Con ăn ở trường, bố mẹ lo ngay ngáy

Kết quả kiểm tra bếp ăn tại các trường học do Đoàn công tác liên ngành Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng nhà trường vi phạm quy định tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.

Kết quả kiểm tra bếp ăn tại các trường học do Đoàn công tác liên ngành Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng nhà trường vi phạm quy định tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Một số trường còn thiếu các điều kiện đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Bữa ăn bán trú trong nhà trường luôn là sự quan tâm của các bậc phụ huynh. 
Ảnh: TL
Bữa ăn bán trú trong nhà trường luôn là sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Ảnh: TL

“Nếu thấy có mùi lạ thì đừng ăn”

Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, tuy nhiên với nhiều phụ huynh ở Hà Nội, ngoài chuyện học tập của con, họ vẫn luôn canh cánh mối lo về chuyện ăn uống của con ở trường, nhất là những gia đình có con học bán trú ở trường mầm non, tiểu học. Phụ huynh hầu hết đều lo ngại nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, giá cả, liều lượng suất ăn… bởi bếp ăn bán trú liên quan đến sức khỏe của học sinh, nhưng cũng là mảnh đất “béo bở” khiến nhiều trường có thể vì vụ lợi mà cắt xén, dùng thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc...

Chia sẻ về mối lo chuyện ăn uống của con tại trường, chị Nguyễn Thị Hà (KTT Nam Đồng) có con học mầm non cho biết: “Con đi học mà tôi vẫn chưa thể yên tâm chuyện ăn uống của con, mặc dù hàng năm tiền ăn đều tăng, nhà trường cũng đều hứa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Thế nhưng, có nhiều hôm hỏi con về chuyện ăn uống, con kể ra món nọ, món kia rồi nói là thức ăn có mùi lạ, không giống như mẹ làm ở nhà... Cũng chỉ biết dặn con là nếu cảm thấy món ăn khác lạ là không được ăn, về nhà mẹ cho ăn bù sau”.

Chị Thanh Hương (quận Hoàng Mai) có con học tiểu học cho biết: “Cả tôi và chồng đều đi làm bận rộn cả ngày, không có thời gian nấu bữa trưa cho con nên phải đăng kí cho con ăn bán trú ở trường. Nhưng con ăn ở trường thì tôi sợ nhất là bị đau bụng, ăn phải thực phẩm không đảm bảo ATVSTP. Nhiều lần muốn qua thăm bếp ăn của con, nhưng vào giờ này phụ huynh không được vào trường. Thiết nghĩ, nhà trường có thể tăng tiền ăn nhưng phải đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho các cháu”.

Những băn khoăn, lo lắng của các phụ huynh không phải là không có cơ sở, bởi mỗi năm đều xảy ra những vụ việc liên quan tới bếp ăn nhà trường. Đơn cử, vừa qua đồng loạt 10 trường tiểu học cùng ký hợp đồng cung cấp bữa ăn bán trú với Công ty Nhật Phú Hào tại tỉnh Bình Dương đều bị kiểm tra đột xuất sau vụ phụ huynh của một trường phát hiện hơn 80kg thịt và cá đã bốc mùi, chảy nước được đưa vào chế biến thức ăn cho học sinh. Thời gian qua, một vài trường học ở Hà Nội cũng đã bị học sinh “tố” bớt xét khẩu phần ăn, cung cấp thực phẩm không đảm bảo nấu ăn cho học sinh ăn...

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc

Báo cáo tại Hội nghị chuyên đề ATVSTP và phòng chống dịch bệnh trong nhà trường do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Y tế vừa tổ chức cho thấy, Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước và có tỷ lệ học sinh ăn bán trú khá cao. Toàn thành phố có 1.410 trường có bếp ăn tập thể, cung cấp trung bình 1.410.000 suất ăn/ngày. Trong đó có 1.087 trường tự tổ chức nấu ăn, 323 trường liên kết ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu ăn ngoài…

Đối với công tác đảm bảo ATVSTP trường học, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Giáo dục, tiến hành kiểm tra 100% các trường. Kết quả, 100% trường học có bếp ăn bán trú được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điện kiện ATVSTP; 94,5% các bếp ăn đảm bảo nguyên tắc một chiều; 100% đủ nước sạch dùng trong chế biến thực phẩm. Tại tuyến thành phố cũng đã tổ chức kiểm tra 42 trường học, trong đó 37/42 trường đảm bảo gần 90% các tiêu chí về ATVSTP.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: 11,6% số trường có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đã hết hạn đang hoàn thiện thủ tục xin cấp lại; 11,7% các trường có nhân viên phục vụ chưa có phiếu khám sức khỏe; giấy tập huấn đã hết hạn. 10-12% các trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm rau, thịt các loại. Bên cạnh đó, 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y, thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Khu vực chế biến tại một số trường diện tích chật hẹp, chưa riêng biệt khu sơ chế và khu nhập nguyên liệu…

Mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt từ bếp ăn trường học, tuy nhiên theo TS Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, vấn đề ATVSTP là nội dung được chú trọng hàng đầu đối với công tác quản lý hoạt động trường học trên địa bàn. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, không thể chủ quan với việc quản lý các bếp ăn này. Bên cạnh đó, công tác quản lý cũng gặp một số khó khăn như: Ban giám hiệu một số nhà trường chưa thường xuyên kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nguồn cung cấp thực phẩm; đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình kiểm tra, giám sát mới chỉ dừng lại hình thức nhắc nhở...”.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ đầu năm học mới, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ về an toàn thực phẩm ở các trường học. Cùng với việc kiểm tra, Sở còn phối hợp với Chi cục ATVSTP thành phố tập huấn tuyên tuyền cho cán bộ y tế các trường về kỹ năng phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo bữa ăn của học sinh bán trú thật sự an toàn, hợp vệ sinh.

 Đầu tháng 9/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 170/KH-UBND triển khai công tác Y tế học đường năm 2015 - 2016 trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, yêu cầu kiện toàn Ban chỉ đạo Y tế học đường các cấp, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh, các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học. Đưa công tác y tế học đường vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.


Theo Gia đình & Xã hội



Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.