Cậu bé "siêu kỷ lục" Đường lên đỉnh Olympia

Thí sinh có điểm số kỷ lục 460 sau 19 năm; điểm về đích cao nhất năm thứ 19 - 180 điểm (tính đến hết trận 39) của Đường lên đỉnh Olympia.

Thí sinh có điểm số kỷ lục 460 sau 19 năm; điểm về đích cao nhất năm thứ 19 - 180 điểm (tính đến hết trận 39); đạt 160/160 điểm phần thi Tăng tốc trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Những ngày qua, người dân ở Cần Thơ vẫn còn ngất ngây trước thông tin cậu học trò Nguyễn Bá Vinh ( học sinh lớp 11 chuyên địa, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng) giành suất thứ ba vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2019.

Cậu bé có trí nhớ tốt

Gặp Vinh tại nhà, cảm nhận đầu tiên về em là một cậu học trò hiền, dí dỏm, nói nhanh và lễ phép. Nhắc lại cảm giác hôm giành được vòng nguyệt quế cuộc thi quý III-2019, Vinh thừa nhận “nói chung là vui nhưng sau đó cũng bình thường. Tại vì thi thì em cũng đã thi rồi, giữ mãi cảm xúc đó cũng không để làm gì”.

Vinh là con một trong nhà. Cha mẹ em trước có nghề may, sau đó chuyên bán phụ liệu may mặc nhưng theo thời gian, các bạn hàng cũng giảm dần nên mới đây chuyển qua bán tạp hóa. Hằng ngày ngoài thời gian học, khi rảnh Vinh còn phụ cha mẹ bán hàng và làm những việc vặt trong nhà.

Anh Nguyễn Ngọc Danh, cha Vinh, kể từ nhỏ Vinh đã tỏ ra là cậu bé có trí nhớ tốt, khi mới 3-4 tuổi em đã nhớ được tên các quốc gia và biểu tượng lá cờ của các nước trên bản đồ thế giới. Lớn hơn chút nữa, cha chỉ chở Vinh đi chơi một lần từ Cần Thơ lên quận Thốt Nốt mà Vinh nhớ hết tên các cây cầu và chiều dài, tải trọng của từng cầu.

Vinh cho biết chính cha là người đã động viên em tham gia thi Olympia. Vinh bắt đầu xem thi Olympia từ năm 2012-2013 nhưng không thường xuyên. Sau đó, từ năm 2014-2015 thì Vinh xem thường xuyên hơn. “Hồi đó, những giấc trưa dù có buồn ngủ cỡ nào tôi cũng ráng thức để cùng con xem các cuộc thi Olympia. Giống như xem đá banh, phải có từ hai người trở lên mới xôm thì xem thi này tôi cũng ngồi với con để cùng bàn luận sôi nổi cho cháu có tinh thần” - anh Danh chia sẻ.

Tuy là học sinh chuyên địa nhưng Vinh tự tin học tốt cả hai lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Vinh bảo chỉ tốt thôi chứ chưa xuất sắc, trừ môn chuyên là xuất sắc. Hồi học cấp II, Vinh học tốt ba môn khối A. Nhưng “ba môn đó em không chọn môn nào vì em không chắc đậu (vào trường chuyên). Thứ hai, môn toán em không thấy hứng thú và dù có đậu được thì chắc gì học được. Vậy thôi. Với lại môn địa là môn em khá mạnh” - Vinh nói về sự lựa chọn của mình.

Cậu bé siêu kỷ lục Đường lên đỉnh Olympia-1                                      Nguyễn Bá Vinh bên góc học tập nhỏ của mình ở nhà. Ảnh: NN

Em không phải thần đồng, cách học rất bình thường

Cô Cao Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho biết Vinh đặc biệt vì từ năm lớp 10 em đã mong ước được đi thi Đường lên đỉnh Olympia. Nỗ lực của Vinh, cả ban giám hiệu ai cũng nhìn thấy. Khi em ấy đi thi, trường phân công giáo viên tìm thêm tài liệu giúp Vinh khi em cần.

Còn thầy Nguyễn Hoài Thanh, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, người trực tiếp hướng dẫn và đưa Vinh đi thi, cho biết cuộc thi quý căng thẳng vì mục tiêu thầy trò đặt ra là mang được cầu truyền hình về Cần Thơ sau 14 năm vắng bóng. Hai thầy trò tự tạo áp lực cho nhau, lúc thi không có giải lao nên chỉ động viên nhau bằng ánh mắt, cử chỉ. Lúc cuối cùng công bố thì cảm xúc rất nhiều, vì dẫn học sinh đi thi nhiều mà nay mới lấy được cầu truyền hình mang về.

Hỏi Vinh chuẩn bị gì cho vòng chung kết sắp tới, Vinh cười bảo: “Em ôn tập, trau dồi thêm với thầy cô chứ em cũng không biết làm gì. Thi thoảng có cảm hứng thì vào Google tìm hiểu thông tin”. Hỏi Vinh: “Ngoài thời gian đó thì em làm gì?”. “Em chơi game để giải trí. Game gì em cũng chơi, như game thể thao (đá banh, tennis) hoặc trò bắn súng” - Vinh nói.
 

Sau 14 năm, cầu truyền hình lại về Cần Thơ

Năm 2005, lần đầu tiên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng có học sinh vào chung kết. Sau đó, rất nhiều lần thi tới vòng thi quý thì bị gãy nên việc mang cầu truyền hình về Cần Thơ năm nay là một niềm vui lớn.

Học sinh trong trường và cả cựu học sinh, các bạn rất hào hứng, phấn khởi. Bá Vinh đã đem về niềm vui chung, niềm hạnh phúc chung của tập thể nhà trường nói riêng và của TP nói chung. Mấy ngày nay, mình đi đâu cũng được hỏi thăm về thành tích của Vinh.

Bà CAO THỊ NGỌC HÀ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng

Em chỉ áp lực vòng thi quý vì mang tâm lý phải mang cầu truyền hình về Cần Thơ. Qua vòng thi quý rồi thì em không còn áp lực nữa. Vòng thi sắp tới em sẽ "xõa" thôi, có nhiêu làm nhiêu. Nếu được đi Úc thì em sẽ đi, nếu không thì cũng không sao vì em không đặt nặng vấn đề đó. Mục tiêu vẫn là chơi hết mình à.

NGUYỄN BÁ VINH

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 


nhà leo núi

Đường lên đỉnh Olympia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.