9X giành học bổng tiến sĩ ở Mỹ: 'Mình nỗ lực một, cha mẹ nỗ lực mười'

Xuất sắc vượt qua 5.500 ứng viên nhận học bổng tiến sĩ lên đến 9,3 tỷ đồng, Sao Ly là cô gái Việt hiếm hoi được nhận vào Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Xuất sắc vượt qua 5.500 ứng viên nhận học bổng tiến sĩ lên đến 9,3 tỷ đồng, Sao Ly là cô gái Việt hiếm hoi được nhận vào Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Nguyễn Thị Sao Ly (24 tuổi, đến từ Đà Nẵng) được cấp học bổng tiến sĩ từ 8 trường danh tiếng của Mỹ như MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.

9X đã chọn Johns Hopkins - top 5 trường Y tốt nhất thế giới - là điểm đến tiếp theo trong chặng đường nghiên cứu y học của mình. Tại đây, Sao Ly được cấp học bổng toàn phần trị giá lên đến 410.000 USD cho 5 năm học (hơn 9,3 tỷ đồng).
Thành quả của quá trình dài nỗ lực

- Chúc mừng Ly đã đạt được thành tích ấn tượng. Cảm giác của bạn thế nào khi được 8 trường đại học hàng đầu nước Mỹ mời học tiến sĩ?


- Khi trường đầu tiên gọi điện báo trúng học bổng, mình rất vui, không tin đó là sự thật. Công sức mình bỏ ra suốt nhiều năm cuối cùng cũng được đền đáp. Mình chưa bao giờ nghĩ một ngày được học ở ĐH Hopkins.

Mình đã làm hồ sơ đăng ký học bổng của 11 trường đại học Mỹ, có cả ĐH Harvard, Yale. Trong đó, mình mong muốn được học tại Johns Hopkins nhất, không chỉ vì đây là đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu y học.

9X gianh hoc bong tien si o My: 'Minh no luc mot, cha me no luc muoi' hinh anh 1
Tháng 8 này, Ly sẽ bắt đầu chinh phục ước mơ của mình tại Johns Hopkins.

- Ly có thể chia sẻ bí quyết để được trường đại học danh tiếng ở Mỹ cấp học bổng?

- Để nhận được lời mời của trường Hopkins, sinh viên phải trải qua hai vòng: nộp đơn online và phỏng vấn. Vòng nào bạn cũng phải chuẩn bị kỹ. Lúc nộp hồ sơ, ứng viên phải thể hiện được những thế mạnh, tố chất của bản thân.

Vòng xét hồ sơ, tỷ lệ "chọi" thường cao nhất, trường chỉ mời những ứng viên tốt tham gia phỏng vấn. Những người được chọn đều rất giỏi nên sự cạnh tranh lớn.

Đây là cả quá trình chuẩn bị hồ sơ rất dài, từ kinh nghiệm ở đại học cho đến bài kiểm tra tiêu chuẩn (GRE), chuẩn bị bài luận và thư giới thiệu của giáo sư.

Các bạn ở Việt Nam muốn nộp hồ sơ học bổng tiến sĩ ở Mỹ có thể tìm hiểu thêm tại trang Vietnam Education Foundation (VEF) Mentor. Người điều hành trang này sẵn sàng trả lời những thắc mắc về quá trình nộp hồ sơ, cũng như cách thức cải thiện hồ sơ của ứng viên.

Những bạn đang du học chắc cũng biết quá trình nộp đơn đăng ký học tiến sĩ ở Mỹ. Phần lớn trường tốt yêu cầu hồ sơ nộp online, một bài luận về bản thân, 3 thư giới thiệu của 3 giáo sư, điểm thi GRE và học bạ. Một số trường có thể yêu cầu thêm điểm TOEFL và điểm GRE Subject.

Để tăng khả năng trúng tuyển, những yêu cầu trên phải đều thật tốt, đặc biệt quan trọng là thư giới thiệu và bài luận. Người đọc sẽ hiểu rõ hơn về đam mê, kinh nghiệm, cũng như khả năng thật sự của bạn.

- Du học từ năm 15 tuổi, động lực nào khiến bạn đạt được những kết quả ấn tượng như hiện tại? Du học sinh cần lưu ý những điều gì để đạt kết quả tốt trong học tập?

- Từ nhỏ, mình đã nghĩ phải làm được gì đó lớn lao, muốn được tiến càng xa càng tốt. Anh chị của Ly cũng du học, khiến mình nung nấu mong muốn được học tập ở nước ngoài. Cha mẹ mình lúc nào cũng tạo điều kiện để con gái có cơ hội tốt nhất.

Mình nỗ lực một, ở quê nhà, cha mẹ phải nỗ lực mười. Gia đình chính là động lực rất lớn. Mỗi khi có gì vui, đạt thành quả nho nhỏ trong học tập, mình đều muốn chia sẻ và dành tặng bố mẹ.

Học tập ở nước ngoài có nhiều khó khăn, trong đó có khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá, áp lực học và làm việc.

Nếu xác định đến Mỹ, bạn phải thật sự tập trung. Ở đây, ai cũng rất chăm chỉ. Trong cuộc đua này, mình chỉ cần ngừng để đi dạo, những người khác sẽ cán đích trước. Xuất phát điểm của mỗi người có thể khác nhau, nhưng chỉ cần thái độ tư tưởng tốt, đúng đắn, bạn sẽ vươn lên và thành công.

9X gianh hoc bong tien si o My: 'Minh no luc mot, cha me no luc muoi' hinh anh 2
Sao Ly vừa tốt nghiệp University of California Los Angeles vào tháng 6/2016.


Y học là mơ ước từ nhỏ

- Vì sao Ly không tu nghiệp để trở thành bác sĩ mà quyết định tiếp tục con đường nghiên cứu y học?

- Ước mơ nghiên cứu về y dược bắt nguồn từ nền tảng gia đình. Nhà mình có tủ sách rất lớn, chủ yếu về y dược, nghiên cứu khoa học. Mình đọc rồi “nghiện” lúc nào không hay. Cha của Ly không làm gì liên quan y dược nhưng rất thích lĩnh vực này. Ông đã chia sẻ đam mê đó cho con gái.

Quan trọng nhất là khoảng thời gian đại học. Mình đã có những trải nghiệm rất thú vị và ý nghĩa trong nghiên cứu y học. Một trong số đó là được làm việc ở phòng nghiên cứu của giáo sư Hui Sun. Năm thứ hai đại học, Ly thuyết phục được thầy cho làm dự án riêng.

Có lúc, mình tưởng như không kham nổi vì phải học ở trường và hoạt động xã hội. Khoảng 2 năm sau, dự án của Ly có kết quả: tìm ra được 4 protein có khả năng làm chậm quá trình làm chết tế bào nón ở mắt, hứa hẹn có thể thuyên giảm bệnh mù ở người lớn tuổi.

9X gianh hoc bong tien si o My: 'Minh no luc mot, cha me no luc muoi' hinh anh 3
Sao Ly tự nhận xét mình là người rất... cứng đầu.


Ly thích nghiên cứu vì mình là người tạo ra nguồn kiến thức. Công việc này đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề và suy luận tốt mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi thành quả đạt được có thể giúp rất nhiều người. Bác sĩ chỉ có thể chữa mỗi người một lần, còn nghiên cứu mà có kết quả sẽ cứu được rất nhiều người, như phát minh kháng sinh đã giúp cả một thế hệ.

- Ly có ý định quay lại Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Johns Hopkins?

- Việc ở lại hay quay về, mình chưa quyết định. Ban đầu, mình nghĩ nghiên cứu khoa học trong nước còn chưa vững mạnh, những người như mình rất khó phát triển tiếp.

Nhưng gần đây, mình thấy nước ta đang tích cực đẩy mạnh nhân lực khoa học trẻ. Nhiều anh chị rất giỏi đang tu nghiệp tại Mỹ và các nước khác cũng đã về nước cống hiến. Mình rất hy vọng có thể quay về nước để đóng góp gì đó cho nước nhà.

Theo Zing

học bổng Mỹ

du học

Giáo dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.