Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!

“Nghe tiếng kêu thất thanh, chúng tôi quay lại nhìn thì thấy một gã đàn ông nhỏ thó vừa chạy vừa kêu cứu. Đằng sau anh ta, diễn viên Minh Cúc đang cầm xẻng đuổi theo”, Hoàng Du Ka kể.

"Tôi suýt bỏ học vì được các thầy cô quan tâm đặc biệt"

Hoàng Du Ka là diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh được khán giả đặc biệt chú ý qua vai diễn Quất trong phim Cô gái nhà người ta. Trưởng thành từ trường Cao đẳng Nghệ thuật, Hoàng Du Ka cho hay thời sinh viên của anh có rất nhiều kỷ niệm đẹp:

"Kết thúc 12 năm học phổ thông, tôi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa khác băn khoăn về hướng đi tương lai của mình. Tôi vẫn nhớ mãi khi về nhà với dòng suy nghĩ chả biết mình sẽ chọn ngành gì để đăng ký thi đây?

Trước những băn khoăn của tôi, bố tôi chẳng thèm nhìn tôi mà "ra chỉ thị: "Chơi đi, vài tháng nữa chuẩn bị thi vào Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội lớp diễn viên Sân Khấu và Điện Ảnh. Bố đăng ký gửi hồ sơ hết rồi!"

Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!-1Hoàng Du Ka sinh ra trong gia đình có 3 thế hệ làm nghệ thuật.


Lúc này tôi mới chợt nhận ra mình sinh ra trong gia đình có tới 3 thế hệ làm nghệ thuật cơ mà! Vậy là tôi vui vẻ nghe theo sự sắp xếp của bố thi và đậu vào lớp diễn viên.

Những ngày đầu vào trường, tôi hào hứng lắm! Nghĩ mình đã trở thành diễn viên đến nơi rồi, lại còn được gặp những thần tượng từ thời bé như: NSUT Trần Đức (thầy giáo chủ nhiệm và là trưởng khoa SK&ĐA của trường), NSND Anh Tú, NSND Hoàng Dũng.

Có ông nội, bố và anh trai của anh đều là đạo diễn, còn bà nội anh là diễn viên cải lương nên Hoàng Du Ka được các thầy cô trong trường coi như "con nhà nòi". Nhưng cũng vì thế mà những năm đầu nhập học, anh suýt bỏ học vì "được quan tâm quá".

"Đặc biệt ở chỗ ai gặp tôi cũng hỏi thăm sức khoẻ gia đình bố mẹ anh em thế nào? Ban đầu tôi hãnh diện lắm, nhưng sau này mới nhận ra rằng càng quen càng bị các thầy các cô rèn cho đau, bị để ý còn kỹ hơn các bạn khác, nhiều khi ức mà không thể nói gì!

Tôi từng chống đối, muốn trốn, muốn bỏ học vì nó khác xa với những gì mình tưởng tượng. Nhưng nghĩ nếu bỏ học, thì chẳng biết làm gì nên tôi cứ tiếp tục học".

Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!-2"Tôi từng chống đối, muốn trốn, muốn bỏ học vì nó khác xa với những gì mình tưởng tượng".

"Tôi từng nhìn thấy Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người"

Sau 2 năm đầu, những bỡ ngỡ cũng dần qua đi, Hoàng Du Ka bắt đầu có những người bạn rất đặc biệt trong trường. Một trong số những người bạn học để lại ấn tượng cho anh chính là diễn viên Minh Cúc (vai Xinh trong Về nhà đi con):

"Sang năm học thứ 2, chúng tôi có 3 tuần học quân sự. Tuần đầu tiên, tôi đòi bỏ về bằng được vì lần đầu tiên chúng tôi phải ngủ sớm, dậy sớm và sinh hoạt, rèn luyện theo tác phong quân đội. Chúng tôi làm đủ trò để chống đối như lấy bánh mỳ kê làm gối để ăn vặt, tự nấu mỳ ăn trong phòng… Nhưng bao nhiêu lần chống đối, bày trò là bấy nhiêu lần bị phạt.

Tuần thứ 2, chúng tôi dần làm quen với kỷ luật của khóa học nên mọi việc suôn sẻ hơn. Học khoá học tháo súng, tôi có thành tích tháo nhanh nhất trung đoàn, nhưng lại không thể lắp lại được.

Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!-3"Bao nhiêu lần chống đối, bày trò là bấy nhiêu lần bị phạt".

Sang tuần thứ 3, tôi được chứng kiến một kỷ niệm có thể gọi là đáng sợ, bàng hoàng về người bạn học khóa trên: chị Minh Cúc. Ngày ấy, trong trường mọi người gọi chị ấy là Cúc Đại Đóa. Và lần đầu tiên mà tôi gặp chị ấy, khung cảnh diễn ra rất đặc biệt".

Theo lời Hoàng Du Ka, diễn viên Minh Cúc được xem như "chị đại" khi còn học trong trường. Với hình thể cao lớn, tính khí nóng nảy, sẵn sàng "đụng chân tay" nếu gặp chuyện bất bình, Minh Cúc khiến nhiều bạn học trong trường phải kiêng nể:

"Chiều hôm đó, cả khu quân sự đang vui vẻ cười nói, hào hứng chờ tới giờ ăn tối thì cả trung đội nghe tiếng hét thất thanh. Mọi người nhìn nhau hốt hoảng và lần theo âm thanh đó xem có chuyện gì xảy ra.

Chưa kịp định thần thì chúng tôi thấy một cảnh tượng không biết nên gọi là bi kịch hay hài kịch: Gã đàn ông nhỏ thó, dáng người lam lũ, mặc áo thợ xây đang ôm đầu chạy chối chết, vừa chạy vừa kêu cứu.

Đằng sau gã, người con gái cao tầm 1m75, rất đô con đang đuổi theo, tay lăm lăm cái xẻng sẵn sàng "hạ thủ". Gương mặt cô gái ấy đỏ bừng đầy giận giữ, miệng thì liên tục chửi bới, dọa "đập chết" kẻ đang chạy trước mặt.

Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!-4Diễn viên Minh Cúc.

Rất may mắn là các thầy quản lý kịp lao tới can ngăn. Phải cần tới 4 người đàn ông cao to mới ghìm lại được người phụ nữ kia. Sau khi được các thầy và mọi người can ngăn, Minh Cúc vứt cái xẻng xuống đất, nhìn gã thợ xây một cách đầy đe dọa: Lần sau nhìn thấy tao thì trốn ngay đi, không thì đừng trách!"

Nói rồi chị ta hùng hổ bỏ về, để lại đằng sau gã thợ xây tội nghiệp vẫn đang run rẩy và cả lũ chúng tôi mặt mũi ngơ ngác vì chưa kịp hoàn hồn. Hóa ra, mấy gã thợ xây đang làm gần chỗ chúng tôi học "giở chứng", lẻn vào nhìn trộm các sinh viên nữ tắm. Vô phúc cho mấy gã, hôm đó lại chạm mặt Minh Cúc và bị chị ấy đuổi đánh.

Tôi nhìn thấy diễn viên Minh Cúc cầm xẻng đuổi đánh người, gã đàn ông run lẩy bẩy!-5"Từ đó, ba từ "Cúc Đại Đóa" luôn khiến tôi vừa ấn tượng vừa có chút kiêng nể".

Khi không khí bình yên trở lại với cả trung đội, tôi nghe các bạn kháo nhau: "Cúc Đại Đóa đấy, học trên mình một khóa nhưng năm ngoái bỏ ngang kỳ học quân sự, năm nay phải học bù. Nhìn thấy bà ý nhớ phải chào không là ăn vả".

Từ đó, ba từ "Cúc Đại Đóa" luôn khiến tôi vừa ấn tượng vừa có chút kiêng nể. Kỷ niệm đó theo tôi mãi cho tới sau này, khi chúng tôi cùng trở thành đồng nghiệp ở Nhà hát Tuổi trẻ. Bây giờ, tôi không còn sợ Cúc Đại Đóa như hồi sinh viên nữa, cũng chưa từng thấy chị ấy đánh người thêm lần nào".

Theo Tổ Quốc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://toquoc.vn/toi-nhin-thay-dien-vien-minh-cuc-cam-xeng-duoi-danh-nguoi-ga-dan-ong-run-lay-bay-82020667554592.htm

Hoàng Du Ka

Diễn viên Minh Cúc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.