Bội thực hoa hậu ở Việt Nam

Trong năm 2022, hàng chục cuộc thi sắc đẹp được tổ chức quy mô toàn quốc lẫn địa phương. Khán giả thậm chí không nhớ nổi tên của người giành vương miện.

"Trong vài tháng qua, tính sơ sơ cũng gần 20 cuộc thi sắc đẹp. Tôi cảm giác ai cũng có thể trở thành hoa hậu"; "Hoa hậu giờ như nấm mọc sau mưa", "Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ... là các cuộc thi hoa hậu gì vậy", "Tràn lan các cuộc thi sắc đẹp, không biết lấy đâu ra đủ thí sinh để thi"... là những bình luận của khán giả trên các diễn đàn sắc đẹp trong nước.

Kể từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nới lỏng quy định về quản lý các cuộc thi người đẹp, người mẫu, hàng loạt sân chơi nhan sắc ở phạm vi toàn quốc lẫn quy mô địa phương được mở ra.

Ngoài các cuộc thi lớn, có uy tín như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam... những cái tên còn lại đều tổ chức trong quy mô nhỏ, khán giả có thể không nhớ tên hoặc lần đầu biết đến.

Điều đáng nói, một cô gái có thể dự thi nhiều cuộc thi nhan sắc cùng lúc. Nhiều thí sinh sau khi trở thành hoa hậu, á hậu tại các cuộc thi đều sử dụng danh hiệu để hoạt động giải trí. Tình trạng này khiến khán giả đặt ra câu hỏi: "Phải chăng Việt Nam đang loạn các cuộc thi hoa hậu".


Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-1

Ra đường gặp hoa hậu

Chưa bao giờ sân chơi sắc đẹp của Việt Nam sôi động như năm 2022. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hơn 15 cuộc thi sắc đẹp ở phạm vi toàn quốc được diễn ra, chưa tính đến các cuộc thi quy mô cấp tỉnh, thành phố. Một chuyên trang nhan sắc trong nước thu thập, tổng kết và đưa ra con số khoảng 50 cuộc thi lớn, nhỏ diễn ra trong năm 2022.

Trong đó, một số cuộc thi sắc đẹp lớn, có thể kể tên như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Những sân chơi nhan sắc khác đều khởi phát trong năm 2022 và hiện diện ở đủ mọi lĩnh vực: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Miss Fitness Vietnam...

Trong tháng 7, ba cuộc thi sắc đẹp gồm Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam sẽ đi đến vòng chung kết.

Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-2Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-3Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-4Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-5Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-6
Hoa hậu Thùy Tiên, Tiểu Vy, Lương Thùy Linh và các người đẹp tại buổi họp báo Hoa hậu Việt Nam 2022. Ảnh: Thanh Tâm.


Tiếp đó, trong tháng 9, 10 và 11, lần lượt các cuộc thi Miss Peace Vietnam, Miss Grand Vietnam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Siêu Quốc gia Việt Nam.. sẽ chung khảo và xếp hạng.

Dễ nhận thấy hầu như tháng nào ở Việt Nam cũng có một cuộc thi sắc đẹp được mở ra. Số lượng hoa hậu, á hậu tăng lên theo cấp số nhân. "Ra đường gặp hoa hậu" là câu diễn tả đúng thực trạng hiện nay của showbiz Việt.

Tuy nhiên, việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu dẫn đến tình trạng thiếu thí sinh. Nhiều người đẹp cũ tiếp tục đăng ký dự thi để giành vương miện. Một cô gái có thể góp mặt trong hai sân chơi sắc đẹp cùng lúc.

Điển hình, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt người mẫu quen thuộc từng ghi danh ở không ít các cuộc thi sắc đẹp trước đó. Top 5 cuộc thi: Hương Ly từng 3 lần dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Lê Hoàng Phương là người đẹp đã lọt vào top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019. Hoa hậu Ngọc Châu - người được mệnh danh là "cô gái dành cả thanh xuân để đi thi sắc đẹp" khi góp mặt ở Vietnam's Next Top Model 2016, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2018, Miss Supranational 2019. Á hậu 2 Huỳnh Phạm Thủy Tiên cũng không phải là cái tên xa lạ đối với cộng đồng yêu sắc đẹp. Cô từng đạt thành tích Top 10 Hoa hậu Việt Nam 2018 và Hoa khôi Đại học Ngoại thương cùng năm.

Một thí sinh khác là Đàng Vương Huyền Trân (21 tuổi) vừa kết thúc xong hành trình Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 và vào top 45 đã vội vàng ghi danh tại Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam. Hiện nay, người đẹp có tên trong danh sách 30 cô gái tham dự đêm chung kết diễn ra vào tối 16/7 tại TP.HCM.

Mâu thuẫn giữa hai cuộc thi hoa hậu trùng tên

Ngoài việc thiếu số lượng thí sinh cho các cuộc thi sắc đẹp, trong tháng 6, một sự việc hy hữu đã xảy ra khi hai cuộc thi trùng tên, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp bản quyền.

Cụ thể, Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) và Miss Peace Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) trùng tên gọi tiếng Việt. Trong đó, Miss Grand Vietnam là nhằm tìm kiếm đại diện Việt Nam nối tiếp Thùy Tiên dự thi Miss Grand International. Còn Miss Peace Vietnam để chọn ra đại sứ hòa bình, tập trung các hoạt động bảo vệ môi trường biển.

Cả hai cuộc thi có điểm chung là đều mở ra lần đầu vào năm 2022. Tuy nhiên, việc trùng tên gọi tiếng Việt khiến ban tổ chức của Miss Grand Vietnam 2022 và Miss Peace Vietnam 2022 mâu thuẫn.


Bội thực hoa hậu ở Việt Nam-7Ông Lê Xuân Sơn và bà Phạm Kim Dung cùng top 3 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Ảnh: Thanh Tâm.


Phía Sen Vàng - đơn vị nắm bản quyền Miss Grand Vietnam - cho rằng nhiều năm qua, nhiều đại diện Việt Nam đã tham gia cuộc thi này và được biết đến rộng rãi với tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Quốc tế". Năm 2017, Miss Grand International được tổ chức tại Việt Nam (Á hậu Huyền My dự thi và đạt thành tích top 10).

Theo đơn vị này, tên "Hoa hậu Hòa bình" đã gắn với thương hiệu của cuộc thi. Miss Peace Vietnam tổ chức sau, nên bị cho là vi phạm bản quyền.

Sen Vàng cũng cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 2768/2022/QTG ngày 8/4 đối với Kịch bản Cuộc thi nhan sắc "Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" và Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 3386/2022/QTG ngày 10/5 đối với logo "Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam", do Cục Bản quyền Tác giả cấp.

Về phía Miss Peace Vietnam 2022, họ cho biết cuộc thi đã được cơ quan chức năng cấp phép đúng quy định, kèm tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Theo đơn vị này, họ có 2 chứng nhận quyền tác giả đối với kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 do Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp ngày 21/3, 5 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ mẫu nhãn hiệu của cuộc thi kèm 4 quyết định chấp nhận đơn hợp lệ do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và văn bản chấp thuận tổ chức bán kết và chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 từ UBND thành phố Đà Nẵng.

Mâu thuẫn giữa hai bên chưa đi đến hồi kết. Nhưng chung kết của hai cuộc thi đều diễn ra vào tháng 9.

Tham vọng về ngành công nghiệp hoa hậu ở Việt Nam?

Sự việc liên quan đến hai cuộc thi hoa hậu kể trên có một phần nguyên nhân đến từ việc có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp cùng lúc được tổ chức tại Việt Nam thời gian qua.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020 không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Quy định trên tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi mở ra.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Kim Dung - thành viên ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - cho rằng người hâm mộ không nên lo lắng khi nhiều sân chơi sắc đẹp trong nước được mở ra. Bà Dung chia sẻ khi đã gỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt trước đây, bản thân các cuộc thi sẽ tự đào thải lẫn nhau. Những cuộc thi có chất lượng, danh giá thì sẽ giữ được uy tín.

Bà Phạm Kim Dung cũng chia sẻ về tham vọng tạo ra một ngành công nghiệp hoa hậu tại Việt Nam. Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam nói rằng bà cùng công ty đang lên kế hoạch để mở những công ty đào tào hoa hậu trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - nói các cuộc thi sắc đẹp uy tín sẽ không thiếu thí sinh tiềm năng. Mỗi cuộc thi có một tiêu chí, mục đích, nội dung, quy mô khác nhau. Vì thế, các cô gái sẽ tìm kiếm những sân chơi sắc đẹp phù hợp để thử sức.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/boi-thuc-hoa-hau-o-viet-nam-post1334191.html

Hoa hậu Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.