Đã nghỉ Tết sao còn phải làm bài tập

Nhiều thầy cô cho rằng không nên giao bài tập Tết quá nặng nề cho học sinh mà chỉ nên định hướng, gợi ý các em triển khai những hoạt động phù hợp.

Đã nghỉ Tết sao còn phải làm bài tập-1

Trẻ cần được nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động ý nghĩa trong ngày Tết. Ảnh: Hoàng Hà.

Mỗi dịp cận Tết, cô Trần Tú, giảng viên Luật tại TP.HCM, lại dành thời gian tìm thêm sách, tài liệu luật để gợi ý cho sinh viên đọc thêm trong dịp Tết. Năm nay cũng không ngoại lệ, cô giới thiệu vài đầu sách mới cho sinh viên, tất cả đều là sách luật, liên quan ngành học sinh viên đang theo đuổi.

Là giảng viên trẻ, cô Tú hiểu rõ tâm lý của sinh viên trong ngày Tết chỉ muốn chơi không muốn học. Hơn nữa, sinh viên của cô hầu hết học xa nhà nên cô muốn các em dành thời gian để ở bên gia đình hoặc nghỉ ngơi sau nhiều tháng học và “chạy deadline”.

“Tôi giới thiệu vài đầu sách cho sinh viên, các em đọc hay không hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, không bắt ép. Tôi cũng không bắt các em phải làm bài thu hoạch hay phải chứng minh là đã đọc sách. Ngày Tết tôi chỉ muốn các em được vui vẻ và có kỳ nghỉ Tết lành mạnh”, cô Tú nói với Zing.

Không nên để trẻ áp lực trong ngày Tết

Cô Trần Tú không phải giáo viên duy nhất tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghỉ ngơi trong dịp Tết. Thầy Chí Bình, giáo viên môn Tiếng Anh tại một trường THCS ở Hà Nội, cũng không giao bài tập Tết cho học sinh.

Năm nay, thầy Bình phụ trách 4 lớp gồm hai lớp 9, một lớp 8 và một lớp 6. Dù học sinh lớp 9 đang chuẩn bị cho kỳ thi lên lớp 10, thầy cũng không giao bài tập, bắt các em luyện thêm mà chỉ muốn các em được nghỉ Tết đúng nghĩa.


Đã nghỉ Tết sao còn phải làm bài tập-2
Thầy Bình không muốn tạo thêm áp lực cho học sinh nên không giao bài tập Tết. Ảnh: NVCC.

Lý giải nguyên nhân không giao bài tập Tết cho học sinh, thầy Bình nói rằng kỳ thi học kỳ 1 vừa kết thúc, học sinh đã ôn tập vất vả nên thầy không muốn tạo áp lực thêm cho học sinh. Dịp Tết Nguyên đán, nhiều em theo cha mẹ về quê hoặc du lịch, thầy không muốn bắt các em phải mang theo sách vở để làm bài trong những dịp như vậy.

Cô Thu Quỳnh, giáo viên dạy tiểu học, cũng không muốn học sinh phải áp lực làm bài tập ngày Tết. Năm nay là năm đầu tiên cô Thu Quỳnh chính thức đứng lớp. Cô cho biết bản thân chưa nhiều kinh nghiệm dạy học nên cô muốn lắng nghe và kết nối với học sinh nhiều hơn.

Cô Quỳnh lo lắng việc ra bài tập Tết cho các em sẽ khiến các em áp lực và sợ cô, từ đó tạo ra khoảng cách không đáng có giữa cô và trò. Đây cũng là lý do khiến cô giáo 22 tuổi quyết định không ra bài tập Tết cho học sinh.

“Với tôi, Tết là dịp nghỉ ngơi. Vì thế, tôi không ra bài tập cho học sinh, tránh để bài tập làm gánh nặng cho các em”, cô nói.

Việc cô Quỳnh không giao bài tập Tết cho học sinh được khá nhiều phụ huynh ủng hộ. Ngày Tết, phụ huynh muốn cho con về quê du lịch, thăm ông bà. Nếu các em phải mang theo sách vở, việc di chuyển sẽ bất tiện, gây ảnh hưởng đến tinh thần của các em và gia đình, lại phá hỏng niềm vui đón Tết.

Tương tự, cô Thu Hà, giáo viên dạy Toán tại một trường THCS ở TP Vinh, cũng hạn chế ra bài tập Tết cho học sinh. Hơn 20 năm đi dạy, cô Hà ít khi ra bài tập Tết vì không muốn trẻ bị áp lực bài vở. Thay vì phải vùi đầu vào bài tập, cô Hà khuyến khích trẻ dành thời gian vui chơi cùng gia đình.

“Tuy nhiên, nghỉ ngơi không phải là xả hơi”, cô Hà nói cô vẫn ra bài tập Tết cho học sinh nhưng khối lượng bài tập không nhiều, chỉ từ 3-5 bài ở mức độ cơ bản, dễ giải. Ngoài ra, những năm gần đây, cô Hà xem ngày, giờ tốt cho học sinh khai bút và ghi chú trong phiếu bài tập để trẻ áp dụng.


Đã nghỉ Tết sao còn phải làm bài tập-3
Ngày Tết, giáo viên chỉ nên cho trẻ khai bút nhẹ nhàng, không áp lực. Ảnh: WHYFRAME/Shutterstock.
Cho trẻ khai bút đúng cách

Quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, cô Hà cho biết cô chỉ ra những bài rất dễ để học sinh làm được, làm tốt và làm nhanh trong “khung giờ đẹp”. Điều này giúp các em tự tin, bớt áp lực học tập đầu năm, đồng thời có động lực học tập trong năm mới nhưng vẫn có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình.

“Khai bút là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Bản thân tôi là giáo viên nên tôi cũng khai bút hàng năm. Tôi cũng muốn học sinh gìn giữ nét đẹp văn hóa này”, cô Hà giải thích.

Cô Hà cho biết thêm cô thường dành thời gian trên lớp để chữa bài tập Tết cho học sinh. Tuy nhiên, cô không kiểm tra hay cộng điểm cho các em làm bài tập Tết để tránh khiến các em áp lực dẫn đến tình trạng làm bài theo kiểu đối phó.

Sau hơn 20 năm đi dạy, cô Hà rút ra “công thức” chung để ra bài tập Tết cho học sinh là số lượng ít, mức độ vừa phải, quan trọng là không đi kèm các hình thức gây áp lực cho các em như kiểm tra, chấm điểm, cộng điểm… Ngoài ra, giáo viên cũng nên cổ vũ các em làm bài bằng các hình thức gắn liền với sự may mắn như xem ngày, giờ tốt khai bút, phát bút may mắn.

Thầy Chí Bình cũng đồng quan điểm với cô Thu Hà. Theo thầy, nếu muốn ra bài tập Tết, giáo viên chỉ nên ra những dạng bài trắc nghiệm đơn giản để trẻ khai bút đầu năm. Phạm vi đề bài cần phù hợp với học sinh đại trà, không mang nặng tính nâng cao hay khiến trẻ phải mất nhiều thời gian giải đề.

Năm nay cô Quỳnh phụ trách dạy học sinh lớp 2. Theo cô, đây là độ tuổi “chơi nhiều hơn học”. Vì thế, cô muốn học sinh dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi cùng gia đình thay vì học hành. Cô cho rằng đây cũng là một dịp đặc biệt để các em học hỏi thêm về văn hóa cũng như truyền thống đón Tết của quê hương.

Trước dịp Tết Quý Mão, cô Thu Quỳnh dự định sẽ dặn dò học sinh hoàn thành hết bài tập còn tồn đọng trong vở bài tập. Ra Tết, cô sẽ dành một buổi nói chuyện với học sinh để tìm hiểu về truyền thống ăn Tết ở quê hương.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/da-nghi-tet-sao-con-phai-lam-bai-tap-post1391396.html?fbclid=IwAR2yqxG45nrO2RKGGk84YB3uaBDTLaSdRrFt_mMadKrNjbK8-Uw7ul4OoJ8

bài tập về nhà

nghỉ tết


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.