Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Chỉ có thêm vào chứ không bớt!"

“Giám đốc” – kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến tiếp chuyện phóng viên vào buổi trưa – khi anh có chút thời gian ngưng nghỉ công việc bận rộn của mình. Ngay tại văn phòng của anh, người đối thoại sẽ không cảm thấy đang nói chuyện với tác giả của những hit như “Bà tôi”, “Giọt sương bay lên” thay vào đó là hình ảnh một người đàn ông giản dị, từ tốn và nhiệt huyết với công việc.

Sự nổi tiếng: Con dao hai lưỡi

- Hình ảnh anh bận rộn ở đời thường, khó hình dung đây là một nhạc sĩ với những bài hát quen thuộc?

Thoạt nhìn bên ngoài thì công việc kiến trúc không liên quan gì đến âm nhạc lắm, nhưng kiến trúc cũng là một nghệ thuật, giữa kiến trúc và âm nhạc có rất nhiều điểm tương đồng.

- Nghệ sĩ thường bay bổng và lãng mạn, rất khó để làm những việc đòi hỏi tính toán và thực tế - quan điểm này xưa như diễm rồi, anh nhỉ?

Chỉ có những người làng nhàng mới lơ mơ thôi. Còn những nghệ sĩ thực sự, nghệ sĩ chuyên nghiệp họ quyết liệt với những đam mê của mình, họ làm sáng tạo những giá trị mới một cách tâm huyết và đồng thời cách bố trí công việc đời thường cũng rất khoa học. Nói nghệ sĩ lơ mơ e rằng chưa phải là cách hiểu toàn diện về nghệ sĩ.

- Vậy còn câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ” có toàn diện không anh?

Lịch sử từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đúng là người nghệ sĩ có thu nhập thấp và không ổn định so với mặt bằng chung, thậm chí rất nghèo. Nhưng bây giờ thời đại mới rồi, nếu chúng ta làm cho tốt về vấn đề bản quyền, trả tiền xứng đáng với chất xám, sức sáng tạo mà người nghệ sĩ bỏ ra thì vấn đề vật chất của nghệ sĩ cũng không đến nỗi nào. Tôi nghĩ ở thời buổi kinh tế tri thức này, nhận định đó không còn đúng nữa.

- Nói vậy là Nguyễn Vĩnh Tiến đang có cuộc sống vật chất thoải mái?

Ai cũng phải có nghề nghiệp, có nguồn thu nhập để tồn tại, nuôi sống bản thân mình và gia đình. Tôi có thể sống được thoải mái nhưng sống ung dung thì khó nói lắm. Tôi cũng như những người lao động khác thôi, làm bằng mồ hôi nước mắt và hưởng thành quả dựa trên sức lao động của chính mình. Còn khái niệm “không gian sung túc” – tôi nghĩ không phải là hình ảnh thích hợp với tôi lắm.

- Thu nhập của anh chủ yếu từ kiến trúc hay âm nhạc?

Đương nhiên là công việc kiến trúc rồi – đây là nghề của tôi mà.

- Sự nổi tiếng của khu vực âm nhạc có giúp nhiều cho anh ở khu vực kiến trúc không?

Con dao hai lưỡi thôi. Một mặt rất thuận lợi nhưng một mặt cũng là áp lực rất lớn khi triển khai công việc với đối tác. Khi làm ăn thì hiệu quả công việc quyết định tất cả chứ không phải chuyện danh tiếng kéo theo hiệu quả được. Mặt khác cũng vì họ biết tôi là ai nên trách nhiệm của tôi với sản phẩm của mình càng lớn hơn. Thuận lợi hơn thì áp lực hơn – hai điều đó song song với nhau.

- Vậy anh dung hòa cái tôi nghệ sĩ và yếu tố khách hàng là thượng đế như thế nào?

Tôi cố gắng giải bài toán đấy một cách tối ưu nhất, tìm ra đáp số tốt nhất, chuẩn nhất giữa việc sáng tạo nghệ thuật của mình và yêu cầu của thượng đế. Tất nhiên, thực tế cũng nảy sinh những vấn đề mà không thể thỏa hiệp được, thì đành từ chối và không thể tiếc được, để dành thời gian cho những việc tâm huyết hơn.

- Anh đã phải nhẫn nhịn bao giờ chưa?

Tôi là người tương đối cứng rắn. Tuổi tác và thời gian làm việc cho tôi nhiều bài học bổ ích về cách cư xử. Tôi nghĩ nên biết cương nhu đúng lúc, đúng chỗ, đúng người. Mềm dẻo là khôn ngoan nhất nhưng không phải ai cũng kiềm chế được xúc cảm của chính mình. Nhẫn nhịn là đức tính đáng quý nhưng khi nhẫn nhịn thì nên đặt ra câu hỏi nhẫn nhịn vì điều gì? Chúng ta không thể nhẫn nhịn trước những điều kệch cỡm và vô lý được.

Say mê công việc thiết kế

- Sau những tác phẩm như “Bà tôi, “Giọt sương bay lên”, có vẻ Nguyễn Vĩnh Tiến trở nên im ắng?

Tôi nghĩ cuộc sống không phải lúc nào cũng tiệc tùng, hội hè được. Việc công bố tác phẩm cũng như vậy. Tôi có cảm tưởng bữa tiệc giải thưởng của tôi đã qua rồi, bây giờ với tôi nghệ thuật, sáng tác là cuộc rong chơi thư thả.

Thời gian tới, tôi sẽ hợp tác với Nguyễn Đức Cường và Thùy Chi, họ đang tiến hành thu âm cho album của tôi. Tôi rất thích hai giọng hát này và cũng ấn tượng với những sáng tác của Đức Cường.

- Có duyên với âm nhạc như vậy, nhưng anh vẫn không chọn âm nhạc để làm nghiệp cho mình?

Nói về sự chuyên nghiệp là nói nghề giúp mình sống được, đứng vững. Các cụ cũng có câu: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tuy nhiên, tôi làm kiến trúc vì tôi có sở trường và tôi đã được đào tạo bài bản. Tôi say mê công việc thiết kế. Còn với văn học, âm nhạc, hội họa chỉ là những đam mê song hành. Tôi chỉ thêm vào chứ không bỏ (cười).

- Cách anh thêm vào chứ không bớt đi, có được anh ứng dụng nhiều trong cuộc sống của mình không?

Nhiều chứ.

- Trong chuyện tình cảm chẳng hạn?

Có chứ, tình cảm thì phải thêm vào. Yêu quý thêm nhiều người thì càng tốt chứ sao? Tôi dùng từ yêu quý thôi nhé! (cười lớn)

Không làm mối lái

- Chân dung khi làm sếp của Nguyễn Vĩnh Tiến được vẽ như thế nào?

Tôi là người quản lý với tính cách rất thoải mái và luôn tôn trọng sự sáng tạo, cá tính của từng người, tôi không đồng hóa các cá tính của họ theo motip cứng nhắc nào đó cả.

- Anh đứng ở cả hai khu vực kinh doanh và nghệ sĩ, anh có bị khó xử giữa những người bạn từ hai phía không?

Những người đó luôn luôn cần nhau, các bạn kinh doanh thích chơi với các bạn nghệ sĩ, nghệ sĩ thì cũng cần những phương pháp xử lý thực tế của giới kinh doanh, tôi là nhịp cầu giữa những người bạn của tôi đấy.

- Anh có tham gia chuyện mối lái se duyên giữa các bạn của anh chưa?

Trong chuyện tình yêu thì tôi chẳng mối lái cho ai cả. Tình yêu vốn bí hiểm, mình còn chả hiểu được chuyện của mình thì làm sao mối lái cho ai được? Nhưng tính tôi, cứ thấy ai cứ yêu nhau là vui rồi, nhất là các bạn chung của mình, yêu nhau vui chứ, ít ra là hơn… ghét nhau rồi!

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.