Từ con gái người lao công thành sinh viên Harvard

Sinh năm 1997, cô gái 19 tuổi Trần Thị Diệu Liên không gây ấn tượng với người đối diện bằng vẻ ngoài năng động hay khả năng hoạt ngôn như nhiều du học sinh khác.

Sinh năm 1997, cô gái 19 tuổi Trần Thị Diệu Liên không gây ấn tượng với người đối diện bằng vẻ ngoài năng động hay khả năng hoạt ngôn như nhiều du học sinh khác. Em tự nhận mình thường không nói nhiều, mà dành nhiều năng lượng để suy nghĩ.

>>Chuyện nhà có 2 cô con gái vào Harvard

Harvard, trúng tuyển Harvard, con gái cô lao công
Trần Thị Diệu Liên - nữ sinh vừa trúng tuyển vào ĐH Harvard với mức học bổng hơn 300.000 USD

Không lấy hoàn cảnh để biện hộ

Diệu Liên là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hồi đầu tháng 4, em vừa nhận tin trúng tuyển ĐH Harvard với mức học bổng hiếm có 302.920 USD cho 4 năm học.

Với Liên, Harvard trước đó là một ước mơ xa vời với cô gái sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ chỉ là lao động phổ thông như em. Giấc mơ du học của Liên được nuôi dưỡng từ những ngày học THCS Trần Đại Nghĩa – thời điểm mà em biết đến học bổng A*Star của Chính phủ Singapore. Nhưng những nỗ lực ngày đó chưa đủ giúp em giành được học bổng này, mà chỉ dừng chân ở vòng phỏng vấn.

Không nản chí, Diệu Liên tiếp tục nỗ lực học tập và rèn luyện để tới gần với ước mơ du học hơn. Suốt những năm phổ thông, Liên đã giành được không ít những học bổng, thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc. Điển hình là giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) với đề tài “Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị”. Những năm học phổ thông, đam mê khoa học, thích chế tạo, mày mò, em thường xuyên mua về những đồ bỏ đi, ve chai rẻ tiền để thỏa ước mong sáng tạo. Liên tiết lộ, nhiều khả năng sẽ chọn một chuyên ngành liên quan đến khoa học kỹ thuật để theo học ở Harvard. “Em cảm thấy đây là ngành mà em có thể làm được nhiều hơn cho mọi người”.

Sinh ra trong một gia đình lao động bình thường, bố là thợ làm biển quảng cáo, mẹ là lao công ở một trường đại học, Diệu Liên tự thấy những hoạt động ngoại khóa cũng giản dị và gần gũi với bản thân, thay vì tham gia những tổ chức, hoạt động từ thiện hoành tráng như nhiều bạn khác. “Có một hoạt động mà em theo rất lâu, đó là dạy học ở mái ấm mồ côi. Nhiều người nghĩ rằng phải đi làm từ thiện để thể hiện mình quan tâm tới mọi người, nhưng dạy học chỉ là việc mà em thích. Em nghĩ rằng dạy học là công việc có thể thay đổi được nhiều điều trong cuộc sống. Chỉ cần thay đổi một chút cách nhìn nhận và cách học thôi thì mình đã chọn một con đường rất khác rồi. Em rất thích cảm giác mình thay đổi được nhận thức của người khác, qua đó thay đổi con đường người ta sẽ chọn sau này” – tân sinh viên ĐH Harvard chia sẻ.

Gia đình không có tiềm lực tài chính, nên việc học tập ở trường cũng như quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng của Liên gần như dựa hoàn toàn vào khả năng tự học và sự nỗ lực của bản thân em. Tuy nhiên, cô gái giàu nghị lực này không cho rằng nên lấy những thiệt thòi đó để biện hộ cho những thất bại của bản thân. Ngược lại, em thấy may mắn vì “trong khi nhiều phụ huynh luôn gò ép con thế này thế kia thì ba mẹ rất tự do cho em quyết định. Em có thể tự lựa chọn con đường cho riêng mình. Ba mẹ em hoàn toàn không biết tiếng Anh. Ba em thậm chí còn không biết điểm SAT tối đa là bao nhiêu. Nhưng ba mẹ luôn hỗ trợ tinh thần, luôn ở đó ủng hộ nếu em cần”.

Hãy chọn nơi dành cho mình

Harvard, trúng tuyển Harvard, con gái cô lao công

Diệu Liên cho rằng không có một công thức chung nào cho bộ hồ sơ

Trúng tuyển ngôi trường danh giá nhất nhì thế giới, nhưng Diệu Liên không cho rằng Harvard, SAT, hay điểm thi chuẩn hóa… là những yếu tố quan trọng.

Ngoài việc “có duyên với Harvard”, Diệu Liên cho biết, đây là một ngôi trường có tiềm lực tài chính lớn, đủ khả năng hỗ trợ những ứng viên như em. “Trường nhìn vào con người của ứng viên trước khi nhìn vào khả năng tài chính của ứng viên để có những hỗ trợ phù hợp”.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ, Liên cho rằng không có một công thức chung nào cho bộ hồ sơ. “Khi viết luận, em có thể nào thì thể hiện ra như thế, chứ không cố gò ép bản thân theo kiểu tính cách mà mình nghĩ là trường sẽ thích. Có thể là em đã may mắn. Em chỉ thể hiện làm sao cho đúng với mình nhất, và vô tình giữa những bộ hồ sơ đánh bóng bản thân thì có lẽ sự chân thật của em lại gây ấn tượng với trường”.

“Các bạn có thể là người khác trong bộ hồ sơ nhưng không thể là người khác trong 4 năm, 6 năm được. Ở Việt Nam có một thành kiến là nếu vào được trường cao nhất thì sẽ vào được các trường khác. Nhưng ở Mỹ, bạn có thể vào được Harvard, Yale, Princeton nhưng có thể rớt những trường top 100, 200. Thứ hạng chỉ là con số. Quan trọng là những trải nghiệm mà mình có được”.

Với các hoạt đông ngoại khóa, Liên tâm sự, em đã từng thất bại khi xin học bổng A*Star hay xin học bổng đại học năm lớp 12, rất có thể em sẽ còn thất bại nữa, nên em quyết định sẽ chỉ tham gia những hoạt động mình thích, thay vì tham gia chỉ để làm đẹp hồ sơ.

Khi được hỏi có e ngại không khi là phụ nữ mà lại chọn ngành khoa học kỹ thuật để theo đuổi, Liên nói: “Đúng là ở Việt Nam còn có chút định kiến, nhưng em cứ cố gắng hết sức thôi. Trường hợp của em cũng là một minh chứng cho thấy tiềm lực tài chính của gia đình không quyết định việc bạn có thể học được các trường đại học Mỹ hay không. Em cảm thấy tương lai sẽ có nhiều câu chuyện giống như của em. Những câu chuyện nhỏ như vậy sẽ thành một làn sóng lớn. Em chỉ muốn thành thứ nhỏ nhoi trong làn sóng lớn đó thôi, chứ chưa dám ước mơ làm cái gì đó to lớn”.

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.