Con dâu đưa 200 triệu nhờ giữ hộ, mẹ chồng đem cho vay mà chẳng thèm hỏi han

Cô vợ trẻ xót xa: "Lấy nhau 3 năm tích cóp được 900 triệu, đem gửi mẹ chồng 200 triệu, chẳng biết bà nghĩ gì mà đem cho anh chồng dùng nhưng không nói với mình câu nào".

Cô vợ trẻ xót xa: "Lấy nhau 3 năm tích cóp được 900 triệu, đem gửi mẹ chồng 200 triệu, chẳng biết bà nghĩ gì mà đem cho anh chồng dùng nhưng không nói với mình câu nào. Có phải mình thu nhập thấp nên ý kiến của mình không có giá trị không?".

Đã từng có vô số chị em phụ nữ cảm thấy hoang mang bối rối khi nghĩ đến chuyện cưới xong có nên đưa của hồi môn hay gửi tiền cho mẹ chồng giữ hộ hay không. Thậm chí, câu hỏi này còn gây tranh cãi không ngớt trên MXH một thời gian dài. Đa số câu trả lời là "không", bởi nhiều người đã rút ra được bài học sâu sắc khi sống chung với mẹ chồng.

Gửi 200 triệu nhờ mẹ chồng giữ hộ, nàng dâu ngỡ ngàng khi biết tiền bị đem cho vay mà không hỏi han gì - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vẫn có những nàng dâu hiếu thuận sẵn sàng đưa tiền vàng, thậm chí là cả một gia tài cho mẹ chồng cất hộ. Bình thường êm ấm chẳng sao, đến lúc xảy ra chuyện thì chỉ còn biết lại não lòng không biết tính sao, như câu chuyện có thật dưới đây đang thu hút sự quan tâm của hội chị em trên MXH.

"Các mẹ cho mình ý kiến với.

Mình kết hôn được hơn 3 năm nay, đã có con. 2 vợ chồng đều đi làm, thu nhập của mình được 4 triệu/tháng, còn của chồng được khoảng 35 - 40 triệu/tháng. Lấy nhau 3 năm, 2 vợ chồng tích góp được khoảng 900 triệu. Mình có gửi mẹ chồng khoảng 200 triệu, còn lại để chồng làm ăn.

Trên anh chồng mình còn có một anh trai, đã lấy vợ. Anh chị mở cửa hàng kinh doanh thiếu vốn, nên mẹ chồng đã lấy tiền mình gửi cho anh chồng dùng và không nói với mình một câu nào, chỉ nói bóng gió với chồng mình theo kiểu sự đã rồi.

Mình cảm thấy hơi buồn. Tuy mình thu nhập thấp, nhưng nghĩ là của chồng thì công vợ. Không phải mình tiếc vì cho vay 200 triệu, mà cảm thấy mình không được tôn trọng. Hay do mình ích kỷ? Có phải mình thu nhập thấp nên ý kiến của mình không có giá trị không? Và mẹ chồng mình làm thế có đúng không?".

Không ít chị em xuýt xoa ngưỡng mộ vì anh chồng kiếm tiền giỏi, mức 35 - 40 triệu với các cặp đôi mới cưới là khá ổn rồi, đủ lo cuộc sống riêng và nuôi con. Thế nhưng, nó lại trở thành tảng đá đè nặng lên tâm tư người vợ, vì chênh lệch tiền kiếm được giữa cô và chồng quá lớn. Dù chồng đối xử với cô rất tốt, đưa hết tiền cho vợ trông nom quản lý, song cô vẫn cảm thấy tủi thân. Phải làm sao để không mất lòng nhà chồng, mà vẫn đòi lại được số tiền mồ hôi nước mắt hai vợ chồng cùng vun đắp bấy lâu?

Vừa thương vừa bức xúc, nhiều chị em đã lên tiếng bênh vực nàng dâu trẻ, khuyên cô nên nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng, anh chị chồng. "Thôi lọt sàng xuống nia còn hơn xuống đất, rút kinh nghiệm lần sau của mình mình giữ, không cần ai giữ hộ mẹ nó ạ. Lỡ rồi thì tìm cách nói khéo là vợ chồng mình cần tiền xây nhà mới, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, 200 triệu đâu phải số tiền nhỏ"; "Ngay từ đầu gửi mẹ chồng làm gì, thời đại này thiếu gì cách gửi tiết kiệm cơ chứ, mà bạn cũng hiền quá, biết chuyện thì phải nói thẳng ra chứ buồn phiền thế ích gì"; "Khả năng tiền một đi không trở lại rồi. Chỉ hi vọng anh trai chồng sau làm ăn được thì tự giác trả thôi chứ không thì tiền ơi ra đi mãi".

Cũng theo lời kể của cô vợ thì năm đầu vợ chồng chị ở chung nên mới gửi tiền cho mẹ chồng, từ khi chuyển ra ở riêng thì không gửi nữa. Vợ chồng chị thuê nhà chỉ 4 triệu mỗi tháng, điều hòa không dùng, hạn chế chi tiêu, nên mỗi năm để dành được khoảng 300 triệu. Số tiền gần 1 tỷ đồng ấy họ định mua nhà riêng, nhưng giờ hụt mất 200 triệu. Khổ tâm hơn, dù hỏi ý kiến mọi người nhưng thực tế thì chị biết "không có cửa để lấy lại tiền, vì vợ chồng anh chị đang làm ăn thua lỗ, còn phải vay ngân hàng gần 1 tỷ".

Trường hợp này đúng là khó xử, vì quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong câu chuyện này không hề căng thẳng mâu thuẫn gì, chỉ là cách giải quyết vấn đề trong gia đình chưa hợp lý. Các cụ đã có câu "tiền bạc phân minh - ái tình dứt khoát", thực tế xưa nay chẳng ít tấm gương người thân ruột thịt bạc bẽo với nhau chỉ vì tiền. Tuy nhiên, có người đã khuyên nàng dâu trẻ phải suy xét cẩn trọng: "Hãy nghĩ thoáng ra chút, tuy bạn chưa dư dả gì, nhưng chồng bạn được như hôm nay cũng do phần từ phía gia đình vun đắp cho ăn học. Bây giờ giúp đỡ anh em ruột thì cũng đâu có sai, mình có miếng ăn còn bỏ mặc anh em đói thì cũng không nên".

Gửi 200 triệu nhờ mẹ chồng giữ hộ, nàng dâu ngỡ ngàng khi biết tiền bị đem cho vay mà không hỏi han gì - Ảnh 4.

"Có phải vì tôi kiếm ra ít tiền nên nhà chồng không tôn trọng, không cần hỏi ý kiến tôi?" (ảnh minh họa)

Vài người có kinh nghiệm từng trải thì an ủi rằng: "Giờ mới biết thì chịu thôi chứ làm ầm lại thành ra nhỏ nhen. Bà mẹ chồng cũng vụng, tiền con dâu gửi ai lại tự tiện đem đi như thế, ít ra cũng nói vài câu để dễ nhìn mặt nhau, anh chị khó khăn thì ai nỡ từ chối giúp? Tốt nhất là hai vợ chồng cứ nói thẳng là chúng con chuẩn bị mua nhà ổn định cuộc sống, để bà tự bảo anh chị lo trả lại mình".

Rõ ràng là cô vợ trẻ này quá khéo léo, giỏi vun vén nên mới dành dụm được món tiền lớn như vậy trong thời gian 3 năm. Song, chỉ vì ám ảnh chuyện tiền kiếm được ít hơn chồng gấp 10 lần, thêm chuyện mẹ chồng lén đem tiền cho anh chồng vay mà không hỏi han gì, nên cô mới phiền não như vậy. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chưa bao giờ là bài toán dễ giải, song cũng chẳng khó nếu mỗi bên biết cách xử trí hài hòa.

Nếu là bạn, trong trường hợp này bạn sẽ ứng xử thế nào?

Theo Trí thức trẻ

mẹ chồng nàng dâu

của hồi môn

tiền bạc

mẹ chồng


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.