Bi kịch thần đồng Trung Quốc vào đại học năm 12 tuổi, tuột dốc sau 2 năm

Từng là niềm tự hào của cả Trung Quốc nhưng Tôn Thiên Chương (SN 1994) lại khiến nhiều người thất vọng vì nghiện game đến đánh mất chính mình.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo viên, từ nhỏ Tôn Thiên Chương (SN 1994) có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục văn minh. Được tạo mọi điều kiện để học tập, cậu bé này nhanh chóng bộc lộ khả năng đặc biệt của bản thân.

Niềm tự hào của cả Trung Quốc

Năm lên 3 tuổi, Tôn Thiên Chương khiến nhiều người kinh ngạc khi thuộc lòng 2.000 từ tiếng Trung. Từ đó cậu bé được mệnh danh thần đồng.

Thay vì đi học lớp 1 như các bạn đồng trang lứa, Thiên Chương được bố mẹ cho tự học ở nhà. Mãi đến năm 11 tuổi, cậu bé mới đến trường học. Thế nhưng, những kiến thức bậc tiểu học và trung học cơ sở quá dễ, Chương quyết định tham gia cuộc thi đánh giá năng lực để biết bản thân phù hợp với lớp mấy.

Sau bài kiểm tra, Chương được tuyển thẳng vào lớp 11. Và chỉ một năm sau, khi mới 12 tuổi, cậu bé thi đại học và đạt gần 600 điểm.

Khi ấy, Chương trở thành hiện tượng được báo chí, truyền thông đất nước tỷ dân săn đón, thậm chí nhiều trường đại học còn đến tận nhà để tuyển sinh. Dù vậy, ở tuổi 12 Chương chưa vội vã bước vào giảng đường đại học.

Bi kịch thần đồng Trung Quốc vào đại học năm 12 tuổi, tuột dốc sau 2 năm-1

Thiên Chương chụp ảnh cùng bố mẹ. (Ảnh: Sohu)

Cậu bé từ chối mọi lời mời và cho biết sẽ thi lại vào năm sau, khi đã chuẩn bị kỹ hơn cả về kiến thức và tâm lý. Đúng như mong đợi, Chương một lần nữa thi đỗ đại học với điểm 659 và tiếp tục trở thành tâm điểm của công chúng. Nhiều trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh ngỏ lời chiêu mộ nhưng cậu bé vẫn từ chối.

Cậu bé 13 tuổi đã chọn Đại học Khoa học - Công nghệ Trung Quốc và tham gia lớp thiếu niên tài năng. Suốt những năm niên thiếu, Chương trở thành hình mẫu của nhiều gia đình, là niềm tự hào của cả Trung Quốc.

Không phải thần đồng duy nhất

Nhiều người cho rằng khi trở thành sinh viên, Chương sẽ phát huy tài năng nhưng bất ngờ lại rơi vào trạng thái áp lực chưa từng có trước đó.

Sau khi nhập học, Chương mới ngỡ ngàng nhận ra bản thân không phải là thần đồng duy nhất. Trong lớp có rất nhiều người tài năng thậm chí giỏi hơn. Do trước đó luôn đứng nhất và được mọi người khen ngợi, lần đầu tiên trong đời Chương thấy kém cỏi.

Việc cạnh tranh giữa những người giỏi khiến Chương mất đi cảm giác tự tin. Điểm số vì vậy cũng ngày càng giảm sút kéo theo thứ hạng không còn cao như trước.

Áp lực học tập cộng thêm cuộc sống xa nhà không ai định hướng, Chương bắt đầu chểnh mảng, tìm đến những trò vui để giải toả sự bí bách.

Bi kịch thần đồng Trung Quốc vào đại học năm 12 tuổi, tuột dốc sau 2 năm-2

 Thiên Chương nghiện game khi trở thành sinh viên. (Ảnh: Sohu)

Có giai đoạn, Chương bỏ bê học tập và chìm đắm trong cơn nghiện trò chơi điện tử. Cậu sinh viên tự nhốt mình trong thế giới riêng, bỏ mặc những lời khuyên của bạn bè thầy cô.

Suốt những năm đại học, Chương tự đánh mất hào quang của chính mình. Nhiều người quên mất đây từng là thần đồng mà bao người ngưỡng mộ.

Sau khi chật vật tốt nghiệp đại học, Chương không đủ điều kiện để học lên cao. Điều này bị coi là thật bại của một thần đồng, khiến nhiều người thất vọng.

Dần trở nên mờ nhạt trong mắt mọi người xung quanh, chương chọn lối sống giản dị, không tranh đua thành tích. Sau thời gian dài nhìn nhận và tự thay đổi, Chương nhận ra con đường phù hợp nhất vẫn là học tập và nghiên cứu.

Năm 2015, ở tuổi 21, Chương thi lại và đạt đủ điều kiện học lên thạc sĩ. Hiện, anh làm giảng viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Dù không còn nổi tiếng nhưng chàng trai thấy hài lòng và bình yên với cuộc sống hiện tại.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bi-kich-than-dong-trung-quoc-vao-dai-hoc-nam-12-tuoi-tuot-doc-sau-2-nam-ar891184.html

Thần đồng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.