Định giá trần theo năm
Theo phương án 3 về điều hành giá xăng dầu trong dự thảo của Bộ Công Thương: Mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp (DN) đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì DN được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch...
![]() |
Người tiêu dùng chỉ mong giá xăng dầu được tính toán rõ ràng, minh bạch (ảnh minh họa). |
Nói dễ hiểu hơn là cơ quan nhà nước sẽ định giá trần xăng dầu theo năm, các DN được điều chỉnh tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu theo đúng thị trường và tự cạnh tranh, tự đưa ra mức giá phù hợp cho mình, kể cả quyết định thời điểm tăng-giảm giá. Hằng quý, các cơ quan quản lý nhà nước tính toán lại, nếu giá thực tế của thị trường vượt giá trần quy định thì Quỹ Bình ổn giá sẽ bù đắp phần chênh lệch ấy cho DN.
Sẽ là chủ quan, duy ý chí?
Tuy nhiên, phương án này của Bộ Công Thương đang vấp phải sự phản đối của các chuyên gia và gây lo ngại cho cả “ông lớn” Petrolimex. Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex: “Phương án 3 được cho là tích cực, theo tín hiệu của thị trường nhất nhưng các DN lo ngại là ai “phất cờ”, chỉ đạo theo giá trần này thì đến nay các cơ quan chức năng còn chưa trả lời được. Không biết có phải do lo ngại bị các DN nhỏ cạnh tranh nếu áp dụng phương án này mà Petrolimex tỏ ra không đồng tình?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng bày tỏ ý kiến rằng, áp dụng phương án này chỉ đúng và phù hợp với... tư duy kinh tế thị trường thôi. Theo ông Long, không khả thi là vì giá xăng dầu thế giới biến động từng ngày, từng giờ. Định cả năm thì không thể có được giá trần phù hợp. Chưa kể, cách tính giá trần là lấy giá cơ sở kinh doanh xăng dầu của năm trước cộng với chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) để ước một giá trần cho năm sau lại càng không phù hợp với diễn biến giá thế giới, vì CPI không liên quan gì tới diễn biến giá xăng dầu của thế giới cả. Ông Long nhấn mạnh: 90 ngày mới ngồi tính là quá dài để điều hành giá xăng dầu theo kịp thế giới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng lo ngại việc cứ vượt giá trần thì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ bù cho DN, vậy quỹ này có đủ tiền để bù lỗ cho DN không, bởi thực tế điều hành quỹ này đã có lúc "âm", đặt giả thiết quỹ không có thì bình ổn cách nào?!
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nói thẳng, phương án 3 là "duy ý chí", bởi làm sao có được khung giá trần trong 1 năm khi giá xăng dầu thế giới biến động như thế. Cơ quan soạn thảo đang quá chủ quan...
Theo Dân Việt