Có lẽ bởi thế mà người ta thường thấy trong ngôn ngữ thiết kế nội và ngoại thất theo kiểu Nhật những “mảng miếng” cơ bản trong hình học như: vuông, tròn, chữ nhật… Dù ở hình khối nào những món đồ trang trí nội thất trông rất cô đọng, đơn giản và ít có biến thể. Màu sắc cũng thường chỉ thiên về những gam trầm và tĩnh.
Đề cao tính triết lý
Mặc dù chỉ sử dụng những đường nét thiết kế đơn giản song trang trí nội ngoại thất theo kiểu Nhật lại ẩn chứa những thiết lý sâu sắc. Nó luôn theo những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh quan của người Á Đông.
Chẳng hạn, một khu vườn kiểu Nhật không rực rỡ, tươi tắn và lãng mạn theo kiểu châu Âu mà nó mang dáng vẻ trầm tư, tĩnh lặng. Ở đó ta sẽ tìm thấy sự thư giãn, khoan thai và lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Vườn kiểu Nhật không có nhiều cây cối mà đề cao sự xuất hiện của đá. Đá có ý nghĩa quan trọng trong vườn Nhật. Người Nhật tự tu dưỡng tinh thần bằng cách ngồi xem đá “mọc”. Những tảng đá là biểu tượng cho sự vĩnh cửu, trường tồn.
Tuy nhiên, sắp đặt đá như thế nào phải theo một nguyên tắc nhất định và phù hợp với triết lý sống của gia chủ. Ví như để thể hiện ý chí vững vàng phải chọn hòn đá cao mọc thẳng. Một hòn đá lớn ở giữa vườn là thể hiện sự độc tôn, tự hào, duy nhất…
Thiết kế nội thất cũng vậy. Người Nhật giản lược hết những chi tiết trang trí cầu kỳ mà chỉ tập trung vào hình khối của đồ vật. Không quan tâm đến đường nét bên ngoài, các nhà thiết kế tập trung vào cái “thần” bên trong. Xã hội hiện đại đầy những sôi động, ồn ào, đặc biệt là ở Nhật, thì điều này càng được khắc họa rõ.
Chính vì thế, khi quay trở về nhà, người Nhật luôn mong được tận hưởng cảm giác yên bình trong một không gian tĩnh lặng, thư thái với những đường nét giản dị, nguyên sơ nhất quanh mình.
Hợp với những căn hộ nhỏ
Điều này thấy rõ ngay trong thiết kế nhà mang đặc trưng của phong cách Nhật. Thay vì sử dụng những cánh cửa mở với bản lề thì thay vào đó là những chiếc cửa kéo ngang có ray trượt. Như vậy, người ta đã tiết kiệm được một cách đáng kể không gian sử dụng, mang lại sự gọn gàng, ngăn nắp cho ngôi nhà. Kiểu cửa này hiện đang được áp dụng ở những căn hộ hiện đại. Nó hợp với các chất liệu cửa khác như: gỗ, nhựa, sắt…
Một ví dụ khác là bàn trà kiểu Nhật. Không giống như những bộ sofa cồng kềnh chiếm nhiều diện tích. Chỉ với một chiếc bàn thấp và vài ba chiếc đệm ngồi là gia chủ có thể tiếp khách ở bất cứ đâu trong nhà. Sự linh hoạt này giúp bạn biến đổi không gian của căn phòng nhanh chóng cho phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Không chỉ thuận tiện trong sử dụng, bàn trà kiểu Nhật còn mang lại sự thân mật, gần gũi giữa khách và gia chủ.
Sự đơn giản hóa còn xuất hiện trong phòng ngủ. Không giống những chiếc giường trang trí hoặc bọc đệm cầu kỳ kiểu châu Âu, giường ngủ kiểu Nhật được giản lược tối đa. Đôi khi chỉ với tấm đệm trải dưới sàn là thành giường ngủ.
Theo Kiều Trang