Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế

Cuộc đời này, hãy cứ tin là có điều tốt đẹp đang chờ đón mình ở phía trước, như tình cảm của Hương và mẹ kế dành cho nhau vậy.

Cuộc đời này, hãy cứ tin là có điều tốt đẹp đang chờ đón mình ở phía trước, như tình cảm của Hương và mẹ kế dành cho nhau vậy.

Xưa nay người ta vẫn thường dè chừng, thậm chí kỳ thị mối quan hệ mẹ kế con chồng bởi những điều không hay vốn đã đi vào sâu trong tiềm thức. Sự ích kỷ, hẹp  hòi và khắt khe là điều mà người ta tin rằng người mẹ (chỉ có tên nhưng không có ruột thịt) sẽ luôn dành cho đứa con bé bỏng của chồng mình, dù cho cô ấy có cố gắng để hòa hợp đến như thế nào đi chăng nữa. Cũng vì lẽ đó mà những đứa con riêng của chồng đó cũng thường ít có thiện cảm, thậm chí căm ghét mẹ kế. Trong dân gian, người ta còn dùng từ "dì ghẻ", "con ghẻ" để nói về mối quan hệ này.

Đó là chuyện thường thấy và được truyền tai nhau trong thiên hạ nhưng cuộc đời mà, sẽ vẫn luôn có những ngoại lệ thật đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Như trường hợp của cô con gái tên Vũ Thu Hương và người mẹ hai tên Sen dưới đây chẳng hạn, ban đầu đúng là có những khúc mắc nhưng thời gian và tình cảm chân thành đã chứng minh điều ngược lại.

Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế - Ảnh 1.

Người mẹ kế được con gái chồng ca tụng hết nấc.

"Các bạn có tin vào câu "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng" không?

Trong ảnh đây là vợ hai của bố em đấy!

Bố mẹ em bỏ nhau hồi em 5 tuổi, rồi 10 năm sau bố đi lấy vợ hai. Hai người cũng đẻ được 2 cô con gái nữa, 2 bên gia đình đều đi lại. Lúc đầu mẹ em với mẹ hai ghét nhau lắm, suốt ngày chửi nhau nhưng về sau một thời gian thì mẹ hai cũng nhận ra ở với bố khổ lắm nên 2 bà lại bình thường.

Mẹ em cũng mới mất được 7 tháng có hơn rồi, cái quãng ngày đau khổ thế, em vượt qua được là nhờ có mẹ hai bên cạnh. Tuy là ở xa cách 50km nhưng đều đặn mấy tuần mẹ lại xách gạo với hoa quả quê lên cho con và cháu (của chồng) rồi ở lại chơi và dặn dò nói chuyện dạy bảo em.

Em cũng chả gọi là dì như trước mà giờ 2 người tự gọi nhau là mẹ con, em cảm giác như là mẹ ruột vậy!

Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế - Ảnh 2.

Thu Hương rất biết ơn tình yêu thương mà mẹ kế dành cho mình.

Mẹ hai bảo sao đẻ ra 3 đứa, đứa nào cũng giống bố y hệt, bảo em phải buộc tóc lên mới xinh (mẹ em trước cũng hay nói thế) rồi thì phải ăn uống không thì mặt toàn mụn, đi mặc áo nắng vào không thì đen...

Rồi chăm bẵm con cún con em, mua sữa các thứ... bản thân em thì cũng hay mua đồ gửi về quê cho bố mẹ và các em, vì ở quê bố mẹ vừa đi làm đồng với làm công nhân.

Nhiều cái em không kể hết được về tình cảm mẹ hai dành cho em, dù bố cũng gây cho mẹ nhiều khổ đau, cảm giác như mẹ em đang đẩy mẹ hai về vậy...

Vừa mẹ cũng lên xe về quê rồi, em lại buồn và cô đơn! Thèm hơi mẹ rồi mẹ lại xa rồi..."

Đó là những dòng tâm sự của Hương  về người mẹ kế mà theo cô là trên cả tuyệt vời của mình. Cô đã coi người này như là mẹ ruột và sống với bà bằng con tim chân thành thì đúng là cuộc sống này đã quá đầy đủ ý nghĩa rồi. Đối với cô, sự quan tâm, săn sóc và tình thương yêu mà người mẹ kế dành cho mình khiến cô luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn.

Thu Hương hiện tại đang sinh sống ở Hải Dương và làm nghề kinh doanh thời trang còn mẹ hai cô thì ở Hưng Yên. Ngoài công việc đồng áng, mẹ hai còn xin vào nhà máy làm công nhân vì sức khỏe vẫn còn tốt.

Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế - Ảnh 3.

Những chia sẻ của Hương đã khiến làm cộng đồng mạng cảm động.

Hương cho hay, bố mẹ cô ly hôn khi cô mới 5 tuổi, cả tuổi thơ của cô là những lần bố say rượu gia đình chẳng mấy khi vui vẻ. Hương sống với bố đến năm 15 tuổi thì ông đi bước nữa với người phụ nữ tên Sen, sinh năm 1973.

Câu chuyện trên được Hương kể lại sau hôm mẹ Sen lên thăm cô và trở về quê. "Mẹ hai em là gái tân, nhưng lại chấp nhận làm vợ hai của bố, cuộc đời mẹ có lẽ đã gắn với chữ khổ rồi. Lấy mẹ Sen, bố vẫn thói cũ, hay đánh mẹ Sen lắm.

Bà nội thì lại quý mẹ đẻ em hơn nên cái gì cũng cho mẹ em. Còn bố em thì để mẹ Sen tính toán chi li chuyện trong nhà. Tình cảm mẹ Sen dành cho em là thật, mẹ thương quý em chứ không phải vì yêu bố hay bố đối tốt với mẹ Sen mà mẹ phải lấy lòng đâu", Hương tâm sự.

Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế - Ảnh 4.

Mẹ Sen trong chuyến lên thăm con gái chồng.

Đúng là phận đàn bà lấy chồng vào là thay đổi cả cuộc đời, và đời Mẹ Sen lại có thêm một cô con gái nữa yêu thương bà như mẹ đẻ. Không những thế, Hương còn chăm sóc hai em gái rất cẩn thận, chu đáo.

"Mẹ Sen sinh được 2 em gái nữa, một em học cấp 3 và một em đang học lớp 2. Mẹ đẻ em khi còn sống cũng dạy em rằng, em nào cũng là em, sau này có làm ăn được thì phải chăm sóc các em. Em cũng hay gửi quần áo, đồ ăn, sữa về cho hai đứa vì mẹ Sen không nhận tiền. Mẹ Sen thậm chí còn thỉnh thoảng cho em tiền, trong khi bố thì chẳng bao giờ cho đồng nào. Nghe thật là ngược đời đúng không?

Mỗi lần gia đình em về quê thăm bố mẹ, ông bà và các em thì mẹ Sen đều nấu nhiều món ngon, để dành quà quê cho. Mẹ không bao giờ phân biệt con đẻ với con chồng mà dạy dỗ như nhau, đặc biệt chưa một lần mẹ có ý gì chia rẽ bố con em, chỉ toàn vun vào thôi.

Mà mẹ cũng không phải dạy em theo kiểu khách sáo, giữ kẽ đâu mà dạy bảo em như mẹ đẻ, có mắng mỏ, có răn đe, có dỗ dành...", Hương chia sẻ thêm.

Đúng là người làm vợ hai trên thế giới này không phải hiếm nhưng chẳng phải ai cũng có đủ rộng lượng để đối xử với con riêng của chồng y như với con đẻ mình. "Trước kia, lúc mẹ em còn sống thì mẹ Sen cư xử cũng bình thường; nhưng từ khi mẹ mất thì bà khác hẳn, bà quan tâm nhiều lắm và lúc nào cũng thể hiện mình như mẹ đẻ của em vậy. Từ bé, em cũng chưa bao giờ có cái nhìn khó chịu về mẹ Sen hay phân biệt mẹ kế, mẹ ruột gì hết. Có lẽ vì thế nên mẹ cũng chưa bao giờ tỏ thái độ gì không hay với em cả".

Có lẽ, thuận theo lẽ tự nhiên là khi mẹ đẻ của Hương mất đi, mẹ Sen muốn bù đắp tình cảm cho Hương và hơn hết là muốn Hương không cảm thấy mất mát. Người tốt như vậy Hương phải trân trọng nhiều lắm.

Chuyện bánh đúc có xương ngoài đời thực: cô gái vượt qua nỗi đau mất mẹ đẻ nhờ sự chăm sóc của mẹ kế - Ảnh 5.

Hương cũng có con gái nên chắc chắn cô rất hiểu tâm tư của mẹ Sen.

"Em nghĩ là sau này mình sẽ phải có trách nhiệm với mẹ thậm chí còn nhiều hơn các em, vì chính mẹ đã làm cho cuộc sống của em nhẹ nhàng hơn sau khi mẹ đẻ em qua đời. Em cũng có con gái và hiểu cảm giác của một người mẹ là luôn muốn con mình được hạnh phúc, dù cho có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa".

Hương nghĩ như vậy là đúng thôi, bởi con người sẽ luôn hướng về phía có điều tốt đẹp đang chờ đợi. Và tương lai phía trước của gia đình Hương, cô tin là sẽ luôn ngập trong yêu thương và sự chăm lo cho nhau của các thành viên.

Thế mới biết, càng đi nhiều, càng biết nhiều mới thấy cái việc bỏ đi 2 tiếng mẹ ghẻ con chồng âu cũng là điều không mấy khó khăn, chỉ cần mỗi người đều mang trong mình sự chân thành và tình yêu thì sẽ làm được, còn những thứ khác có hay không thì cũng không còn quan trọng nữa. 

Theo Trí thức trẻ

câu chuyện tình yêu

dì ghẻ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.