Cụ thể, giá vàng miếng được Doji và SJC niêm yết ở ngưỡng 100,4 - 103,4 triệu đồng/lượng, tăng 2,7 triệu đồng/lượng (mua) và 1,5 triệu đồng/lượng (bán) so với đầu giờ sáng.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng ngang bằng ở ngưỡng 100,4 - 103,4 triệu đồng/lượng, tăng 2,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 1,5 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, giá vàng đã thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Giá vàng đảo chiều mạnh mẽ theo đà hồi phục của giá thế giới. Giá vàng thế giới hiện trên Kitco đầu giờ sáng nay ở ngưỡng 3.078 USD/ounce, tăng 100 USD/ounce so với cuối giờ chiều qua.

Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới hơn 103 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới hơn 103 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Trước đó, giá vàng liên tục ghi nhận các phiên giảm giá sâu, có thời điểm đánh mất mốc 100 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây chỉ là xu hướng tạm thời và giá sẽ tăng trở lại.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi) lý giải: “Xung đột Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Thế giới cũng đang đứng trước nguy cơ xảy ra những cuộc chiến thương mại căng thẳng. Trong bối cảnh đó, sẽ không ít nhà đầu tư có xu hướng tìm tới các tài sản an toàn như vàng để trú ẩn. Do đó, về dài hạn vàng vẫn có thể có những đợt tăng giá mới”.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, thị trường vàng thế giới và trong nước giảm chỉ là ngắn hạn do các nhà đầu tư chốt lời. Thời gian tới giá vàng sẽ tăng trở lại bởi lẽ chưa xuất hiện yếu tố nào khiến giá vàng giảm mãi. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tăng cao, Fed sẽ khó giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương đều đang tiếp tục mua vàng.

"Do đó, giá vàng sẽ tiếp tục có các đợt tăng giá mới", ông Hiếu dự báo.

Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong tháng 3, chỉ số giá vàng trong nước tăng 4,68% so với tháng trước, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,75% so với tháng 12/2024. Bình quân quý I, chỉ số giá vàng tăng 31,45%.

Nguyên nhân là thế giới tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt là kế hoạch áp thuế mới của Mỹ đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường.

Chính sách tiền tệ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với việc giữ nguyên lãi suất và tín hiệu có thể cắt giảm trong tương lai, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương, đặc biệt ở châu Á đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa dự trữ, góp phần làm tăng nhu cầu vàng trên thế giới. Biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế và bất ổn địa chính trị như chiến sự tại Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông càng củng cố vai trò của vàng như nơi trú ẩn an toàn, góp phần làm cho giá vàng càng tăng cao.

Theo VTC News