Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama

Sau hơn 2 tháng gửi thư cho ông Obama, Huy tất bật với công việc riêng và tạm quên đi mong ước nhận được một lời hồi đáp. Đúng lúc Huy mệt mỏi nhất, Nhà Trắng đã gửi đến anh một điều kỳ diệu!

 Sau hơn 2 tháng gửi thư cho ông Obama, Huy tất bật với công việc riêng và tạm quên đi mong ước nhận được một lời hồi đáp. Đúng lúc Huy mệt mỏi nhất, Nhà Trắng đã gửi đến anh một điều kỳ diệu!

Ngày 21/1 là một ngày quan trọng của nước Mỹ. Sau 8 năm đương nhiệm của Tổng thống Obama, cuối cùng, Nhà Trắng đã có chủ mới. Trong những ngày bận rộn cuối cùng tại nhiệm sở, ông Obama đã làm một việc khiến nhiều người dân cảm thấy ấm lòng.

Ông viết thư hồi đáp cho những trăn trở của một chàng trai người Việt đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Bức thư được gửi đến tay cựu tổng thống Obama theo đường bưu chính thông thường hồi tháng 11 năm ngoái.

Nguyễn Nhật Huy (sinh năm 1989 quê Bắc Ninh), là người Việt vinh dự nhận được thư của cựu tổng thống Obama. Hiện tại, anh là đang làm nghề Kiến trúc sư tại Fort Wayne, Indiana, Mỹ. Qua cuộc trò chuyện với chúng tôi, Huy tiết lộ nhiều điều thú vị về nội dung bức thư cũng như lý do thôi thúc anh làm điều khác biệt.


Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh 1.
Chân dung chàng trai Việt nhận được thư hồi đáp từ cựu Tổng thống Obama - Ảnh: Phan Bảo Trân

"Tôi từng nghĩ mình không được trả lời"

Bức thư của Huy gửi tổng thống Obama bắt nguồn từ những suy nghĩ và sự băn khoăn của anh, khi ông Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Cả thế giới không ngờ đến, và Huy cũng trong tâm trạng như vậy, sốc và hoang mang.

Nhật Huy cho biết, trong quan điểm của anh, ông Donald Trump đã chiến thắng trong "chiến dịch tranh cử gây chia rẽ", làm tổn thương các nhóm sắc tộc ở Mỹ. Mặc dù Huy chẳng phải là người Mỹ, anh cũng chẳng có quyền bỏ phiếu, anh chỉ sống và làm việc trên đất nước này, nhưng Huy nghĩ rằng "Bạn không cần phải là một người Mỹ để có thể cảm nhận nỗi đau của những người đang phải chịu đựng sự phân biệt đối xử. Bạn không cần phải là một người Mỹ để có thể phân biệt đúng sai."

Huy không nghĩ tới việc anh đang viết thư cho nguyên thủ quốc gia mà anh xem lá thư này là một cách để mình tổng hợp lại rõ hơn những trải nghiệm và bài học đã có được sau bốn năm sống ở Mỹ.

Huy viết: "Cha tôi là một bác sĩ. Ông đã dành cả sự nghiệp của mình để cứu người trong khi mẹ tôi, một giáo viên, góp phần làm nhiều đứa trẻ có một tương lai tốt đẹp hơn. Cha mẹ tôi đã dạy tôi giá trị của việc học và sự quan tâm tới người khác. Chính tại nước Mỹ mà di sản của cha mẹ trong tôi được bồi đắp.

Khi tôi về thăm gia đình, mọi người không hỏi nước Mỹ giàu có hay quyền lực ra sao. Họ hỏi tôi về sự văn minh của xã hội Mỹ. Và tôi kể với họ tôi đã được đối xử tốt như thế nào.

Tôi kể cho họ về những chủ nhà cuối tuần nào cũng đưa tôi đi mua sắm nhu yếu phẩm vì tôi không có phương tiện.

Tôi kể cho họ về giáo sư của tôi, người thức khuya tới 3 giờ sáng ở trường để trả lời các câu hỏi của tôi.

Tôi kể cho họ về những người xa lạ dừng xe khi đèn giao thông còn màu xanh để tôi có thể băng qua đường mà không phải đông cứng giữa cơn bão mùa đông của vùng Trung Tây.

Tôi kể cho họ về người bạn của tôi. Người luôn dành một phần mười số lương khiêm tốn của mình để giúp đỡ người khác.

Chính tại Mỹ tôi đã nhận ra một xã hội chỉ có thể trở nên tốt hơn khi mọi người tôn trọng và quan tâm nhau".

Là một người đang sống ở Mỹ, Huy hiểu rõ số người gửi thư cho tổng thống Mỹ hàng ngày là rất lớn. Nó đã tăng lên nhiều lần sau ngày bầu cử 8/11/2016.

Trung bình mỗi ngày, cựu Tổng thống Obama nhận được khoảng 10.000 thư và bưu phẩm nhưng ông chỉ có thời gian đọc 10 lá thư tiêu biểu nhất mỗi tối. Vì vậy, để được ông viết lời hồi đáp, lá thư của bạn phải thật đặc biệt. Khi quyết định gửi thư vào ngày 12/11/2016, chàng trai Việt không nghĩ mình sẽ được hồi đáp.

Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh 2.
Với Huy, lời hồi đáp của Obama biểu tượng sự tử tế trong đời mà anh may mắn nhận được

Huy cảm ơn Obama vì đã là một người lãnh đạo với phẩm giá và lòng can đảm. Anh tin, ông đã truyền cảm hứng cho mình và rất nhiều người Việt Nam trẻ khác để tạo ra những thay đổi cho đất nước và cho cả thế giới.

"Cảm ơn ngài rất nhiều và tôi mong một ngày sẽ có cơ hội được gặp ngài. Đó sẽ là một vinh dự lớn lao", Huy kết thư.

Ban đầu, Huy định gửi thư qua website của Nhà Trắng nhưng nó giới hạn số lượng ký tự nên anh đã quyết định gửi thư qua đường bưu chính thông thường. Sau hơn 2 tháng lá thư được chuyển đi, Huy tất bật với công việc thường ngày và những dự án riêng. Anh tạm quên đi kỳ vọng nhận được một lời hồi đáp.

Tối 17/1, sau một ngày làm việc dài với nhiều sự cố không may xảy đến, Huy đã hạnh phúc khi cầm trên tay lá thư của Obama. Anh gọi đó là món quà đúng lúc nhận được khi cần.

Anh chia sẻ cảm xúc: "Bức thư từ cựu tổng thống Mỹ có ý nghĩa rất lớn với tôi. Đó là một lời nhắc nhở để tôi giữ vững hy vọng, sự lạc quan và ý thức cần phải làm nhiều việc tốt hơn nữa cho những người xung quanh mình. Tổng thống Obama luôn chia sẻ với người dân Mỹ thông điệp để vượt qua khó khăn thử thách, điều quan trọng nhất là phải lạc quan và giữ vững hy vọng. Sợ hãi hay giận dữ sẽ không bao giờ giúp chúng ta thành công. Vì vậy, tôi sẽ giữ bức thư này như là một biểu tượng cho bài học đó".

Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh 3.
Ngoài học tập, làm việc, Huy còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng - Ảnh: Trần Kiên

Huy viết thư gửi cho Tổng thống Obama là vì cá nhân ông - một con người rất cởi mở và luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới người trẻ hơn là vì ông là tổng thống của nước Mỹ. Anh bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng và đặc biệt là nhân cách của Obama. Viết thư tới và nhận thư từ Obama, dù ông ở vị trí nào, thì cũng là một vinh dự lớn lao với anh!

Người Việt duy nhất làm việc trong công ty Mỹ


Bốn năm trước, khi đang còn là sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Huy tham gia chương trình trao đổi do bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ ở Đại Học Notre Dame ở Indiana, Mỹ. Anh theo học chương trình Thạc sĩ Kiến trúc tại Đại học Ball State cũng ở Indiana, Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp, Huy có một công việc ổn định và cuộc sống tốt. Anh làm việc tại một văn phòng thiết kế kiến trúc. Công việc của anh là phác thảo ý tưởng các công trình thiết kế, nghiên cứu, khảo sát hiện trạng và phát triển các bản vẽ thi công chi tiết.

Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh 4.
Huy là người Việt Nam duy nhất trong công ty một công ty kiến trúc có trụ sở văn phòng tại Mỹ - Ảnh: Chris Helms


"Tôi nghĩ không có sự cạnh tranh giữa người Việt và người bản xứ. Tôi là người duy nhất trong công ty không phải người Mỹ nhưng không cảm thấy có bất kỳ sự cạnh tranh nào dựa trên quốc tịch hay nguồn gốc văn hoá. Công ty nơi tôi làm tạo điều kiện phát triển cho tất cả nhân viên. Dù là người Việt hay người Mỹ thì năng lực là tiêu chí quan trọng nhất. Nếu mình là người có tinh thần làm việc chuyên nghiệp và chăm chỉ thì cơ hội sẽ tới với bất kỳ ai", Huy tự tin nói.

Ngoài thời gian làm việc, anh tích cực tham gia điều hành dự án "Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ" (Viet Nam Youth Parliament - VNYP) do Bộ ngoại giao Mỹ tài trợ. Đây là dự án nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của giới trẻ Việt Nam trong quy trình hoạch định chính sách của đất nước.

Trong những năm tháng ở Mỹ, Huy đã học được cách sống chủ động, tư duy độc lập, mạnh dạn theo đuổi đam mê và tôn trọng sự khác biệt văn hóa, phong cách sống.


Chàng kiến trúc sư Việt nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh 5.
Huy không nghĩ mình sẽ viết thư cho Tổng thống Trump - Ảnh: Trương Quốc Hùng

Huy chưa nghĩ đến việc định cư lâu dài ở Mỹ nhưng muốn làm việc một thời gian để có kế hoạch rõ ràng hơn cho tương lai. Anh tin vào lòng tốt của người dân Mỹ và cũng tin rằng việc ta sống có nhân cách và luôn ý thức giúp những người kém may mắn hơn sẽ làm cho cuộc sống và công việc của ta thuận lợi hơn.

"Tôi không nghĩ mình sẽ viết một bức thư cho Tổng thống Trump. Một phần vì tôi không chắc ông Trump có tiếp tục truyền thống nhận thư của người dân như các tổng thống Mỹ khác hay không. Tôi viết thư gửi Tổng thống Obama vì cá nhân ông ấy hơn là vì ông là Tổng thống Mỹ. Nhận được thư hồi đáp của ông Obama, dù ông ở vị trí nào thì đó cũng là một vinh dự lớn lao với tôi", Huy khẳng định.

(Trích bức thư cựu Tổng thống Barack Obama gửi cho Nhật Huy)

Huy thân mến,

Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi hiểu được cảm giác hoang mang mà rất nhiều người Mỹ trải qua những ngày này. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng nước Mỹ vẫn là quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới.

Điều làm chúng ta khác biệt không đơn giản chỉ là sức mạnh kinh tế và quân sự mà còn là những nguyên tắc làm nền tảng cho sự thành lập đất nước này: sự đa dạng và cởi mở, pháp quyền, tự do dân sự và một sự thật hiển nhiên - đã được mở mang qua mỗi thế hệ - tất cả chúng ta đều sinh ra bình đẳng.

Vượt qua nhiệm kỳ của tôi hay bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào khác, sự lạc quan và chăm chỉ của bạn và những người như bạn mới chính là điều đã thay đổi đất nước này theo hướng tốt đẹp hơn, và điều đó sẽ tiếp tục mang lại sức mạnh mà chúng ta cần giữ gìn.

Tiến bộ không tới một cách dễ dàng, và không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng, nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng cuối cùng thì lịch sử cũng sẽ tiến về hướng của bình đẳng, thịnh vượng, tự do và hòa nhập - không phải vì nó là điều dĩ nhiên, mà nhờ những người như bạn lên tiếng và đòi hỏi đất nước này phải tuân theo những lý tưởng cao nhất của chính nó.

Đó là lý do tại sao tôi hy vọng bạn sẽ tiếp tục dấn thân. Và tôi muốn bạn biết rằng Michelle và tôi sẽ luôn ủng hộ bạn.

Trân trọng,

Barack Obama

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.