Không phải gì khác, thứ ổn định nhất hiện tại chính lương bạn đứng yên còn giá vàng đi lên. Mới nhất, vàng tiếp tục tăng giá, giữ vững con số loanh quanh ở mức 100 triệu/ lượng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu lương 5 triệu/ tháng thì bạn sẽ phải mất 2 tháng lương chỉ để mua 1 chỉ vàng (nếu không ăn uống, không thuê nhà, không đi lại....).

Nhưng người thực sự rơi vào thế khó lúc này là các cặp đôi chuẩn bị cưới cũng như bạn bè, người thân của họ. Bởi thời điểm hiện tại mua quà cưới, của hồi môn là vàng thì đắt mà tặng quà khác thì cứ thấy… sai sai. 

Mẹ chồng sốc, tim đập thình thịch nhìn bảng giá vàng khi ngày cưới con sắp đến

Dù vàng tăng giá “vượt mức pickleball” thì đây vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu mỗi dịp cưới xin vì nhiều lý do khác nhau.

Các cô dâu chú rể mong được tặng vàng vì xem đó như một khoản vốn làm ăn, phòng thân của họ sau khi kết hôn. Hơn nữa ở nhiều nơi vẫn quan niệm đám cưới mà không có hoặc ít vàng thì khó nở mày nở mặt với bạn bè.

Ngân Hoàng (25 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) tâm sự: “Mình sắp cưới, nhìn vàng tăng mà lòng buồn rười rượi. Hồi trước mẹ chồng mình hứa khi nào cưới sẽ cho 1 cây vàng, tiền nạp tài và tiền sắm đồ. Tới khi tính chuyện cưới xin thì mẹ bảo giờ giá vàng tăng, cho 1 cây vàng thì khoa trương quá nên chỉ cho 5 chỉ vàng và để tụi mình tự đi mua. Giờ 5 chỉ không biết có thể yêu cầu làm nhiều món để đeo cho nở mày nở mặt được không nữa…”

Trong khi đó, người nhà, bạn bè thân thiết cũng có nhiều lý do để “cắn răng” tặng vàng dù giá tăng phi mã như có giá trị kinh tế, trước đây được tặng vàng nên bây giờ cũng phải tặng có đi có lại,...

“Mình có một hội bạn thân thiết từ khi còn học cấp 1 - cấp 2. Mỗi đứa cưới thì cả nhóm sẽ góp tiền mua 2 chỉ vàng để mừng, cứ xoay vòng như vậy nhiều năm nay. Hồi 2017 - 2018, vàng khoảng 3,6 triệu/ chỉ, sau đó tăng nhích dần lên hơn 4 - 5 triệu thì thấy bình thường nhưng bây giờ đã hơn 10 triệu/ chỉ cũng hơi áp lực. 

Nhưng bạn đã mừng vàng rồi thì mình cũng phải tặng vàng lại. Nhóm mình vẫn còn 2 đứa nữa chưa cưới, không biết đến lúc bọn nó cưới thì giá đã ở mức nào rồi” - Ngọc Linh (32 tuổi) nói. 

2
(Ảnh minh hoạ)

Mới đây trên MXH cũng có bài đăng của một người mẹ chồng gây chú ý. Sau khi cùng con dâu tương lai đi chọn vàng cưới, bà đã vô cùng choáng váng nhưng vẫn phải cắn răng mua cho các con. 

“Tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng giá vàng cao nhưng khi nhìn thấy những con số thực tế, tôi vẫn sốc, tim đập thình thịch. Vòng tay hay kiềng vàng 24K đều có giá hàng chục triệu trở lên, chủ yếu là vài chục triệu, chưa kể tiền gia công nếu cần. 

Con cái đám cưới là một sự kiện hạnh phúc và bất cứ bậc phụ huynh nào cũng muốn ngày vui của con thật tươm tất, không thua kém bạn bè. Nhưng cái giá này thực sự khiến tôi run rẩy. Mọi người đều nói vàng cũng là khoản đầu tư tốt, có thể bảo toàn giá trị nhưng tăng giá đến mức này có phải là quá đáng sợ rồi không?” - người mẹ giãi bày. 

Rõ ràng tặng vàng là một thói quen khó thay đổi trong văn hoá cưới xin. Nhiều người cho rằng tặng vàng không chỉ để chúc phúc, mong cho cuộc sống của cặp đôi mới cưới sẽ hạnh phúc, viên mãn mà còn thể hiện mối quan hệ, tình cảm và sự gắn bó của khách mời với cô dâu chú rể. 

Tặng vàng mang tính kinh tế và thực tế cao hơn. Giá vàng hơn 100 triệu/ lượng nghe thì sợ đấy nhưng nó lại là tài sản giữ giá tốt. Biến động giá vàng qua các năm cho thấy con số chủ yếu đi lên, hiếm khi đi xuống mà nếu có cũng chỉ xuống rất ít. Vì vậy mọi người thường tin rằng đó sẽ là của để dành hợp lý cho các cặp đôi trẻ, giá trị khác xa so với tiền mặt hay đồ dùng. 

Cuối cùng vàng là món quà mang tính kỷ niệm cao, có thể giữ lâu, khó bị hỏng. Đây như lời nhắc nhở về mối quan hệ bền lâu, sau này nhìn lại ai cũng xúc động. 

Nhiều người chọn "tiền tươi thóc thật", voucher, cổ phiếu thay vì vàng

Nhưng với cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi thói quen có thể thay đổi, bao gồm cả chuyện tặng vàng trong đám cưới. 

Không thể phủ nhận vàng gắn liền với truyền thống cưới xin nhưng không phải là lựa chọn duy nhất. Trước đây vàng là chuẩn mực quà cưới vì vừa là tài sản vừa là lời chúc phúc nhưng bây giờ người trẻ cởi mở hơn, quà cưới cũng thoáng hơn và không nhất thiết là vàng

Minh Hạnh (28 tuổi) cho biết: “Mình vừa cưới tháng trước và bố mẹ 2 bên chọn phương án tiền tươi thóc thật cho đỡ đau đầu. Ngoài nhẫn cưới do 2 vợ chồng mình tự mua thì gia đình đều mừng tiền, mỗi bên mừng 100 triệu để bọn mình tự lo. Cô dì chú bác trong nhà hay bạn thân cũng thống nhất như vậy luôn, bỏ luôn ‘tiết mục’ trao vàng, tặng của hồi môn.

Cả 2 vợ chồng mình đều có cùng quan điểm rằng phần quà cáp hay quà chỉ là hình thức, quan trọng là ngày vui của mình được diễn ra trọn vẹn. Bạn bè, người thân không bị áp lực giá vàng lên xuống mà ngay cả vợ chồng mình cũng không phải nơm nớp chuyện sau này đi lại thế nào”

1
(Ảnh minh hoạ)

Về phía người đi mừng cưới, tặng các món quà khác thay cho vàng là cách giảm áp lực kinh tế. Bởi ngay cả khi chỉ mua dăm phân vàng làm quà thì cũng đã ngốn 5 - 7 triệu - số tiền không nhỏ với nhiều người. Vì vậy ngoài vàng hay tiền mặt, quà cưới có thể là voucher du lịch cho cô dâu chú rể đi tuần trăng mật, đồ gia dụng,... thậm chí là cổ phiếu. 

“Gần đây người ta cãi nhau lương khởi điểm 8 triệu/ tháng là thấp hay cao nhưng có một sự thật là 8 triệu còn chưa mua được 1 chỉ vàng nữa. Nếu cứ khăng khăng phải tặng vàng cưới là làm khó mình, khó cả cô dâu chú rể nên mình chuyển hướng, không tặng vàng cưới nữa.

Anh họ và cũng là người chơi thân với mình từ bé mới cưới. Mình không mừng vàng hay tiền mặt mà tặng cô dâu chú rể voucher 5 triệu cho chuyến đi Phú Quốc 3 ngày 2 đêm. Mình tin là thay vì tặng vàng, tặng trải nghiệm thế này đáng đồng tiền bát gạo hơn!" - Anh Dũng (26 tuổi) bày tỏ. 

Suy cho cùng, ý nghĩa của món quà nằm ở tình cảm, không phải giá trị vật chất hay hình thức bên ngoài. Vàng bạc hay thứ đắt đỏ có thể mua được ở bất cứ đâu nhưng một món quà gắn với kỷ niệm, sự thấu hiểu thì không ai thay thế được.

Hơn nữa, nhiều người đang bị áp lực hình thức của xã hội chi phối. Họ lao vào tặng vàng hay quà hoành tráng để đẹp mặt với đám đông. Nhưng thực tế, cô dâu chú rể nhớ đến bạn không phải vì món quà đắt bao nhiêu mà vì khoảnh khắc họ cảm nhận được tình cảm qua đó. Một món quà handmade ghi lại những kỷ niệm tình bạn - tình yêu hay một bữa tiệc độc thân trước cưới mới là thứ quà vô giá, đáng giá hơn cả vàng. 

Và cuối cùng, không thể phủ nhận giá trị vật chất trong xã hội hiện đại nhưng cũng vì thế mà người ta càng trân trọng những gì chân thật, cá nhân hóa. Vàng hay tiền có thể cần cho cuộc sống, nhưng thứ đọng lại lâu nhất trong trái tim cô dâu chú rể lẫn người tặng quà vẫn là cảm giác được yêu thương, thấu hiểu. 

Theo Đời sống và Pháp luật