Đằng sau những bức ảnh chế “Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”

Những bức ảnh, câu nói quanh chuyện họp phụ huynh được nhiều bạn trẻ "chế" đăng tải trên mạng xã hội.

Những bức ảnh, câu nói quanh chuyện họp phụ huynh được nhiều bạn trẻ "chế" đăng tải trên mạng xã hội. Chúng có thể gây cười, tạo sự thích thú với mọi người nhưng cũng là tâm tư quanh chuyện họp phụ huynh.

Đầu năm họp vì tiền, giữa năm họp vì điểm

"Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình", "Mấy con số quan trọng gì so với một cái tết gia đình sum vầy, vui vẻ", "Cần người đi họp phụ huynh hộ"... Rất nhiều câu nói, hình ảnh quanh chủ đề họp phụ huynh được chia sẻ trên mạng xã hội trong những ngày qua thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nhất là ở thời điểm nhiều trường học trong cả nước tổ chức họp phụ huynh tổng kết học kỳ 1 của năm học.

Đằng sau những bức ảnh chế Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”-1
Đằng sau những bức ảnh chế Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”-2

Nhiều thông điệp liên quan đến vấn đề học phụ huynh được "chế" trên mạng xã hội

Có thể là những câu vui đùa, thậm chí là để gây cười, "câu like" nhưng ẩn đằng sau đó là tâm tư của không ít bạn trẻ đứng trước mùa họp phụ huynh có thể gọi là căng thẳng nhất với học sinh. Không phải là chuyện đóng góp tiền bạc, ủng hộ như những cuộc họp đầu năm mà họp phụ huynh thời điểm giữa năm học tập trung vào vấn đề học tập, điểm số của các em.

Nhiều phụ huynh gây áp lực với con trẻ qua điểm số, kết quả học tập. Phía bố mẹ đã làm căng, nếu gặp thêm giáo viên trọng thành tích, chuộng điểm số, làm mọi cách thúc ép học trò... thì "cuộc họp mặt" này với nhiều học sinh thật sự là nỗi sợ hãi. Có những học sinh không dám đối mặt, tìm cách né tránh, không thông báo cho bố mẹ là có thật...

Chị Nguyễn Phương Thúy, có con học tại một trường THCS ở quận 1, TPHCM cho biết, chị hiểu vì các con lại sợ họp phụ huynh, nhất là khi rơi vào gia đình quá chú tâm điểm số, vào trường điểm, lớp chọn, giáo viên thì "say" thành tích.

Như trường hợp ở lớp con chị, học kỳ học sinh nào thi được dưới 8 điểm thì cả học sinh lẫn phụ huynh đều bị nhắc nhở làm ảnh hưởng kết quả chung của lớp. Chị đã động viên con chị, không quá căng thẳng nhưng thực sự cả hai mẹ đều không hề dễ chịu.

Nếu buổi họp đầu năm nặng về chuyện đóng góp, tiền bạc thì cuộc họp phụ huynh học kỳ 1 nặng về điểm số. Đây là lúc giáo viên thông báo kết quả học tập một học kỳ của học sinh và qua đó, giáo viên lên kế hoạch cho học kỳ 2. Và cách "tạo động lực" quen thuộc nhất của nhiều giáo viên vẫn là cùng phụ huynh "thúc ép" học sinh.

Không chỉ những học sinh yếu, "cá biệt" mới "ngán" họp phụ huynh vì sẽ nghe giáo viên nhắc nhở, yêu cầu đủ điều để tiến bộ, để không làm ảnh hưởng đến thành thích của lớp, của giáo viên mà những em học khá, giỏi cũng sợ.

Có những em điểm các môn cao nhưng chỉ một hai môn dính điểm thấp là cũng khó được yên, nhất là điểm liên quan đến các môn thi.

Em Nguyễn Đức Việt, học sinh một trường THPT ở quận 3 bày tỏ: "Dường như người lớn không bao giờ bằng lòng về tụi con, điểm cao thì đòi cao hơn nữa, điểm cao môn này thì lại soi điểm môn khác. Mọi người không hiểu được cảm giác bị áp lực về điểm số đáng sợ đến thế nào".

Học sinh chịu đựng áp lực

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, nguyên giáo viên Trường THCS Đức Trí, TPHCM cho biết, cô từng gặp những trường hợp học sinh bị bố mẹ đánh, lột quần áo vì điểm thấp. Nhiều em sau khi biết điểm không dám về nhà, bỏ đi... việc điểm số gây ra nỗi sợ lớn rất trong học sinh.

Mới đây, nhóm học sinh Trường THPT Trưng Vương, TPHCM công bố đề tài nghiên cứu khoa học “Khi áp lực trở thành bạo lực tinh thần" với kết quả khảo sát với gần 1.900 học sinh bậc THPT.

Đằng sau những bức ảnh chế Đừng để họp phụ huynh ảnh hưởng hạnh phúc gia đình”-3

Phụ huynh làm việc nhóm đưa ra giải pháp hỗ trợ con trong một buổi họp phụ huynh

Theo khảo sát, số lượng học sinh phải đối diện với áp lực của cả 3 khối lớp THPT thì có đến gần 97,4%. Và trong tổng số học sinh nói trên, có 1.365 học sinh, chiếm tỷ lệ 73,31%, cho hay không chia sẻ áp lực của mình với bất kỳ ai.

Trong các yếu tố gây áp lực được chỉ ra như từ chương trình học, gia đình, giáo viên…, thì gia đình là yếu tố gây áp lực nhiều nhất. Áp lực đó thường đến từ việc phụ huynh thường xuyên đặt yêu cầu kết quả học tập cho học sinh (38,45%), học sinh áp lực khi bị so sánh (37,65%), áp lực khi chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng (17%)...

Đối với chương trình học, thi cử như hiện nay, việc để nói không với điểm số, áp lực học tập là chuyện gần như không thể. Chính giáo viên, phụ huynh cũng rơi trong vòng xoay đó, họ phải "gò" con trẻ để các em vượt qua những thách thức phía trước. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để tạo động lực học tập tích cực mà không phải gây áp lực làm con trẻ hoảng sợ.

Nhóm học sinh thực hiện đề tài trên còn chỉ ra, theo thống kê từ phiếu khảo sát, học sinh rất ít chia sẻ áp lực của mình với người khác, chỉ có 26,96%. Đây là một lời cảnh báo nhưng cũng là lời kêu cứu, vì việc học sinh sẽ có xu hướng chịu đựng những áp lực thì có thể đến một lúc nào đó các em bị mất kiểm soát, có những hành vi dại dột.


Theo Dân Trí


phụ huynh

học sinh

họp phụ huynh


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.