30 phút run rẩy trong phòng thi và bước ngoặt của sự bình tĩnh

Sáng nay 25/6, các cán bộ giáo viên đã tiến hành bốc thăm làm nhiệm vụ coi thi, thanh tra tại các phòng thi.

Sáng nay 25/6, các cán bộ giáo viên đã tiến hành bốc thăm làm nhiệm vụ coi thi, thanh tra tại các phòng thi.

 

Mỗi mùa thi đại học, chứng kiến sự căng thẳng, âu lo choán kín tâm thức thí sinh và phụ huynh, tôi lại nhớ đến những giây phút quyết định sự đỗ trượt của mình trong phòng thi năm nào.

Thời điểm cách đây đúng chục năm, các môn thi đại học đã chuyển hướng sang trắc nghiệm, chỉ Toán và Ngữ văn còn là bài tự luận.

Học lớp hướng theo ban A ở một trường top 3 của thành phố Vinh (Nghệ An), tôi biết sức mình và cũng không quá tự tin.

Năm ấy, với tôi Trường ĐH Kinh tế quốc dân là ước mơ nhưng quá xa xỉ. Tôi chỉ mong thi đỗ vào Học viện Tài chính, nhưng khả năng tính ra chỉ 50/50.

Để đảm bảo chắc ăn, tôi chỉ dám hướng sự lựa chọn về 2 trường thường có mức điểm chuẩn thấp hơn là Trường ĐH Thương mại và Trường ĐH Giao thông vận tải. Bởi hồi đó, nếu không đỗ được trường đại học mà mình đăng ký, chúng tôi sẽ phải theo học trường cao đẳng hoặc chấp nhận năm sau thi lại chứ không có chuyện trượt nguyện vọng 1 thì vẫn có thể vào đại học ở nguyện vọng thấp hơn như bây giờ.

Cả 2 trường trên đều thi vào bằng khối A, tuy nhiên, tỷ lệ chọi là không thể đoán định. Với 2 sự lựa chọn này, cả bố và tôi đều không biết liệu bản thân tôi sẽ thích hợp trường nào, ngành nghề nào hơn. Áp lực đè nặng đến nỗi bố con tôi quyết định phải trông nhờ vào niềm tin tâm linh. Khi đó, tôi nhận ra bố còn căng thẳng hơn cả tôi.

Hôm đó, tôi nhớ bố tôi đã làm 2 lá thăm, vo kín rồi đặt trước bàn thờ tổ tiên trong nhà. Hai bố con cùng khấn xin sự chỉ dẫn và rồi bốc chọn. Sau 2 lần bốc, Trường ĐH Thương mại đều xuất hiện, bố con tôi vững tin hơn và quyết định đặt bút đăng ký vào trường này.

Tôi không phải là một học sinh giỏi Toán so với bạn bè trong lớp. Những lần thi thử đại học trước đó, tôi chỉ thường đạt được số điểm từ 5,5 đến 6,5. Theo “kinh nghiệm” được các anh chị khóa trên truyền lại, điểm thi thật sẽ cộng thêm khoảng 0,5 đến 1 điểm. Lý do đơn giản là đề thi thử luôn khó hơn một chút so với đề thi thật để “trừ hao” và học sinh bớt chủ quan. Chính vì vậy, tôi cũng đặt mục tiêu là số điểm môn Toán ít nhất bằng số điểm thi thử.

30 phút run rẩy trong phòng thi và bước ngoặt của sự bình tĩnh-1

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Rồi ngày thi đến.

Tôi nhớ nhất đến giờ là những giây phút mặt nóng ran nhưng lòng bàn tay lạnh toát đi vì lo sợ và hồi hộp trong giờ thi môn Toán. Đây là môn thi đầu tiên, cũng là "chướng ngại vật" lớn nhất tôi phải vượt qua.

Tôi tuân thủ đúng theo lời khuyên của các thầy cô và quy trình chung: câu dễ làm trước, khó làm sau, làm được câu nào chắc chắn câu đó. Đặc biệt, câu đồ thị hàm số cố gắng làm đúng, không để mất điểm.

Tuy vậy, làm hết số những câu mà bản thân nhìn vào cảm quan là dễ, tôi nhẩm tính mới chỉ được hơn 4 điểm. Nháp thử một câu nhìn vào tưởng dễ nhất trong số khó, không ra hướng giải, tôi bắt đầu hoang mang. Chưa đặt bút thử thêm các câu khác thì tôi đã mất tập trung...

Thời gian trong phòng thi như trôi nhanh hơn và chẳng chờ đợi tôi. Lúc đó, tôi có cảm giác cứ cúi mặt xuống rồi ngửa mặt lên một chút, 5 phút đã lại trôi qua. Tim tôi đập lúc một nhanh, mặt nóng ran, còn đôi tay thật sự run lẩy bẩy.

Khi các thí sinh xung quanh cúi đầu làm bài, người tôi như run lên với suy nghĩ “Trời ơi, chẳng lẽ vậy là mình sẽ trượt đại học”. Ngay lúc đó, tôi bất chợt nghĩ tới bố mẹ và tổ tiên rồi cảm thấy có lỗi.

Tôi mếu máo trong suy nghĩ yếu đuối “Bố mẹ ơi, con trượt đại học rồi”.

Trong khoảng khắc đó, với những suy nghĩ tiêu cực, có những lúc tôi muốn viết những phép toán ra giấy nháp nhưng không nổi chỉ vì đôi tay run rẩy.

Tôi đã tự đánh mất đi 30 phút làm bài chỉ vì mất bình tĩnh với những suy nghĩ quá xa và tự tạo áp lực cho mình.

Nhưng rồi tôi tự trấn an lại với suy nghĩ “Không lẽ ngồi lo và tiếp tục run rẩy đến hết giờ? Phải bình tình lại!”. Tôi hít thở sâu và tập trung lại vào đề thi với một câu hỏi diện "hơi khó".

Khi đặt bút với suy nghĩ “thôi thì làm đến đâu hay đến đó” thay vì “bài này không thể làm được”, tôi cứ từng bước từng bước, càng làm càng tìm ra hướng đi. Và rồi không ngờ, tôi đã giải hẳn thêm được một bài.

Càng làm được càng có tinh thần, tôi tiếp tục bắt tay vào câu hỏi khác với sự quyết tâm. Tôi tận dụng mọi cơ hội để kiếm thêm điểm và không bỏ cuộc cho đến phút chót. Tôi ra về với cảm giác đã cố gắng hết sức và hài lòng với nỗ lực của mình.

30 phút run rẩy trong phòng thi và bước ngoặt của sự bình tĩnh-2

Thí sinh Hải Dương giữ tâm trạng vui vẻ trước giờ thi môn Ngữ văn sáng 25/6. Ảnh: Thanh Hùng

Bài học về tinh thần, sự bình tĩnh và không bỏ cuộc của môn đầu tiên khiến tôi vững tin hơn và thực hiện đúng như vậy ở những bài thi các môn sau là Vật lý và Hóa học. 

Kết quả năm đó, môn Toán tôi được 6,25 điểm. Cộng với Vật lý 9,8 điểm, Hóa học 6 điểm, tôi có tổng điểm trên 22 và trúng tuyển vào Trường ĐH Thương mại.

Ranh giới của sự đỗ - trượt đôi khi nằm ở tâm lý và tâm thế của người thi. Tâm lý yếu hoặc bỏ cuộc sớm có thể khiến chúng ta phải sang một hướng khác.

Chúc các sĩ tử có được tâm lý sẵn sàng và thi tốt ở mùa thi năm 2019.

 

 

Theo VietNamnet


thi THPT Quốc gia 2019

kỳ thi THPT quốc gia 2019

thi đại học

thí sinh

kỳ thi đại học

sĩ tử

kỳ thi THPT Quốc gia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.