễn thông, mạng internet trong công việc và đời sống giải trí.
Tuy nhiên, tự do của các chủ thể cũng có giới hạn của nó để tránh việc thực hiện quyền tự do của chủ thể này có thể gây tổn hại đến quyền lợi của chủ thể khác, hoặc gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn công cộng.
"Bởi vậy, mọi hành vi của các chủ thể trên không gian mạng đều phải tuân thủ pháp luật, trong đó có luật an ninh mạng. Pháp luật nghiêm cấm những hành vi đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, có những hành động, ngôn ngữ phản cảm không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục ...", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội pháp luật không cấm, thậm chí “đấu khẩu” để làm rõ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên trên mạng xã hội pháp luật cũng không cấm.
Tuy nhiên, lời lẽ phải ngôn ngữ, thái độ, hình ảnh của những người sử dụng mạng xã hội, đưa thông tin lên mạng internet, phù hợp với chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội.
Hành vi sử dụng những lời nói, ngôn ngữ, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm người khác hoặc những nội dung trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đưa những thông tin bị cấm nên không cần mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Đời sống pháp luật
