Toàn bộ cuộc trò chuyện của GS Hồ Ngọc Đại:
Nhà báo Hà Sơn: Thưa GS Hồ Ngọc Đại, mọi người đã biết đến GS với sự cống hiến và tình yêu cho lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên một vị GS trong đời sống như thế nào vẫn khiến nhiều người tò mò. Nhớ lại ký ức tuổi thơ, điều gì khiến ông nhớ nhất?
GS Hồ Ngọc Đại: Tôi may mắn con nhà giàu, tri thức và có truyền thống lâu đời. Vì thế tuổi trẻ của tôi khác với những người trong làng, sống đầy đủ hơn về vật chất lẫn tinh thần nên cũng tương đối yên lành. Trong nhà có nhiều người giúp việc nên cuộc sống của tôi cảm giác không cô độc. Tôi có một tuổi thơ hạnh phúc, đó là một niềm vui sâu sắc.
Tôi được cái chơi với nhiều bạn bè nhà nghèo. Hồi nhỏ tôi ham học lắm đến khi tôi biết chữ mẹ cũng ngỡ ngàng vì ngày xưa học chữ vô cùng phức tạp. Không hiểu sao nhưng cả đời tôi rất ham học, chơi cũng rất thích nhưng vẫn ham học.
Sau này khi lớn lên gặp lại những người ngày xưa ở trong nhà tôi hỏi khi con bé tôi có tính cách gì đặc biệt, mọi người đều bảo đó là nhìn thấy chữ là tôi nhặt lên đọc xong mới vứt đi, ví dụ đi giữa đường thấy tờ giấy rơi cũng phải nhặt lên đọc xong mới vứt. Thủa nhỏ tôi thấy mình học bình thường nhưng người ta khen học giỏi nhưng những việc như thế tôi không coi trọng lắm.
GS nói từ nhỏ đã thích các con chữ và ham học. Vậy hồi nhỏ ông học môn nào tốt nhất?
- Môn nào tôi cũng học được và học nhẹ nhàng lắm. Nói chung khi đi học, tôi chỉ coi học là học, cũng có hành nhưng đó là niềm vui chứ chưa bao giờ thấy khổ vì việc học. Học là một cảm giác tự nhiên, mình thấy ưng ý, có ích. Tất cả những đợt thi tôi đều đỗ hết và không vất vả vì chuyện đó.
Ông đã bao giờ bị bố đánh đòn chưa?
- Có một lần bố đánh do tôi nghỉ học. Ông hỏi: Nghỉ học có lỗi không?, tôi thẳng thắn trả lời: "Không vì học cả năm mà giỗ chỉ có một ngày". Sở dĩ tôi nói thế vì hôm đó nhà tôi có giỗ. Vậy là bố tôi cũng phải... chịu! Tôi làm cái gì cũng không giấu, ví dụ bố hỏi: "Cái này ai làm?", nếu tôi làm sai sẽ nhận ngay.
- Là người ham học và có nhiều năm làm công tác giảng dạy. Ông có thể kể về những kỷ niệm với các học trò của mình?
- Thời đi dạy, tôi có những lớp đặc biệt. Ví dụ lớp 10 đầu tiên học với tôi bao năm nhưng đến nay vẫn còn thân tình. Đó là lớp 10E ở trường Ngô Quyền. Khi đi dạy học, tôi thực sự vì học sinh, mang lại những gì có ích cho họ và thật bụng. Học sinh đối với tôi cũng rất thân tình. Cách đây vài năm, lớp 10E mời tôi về dự họp lớp đến nơi thấy rất đông trẻ con nên ngạc nhiên hỏi: Sao lại đông trẻ con thế này? và các học trò của tôi bảo: "Chúng em kể chuyện về thầy nhưng các cháu không tin, hôm nay chúng em cho đến gặp thầy".
Khi đi dạy học, tôi thực bụng giúp đỡ học sinh hết mình vì nghĩ nay mai có thể các em còn khá hơn mình. Có những cậu sau này nói rằng những lời khuyên của tôi rất có ích trong đời. Tôi thường đến từng nhà, hiểu hoàn cảnh từng em một và nghĩ mình giúp được trẻ con cái gì thì giúp chứ không nghĩ đến việc giáo dục hay cao xa gì. Lớp nào tôi cũng cư xử như thế và sau này dạy sinh viên tôi cũng làm vậy.
Khoá 1 khoa viết văn Nguyễn Du tôi đến nói chuyện bảo các bạn đều là các tác giả nên tôi nói các bạn chấp nhận đến đâu thì chấp nhận. Lớp đó sau này có những người cũng rất thân tình, những anh chủ chốt trong Hội nhà văn, lớp anh Hữu Thỉnh họ gọi tôi bằng thầy chứ chưa bao giờ tôi tự xưng bằng thầy. Anh Hữu Thỉnh từng nói một câu khiến tôi rất cảm động: "Khi nghe thầy nói em mới biết thế nào là giáo sư đại học, thế nào là học đại học".
- Bố của tôi cũng là thầy giáo nhiều năm, ông nói rằng thường những học sinh cá biệt khi dạy sẽ bướng bỉnh có thể không hài lòng vì thầy khó tính quá nhưng khi ra trường thường họ lại là những học trò nhớ về thầy giáo nhiều nhất. GS có những người học sinh đặc biệt nào?
- Khi dạy học tôi không nêu gương, không muốn ai phải học tập ai cả. Tôi thực bụng quý từng người một vì họ có năng lực riêng. Có một cậu lớp 9 học với thầy khác nhưng sang lớp 10 tôi dạy thấy học bạ phê rất nặng nề.
Cậu ấy bị cận nhưng chỉ có một mắt kính nên lúc học khi thì đưa mắt kính sang bên trái lúc lại bên phải các thầy khác phàn nàn nhưng tôi bảo không sao cả, kệ nó. Cậu học trò ấy không có sách bài tập nhưng kiểm tra bài làm được. Những ông thầy khác cần phải đầy đủ sách vở nhưng tôi thấy không cần.
Cậu này học rất giỏi, lần đầu tiên thi học sinh giỏi, tôi cử cậu ấy thi cả Toán lẫn Văn. Sau này tôi nghe em gái cậu ấy nói lại rằng: "Trong đời học của anh, thầy dạy Toán chỉ có 2 người: dạy phổ thông có ông Đại và dạy đại học có ông Hoàng Tụy".
Hay chuyện một cậu học sinh cũ học lớp 10 tôi dạy xong vào đại học rồi tình cờ gặp lại. Cậu ấy nói: "Thầy ơi, thầy cần gì không em giúp?". Tôi bảo cậu giúp được gì?, cậu ấy trả lời có thể là tiền. Năm 1978, tôi mới mở trường thực nghiệm nên nói với cậu học trò mình mới mở trường nên cần 1000 đồng để tổ chức Tết cho cán bộ giáo viên. Cậu học trò nghe thế liền bảo: "Em sẽ tặng thầy 1 triệu''. Lúc đó 1 triệu giá trị lắm. Tôi thấy bất ngờ liền hỏi: "Ăn cắp ở đâu ra được 1 triệu?''. Cậu ấy nói: "Thầy ơi, ăn cắp chỉ bạc chục thôi, chứ bạc trăm, bạc triệu không ăn cắp được". Tôi ngần ngại không muốn nhận nhưng sau đó bảo: "Ừ, thầy nhận" và cậu ấy mang một vali tiền mặt đến gặp tôi.
Lúc này tôi thấy cậu ấy thật lòng với mình nhưng bảo: "Đồng tiền này vào tay thầy mất hết, nhưng vào tay em sẽ sinh sôi nảy nở. Thầy lấy một đồng tượng trưng còn em mang về". Thấy tôi nói thế, cậu học trò bảo: "Vậy em vay thầy rồi'' và em sẽ làm giấy vay trả lãi 7%/tháng. Chắc cậu ấy nghĩ số tiền lãi ấy đủ nuôi tôi. Tôi bảo thôi được nếu em có tấm lòng vậy sẽ làm giấy vay. Cậu ấy gửi cho tôi 2 tờ giấy vay tôi cầm đưa một bản giao cho kế toán trưởng giữ, một bản gửi cho Cục kinh tế Bộ Công an giữ.
Hay có một cậu khi tôi sắp về hưu bảo đại diện cơ quan mang đến 1000 đô tặng thầy nghỉ hưu xem có cần tiêu gì không. Tôi cảm ơn và làm giấy biên nhận, cậu ấy càu nhàu: "Thầy ơi sao lại làm thế bao giờ?'', tôi mới bảo: "Nhỡ người ta tặng tôi 2000 đô mà cậu đưa tôi có 1000 thì sao?" nên cứ phải làm giấy biên nhận (cười lớn).
Nói chung về tiền nong luôn phải đàng hoàng, tôi không bao giờ nhận những đồng tiền dấm dúi. Sau này cũng thế, tiền lớn trên 10 triệu tôi luôn hỏi đã đóng thuế chưa bởi những việc như thế không là bao nhiêu nhưng nó là nguyên tắc xã hội, tôi hết sức tôn trọng. Tiền cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa của đồng tiền đấy đối với mình. Tôi không bao giờ bị ràng buộc bởi đồng tiền.
GS từng sang Nga học sau đó tham gia giảng dạy tại đây. Những năm tháng ở Nga ông có những kỷ niệm gì? Những bài học ông nhận được từ các GS, các thầy giáo Nga là gì?
- Nước Nga với tôi vô cùng đặc biệt, tôi rất biết ơn nước Nga. Thứ nhất tình cảm rất thật của người Nga đối với tôi. Những giáo sư thật, viện sĩ thật, những người cộng tác thật, học sinh thật, cha mẹ học sinh thật, họ đối với tôi hết sức tử tế, tin cậy.
Khi được Viện Hàn Lâm giáo dục Liên Xô cho phép làm thực nghiệm trên trẻ em, con của họ, trong đó có một ông viện sĩ có đứa con nhỏ gửi cho tôi. Ông nói: "Anh Đại này, nó chính là phản biện của anh đấy. Anh dạy gì nó là tôi biết hết". Phụ huynh biết tôi dạy con họ nên rất trân trọng và tạo mọi điều kiện. Họ không có vẻ nghi ngờ mặc dù tôi là người ngoại quốc.
Khi làm nghiên cứu theo đề tài của Liên Xô, tôi có 8 người giúp việc gồm: thư ký riêng, trợ lý riêng, thợ đánh máy riêng... tất cả ekip toàn người Nga. Ông trợ lý chạy việc là đại tá 49 tuổi về hưu công việc cơ bản hàng ngày là tôi viết tài liệu, ông ý phải đưa đến bà đánh máy, đánh máy xong mang về để tôi đưa cho cô giáo. Mỗi công việc của mình họ đều tận tâm. Tôi hiểu những người đó giúp mình thật nhưng cũng để theo dõi, báo cáo hàng ngày.
Người Nga dạy tôi nhiều điều. Một lần tôi giao việc cho cô giáo nhưng cô ấy không làm và bảo: "Anh là nhà khoa học nghĩ việc trên trời, tôi là cô giáo biết học trò của tôi". Tôi to tiếng với cô ấy, lúc đó một ông viện sĩ vào chứng kiến nên có gọi tôi ra nói: "Anh Đại ơi, về sau những việc không vui như vậy, tôi làm hộ anh".
Sau này tôi đứng lớp, ngày đầu tiên không sao, ngày thứ 2 ông viện sĩ già xuống dự. Ông ấy bảo tôi cho xem giáo án rồi dạy chừng 15' ông nói: "Anh Đại, tôi dạy thay anh được không?'. Tôi bảo: "Vâng!" Và quả thật khi ông ý dạy thay lớp học sinh động, vui vẻ, thoải mái hẳn. Lúc đó, tôi thấy ông ấy đúng là bậc thầy của mình. Nhưng sau khi kết thúc tiết học viện sĩ gặp tôi vỗ vai bảo: "Anh Đại, dẫu sao anh cũng có khiếu sư phạm đấy!". Những người thầy như thế cho tôi nhiều điều.
Hay chuyện tôi có một cô thư ký riêng tâm sự rất thích nổi tiếng nên không thể làm tiếp tục cho tôi. Hỏi lý do cô ấy bảo muốn đi học để đua ngựa. Tôi phải tìm cô khác thay thế. Cô mới này tâm sự thật rằng nếu tôi nhận cô sẽ được ở lại Matxcơva.
Tôi gặp ông viện trưởng hơn 80 tuổi đề cập việc thay thư ký, ông ấy hỏi tất cả mọi chuyện và câu cuối cùng hỏi tôi: "Đàn ông với nhau, tôi hỏi thật cô ấy có phải là người tình của anh không?", tôi trả lời: "Không!". Chỉ cần tôi nói vậy ông ấy đặt bút ký đồng ý cho cô ấy làm thư ký cho tôi ngay. Sau khi ký xong, ông viện trưởng nói: "Anh Đại này, anh làm thế nào thì làm nhưng thủ trưởng không nên bắt nhân tình với nhân viên của mình". Người Nga họ thật thế đấy.
GS năm nay đã 83 tuổi, với độ tuổi này nhiều người sẽ hạn chế làm việc và dành thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên ông vẫn rất tâm huyết, dành thời gian cho công việc hàng ngày. Có vẻ như với ông nếu như không làm việc sẽ rất buồn và cô đơn?
- Tôi vẫn làm việc là bởi cảm giác còn có ích cho trẻ con. Hiện nay tự tay tôi viết lại 2 bộ sách cho tiểu học, tiếng Việt và Toán 1-2-3-4-5. Hàng ngày tôi phải viết sách. Việc của tôi làm ra các sản phẩm còn việc dùng nó như thế nào là việc của Nhà nước chứ không phải của tôi.
Theo VietNamNet