Ồ ạt thi hoa hậu ao làng để làm gì?

Hàng loạt những vụ người đẹp, á hậu bán dâm đặt ra câu hỏi lớn về những cuộc thi nhan sắc tổ chức vô tội vạ, mục đích của họ có đơn thuần là tôn vinh cái đẹp?

Hàng loạt những vụ người đẹp, á hậu bán dâm đặt ra câu hỏi lớn về những cuộc thi nhan sắc tổ chức vô tội vạ, mục đích của họ có đơn thuần là tôn vinh cái đẹp?

Đó là những cuộc thi nhan sắc với tên gọi rủng rẻng như thể mang tầm quốc gia, châu lục, quốc tế, hoặc toàn cầu, thậm chí vũ trụ, nhưng quy mô và chất lượng không vượt quá tầm ao làng. Ngay đến những người trong giới cũng thấy... loạn vì quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, thậm chí không phân biệt được cuộc này khác cuộc kia ở điểm nào.

Nhưng tình trạng vẫn sẽ nhiều và loạn như thế một khi đại gia và người đẹp còn có nhu cầu gặp nhau, người đẹp còn cần danh hiệu, và những thế lực đứng giữa thì được lợi từ cả 2 bên: tiền của đại gia và nhan sắc của người đẹp.

Những danh hiệu hào nhoáng nhưng thiếu uy tín

Thư Dung, cô gái được nêu tên nhiều nhất trong cuộc điều tra của công an quanh đường dây bán dâm nghìn USD vừa qua, sở hữu ít nhất 3 danh hiệu: Á hậu cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Thế giới (Miss Eco International 2018), Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu 2017 (Miss Perfect Global Beauty) và Á quân Người mẫu Thời trang Việt Nam 2018.

Hiện tại, các danh hiệu đều đó đều đã bị thu hồi. Mặc dù vậy, cách thu hồi cũng có nhiều điều đáng bàn.

Hoa hậu Sinh thái Thế giới, cuộc thi mà Thư Dung đoạt ngôi vị Á hậu 3 sau lùm xùm trao nhầm danh hiệu, thông báo tin thu hồi qua một bài đăng sơ sài trên Facebook với hình ảnh thiết kế ngô nghê, thiếu chuyên nghiệp. Thông báo được cho là "rất quan trọng" này của cuộc thi nhận được sự quan tâm ít ỏi từ công chúng, với phần bình luận hầu như đều đến từ khán giả Việt Nam.

Ồ ạt thi hoa hậu ao làng để làm gì?-1 Các danh hiệu của Thư Dung không có nhiều uy tín. Ảnh: FBNV.

Cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu dù tổ chức tại Hàn Quốc, dành cho những người đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vẫn bị coi là cuộc thi ao làng.

Đêm chung kết lại có tình huống kỳ quặc khi MC Phan Anh từ bỏ vai trò giám khảo ngay trên ghế nóng vì không đồng tình với top 5. Đồng thời, anh từ chối đặt câu hỏi cho Thư Dung, người sau đó vấn đáp ấp úng nhưng vẫn thành hoa hậu.

Còn nhớ, Nguyễn Thị Lệ Nam, quán quân Người mẫu Thời trang Việt Nam 2018 (Thư Dung là á quân), cũng từng tiết lộ ngay sau đêm đăng quang, có lời đề nghị cô đi "tiếp rượu kín" với giá 15.000 USD nhưng cô từ chối. Có thể nói, những lời đề nghị tương tự với các người đẹp có danh hiệu là rất phổ biến, điều này đã từng được nhiều người đẹp chia sẻ.

Ngay giữa tháng 8, một nhóm người đẹp có danh hiệu khác cũng bị bắt khi tham gia một đường dây bán dâm nghìn USD khác. Trong đó, nổi bật có Phạm Thị Thanh Hiền - Hoa khôi thời trang Việt Nam 2017 và Nguyễn Thị Ngọc - Á khôi 1 Hoa khôi Sắc đẹp Việt Nam 2017. Vụ việc này nặng hơn vì các người đẹp ngoài bán dâm còn tham gia môi giới.

Đây cũng là 2 danh hiệu ao làng. Hoa khôi Thời trang Việt Nam 2017 và Hoa khôi Sắc đẹp Việt Nam 2017 đều do một công ty người mẫu tổ chức, chưa từng được cấp phép, thậm chí đều bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn yêu cầu dừng tổ chức.

Bên cạnh đó, các cuộc này có khâu tuyển chọn sơ sài (thí sinh được tuyển vào vòng chung kết với tiêu chí không rõ ràng, sau khi gửi hồ sơ chứ không phải thi chọn trực tiếp), người chiến thắng không nhận được sự quan tâm của công chúng.

Khi các người đẹp này bị bắt và xử vì hành vi bán dâm, môi giới mại dâm, ban tổ chức (BTC) các cuộc thi nói trên cũng không có động thái gì về việc thu hồi danh hiệu hay lên tiếng bảo vệ uy tín cho chính mình. Các cuộc thi này cũng được tổ chức không ổn định, lâu bền.

Hoa hậu Nam Mekong - cuộc thi mà Hoa hậu kiêm tú bà một thời Mỹ Xuân từng đăng quang năm 2009 - cũng chỉ được nhắc đến cùng bê bối của người đoạt danh hiệu. Đây là những cuộc thi mang tên gọi vùng miền gây cảm giác quy mô lớn, nhưng thực chất lại nhỏ với số lượng và chất lượng thí sinh hạn chế. Bản thân cuộc thi cũng "sớm nở tối tàn".

Không thể không nhắc đến Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu, cuộc thi gắn với loạt những người đẹp nhiều scandal như Ngọc Trinh (Hoa hậu năm 2011), Julia Hồ (Hoa hậu năm 2012)... Sau khi đăng quang, những người này cũng không có trách nhiệm giữ gìn uy tín của danh hiệu, thậm chí còn thoải mái thể hiện lối sống trác táng như trường hợp của Julia Hồ.

Câu hỏi "Trách nhiệm của các BTC ở đâu khi người đẹp mang danh hiệu của cuộc thi đó có hành vi gây ảnh hưởng xấu?", đối với các cuộc thi ao làng tổ chức phập phù như thế này, có lẽ không cần đặt ra nữa.

Đòi hỏi gì ở cuộc thi ao làng?

Mới đây, BTC Hoa hậu Việt Nam 2018 khẳng định, từ năm 2016, BTC và các thí sinh tham dự vòng chung kết đã ký cam kết chung trong việc cùng nỗ lực giữ gìn hình ảnh của thí sinh và cuộc thi, không để ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu Hoa hậu Việt Nam và uy tín của chính người đẹp.

Với các cuôc thi nhan sắc ao làng, khó có thể đòi hỏi một cam kết như vậy và thái độ nghiêm túc thực hiện nó. 

Trả lời báo chí, đại diện Hoa hậu Việt Nam cũng khẳng định quyết tâm không để tên tuổi của các người đẹp tham gia cuộc thi bị nhắc đến với những hành vi như "bán dâm".

Hiện nay, Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được đánh giá là 2 cuộc thi nhan sắc có quy mô và uy tín lớn nhất ở Việt Nam. Các cuộc thi này đều tìm kiếm đại diện Việt Nam cho những đấu trường sắc đẹp tầm cỡ quốc tế, bao gồm 5 cuộc thi lớn là: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Hòa bình Thế giới, Hoa hậu Trái Đất và Hoa hậu Siêu quốc gia.

Ở Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, có thể thấy sự đồng hành sát sao của BTC cùng các người đẹp xây dựng hình ảnh và tên tuổi sau khi đăng quang và trong suốt nhiệm kỳ.

Nhưng ở các cuộc thi nhỏ hơn, mối liên kết này là khá lỏng lẻo. Thậm chí, tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương, một cuộc thi được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép, người đăng quang năm 2014 là Đặng Thu Thảo cũng từng tố BTC bỏ bê sau khi đăng quang, không tổ chức các hoạt động cộng đồng với tư cách hoa hậu... Đỉnh điểm, cô từng tuyên bố bỏ danh hiệu vì thấy không được trân trọng sau 3 năm đăng quang.

Ồ ạt thi hoa hậu ao làng để làm gì?-2 Phạm Thị Thanh Huyền đăng quang hoa khôi trong một cuộc thi bị yêu cầu dừng tổ chức. Ảnh: FBNV.
Ồ ạt thi hoa hậu ao làng để làm gì?-3
Hoa hậu Đại dương 2014 Đặng Thu Thảo từng tố BTC bỏ bê, không trân trọng. Ảnh: FBNV.

Những vụ việc các người đẹp bán dâm cho thấy hoạt động quản lý của BTC các cuộc thi đối với họ - người nắm giữ danh hiệu của cuộc thi - rất lỏng lẻo.

Ồ ạt thi hoa hậu ao làng để làm gì?-4

Khi Thư Dung công khai bộ ảnh phản cảm ở Tuyệt Tình Cốc, BTC các cuộc thi mà cô tham gia hầu như không có tiếng nói cảnh cáo gì, nhất là khi cô thách thức dư luận, tung tiếp bộ ảnh lần 2 giữa lúc đang bị ném đá dữ dội.

Điều đó cho thấy họ cũng chẳng bận tâm đến uy tín của chính mình, cho đến khi công an và pháp luật vào cuộc.

 

 Theo Zing


MC bán dâm

á hậu bán dâm

thi hoa hậu


Giải mã cơn sốt ‘Quật mộ trùng ma’
Phim kinh dị “Quật mộ trùng ma” có hướng đi đúng đắn khi khai thác yếu tố kinh dị tâm linh đậm chất Á Đông. Song, kịch bản phim còn một vài hạn chế khiến câu chuyện chưa thực sự thuyết phục.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.