Dạy con "thành tài" như Phạm Nhật Vượng: Cho con bốc gạch để kiếm tiền, ăn cơm xong tự dọn

Chủ tịch Vingroup - tỷ phú Nhật Vượng - có quan điểm giáo dục con cái đáng học hỏi.

Là một doanh nhân thành đạt, tỷ phú giàu có, ông Phạm Nhật Vượng chính là hình mẫu, nguồn cảm hứng cho nhiều người học tập, một trong số đó có phương pháp giáo dục con cái đặc biệt. Ông Vượng có 3 người con, 2 trai và 1 gái, lần lượt là Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Minh Anh. 

Sở hữu khối tài sản kếch xù, hào phóng giúp đỡ người khác song tỷ phú nổi tiếng là người rất khắt khe trong việc giáo dục con cái. Từ một số chia sẻ của ông, có thể thấy quan điểm về cách dạy con của tỷ phú này đó là phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải tự rèn luyện, không được ỷ lại vào gia đình. 

Trong một lần chia sẻ với giới truyền thông, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thắn cho biết: “Quan điểm của tôi là các cháu phải chịu khó lao động, yêu lao động và phải rèn luyện. Như cậu con trai đầu, ngày xưa ở bên Ukraine sân nhà tôi rất rộng, đến mùa hè tôi mua một xe gạch về đổ xuống sân, cháu và mấy đứa bạn cứ chở từ đầu này đến đầu kia, sắp xếp xong là được 100 đô. Cứ vậy mà làm miệt mài cả mùa hè. Ngay bây giờ cũng thế, cũng phải lao động cật lực "đi làm hùng hục, đi công tác suốt ngày, đi xuống cơ sở ngồi làm, không thể khệnh khạng được”.

Dạy con thành tài như Phạm Nhật Vượng: Cho con bốc gạch để kiếm tiền, ăn cơm xong tự dọn-1

Hiện tại, con trai cả của ông Vượng đang làm việc trong Tập đoàn của gia đình. Ảnh: Internet

Phạm Nhật Quân Anh sau khi vào Vingroup làm việc từ năm 2015 cũng được yêu cầu đi công tác, xuống cơ sở để nắm bắt tình hình. Ông Vượng để con trai theo chân mình và các “lão tướng” trong tập đoàn để học cách làm việc và tích lũy kinh nghiệm quý giá cho bản thân.

Về cậu quý tử thứ hai, ông chia sẻ:"Cậu thứ hai đang học đại học năm hai ở nước ngoài nhưng Covid-19 trường cho nghỉ 1 năm, tôi cho vào tập đoàn đi làm luôn."

Tỷ phú này cho hay trong công việc không có khái niệm người nhà hay người ngoài mà mọi người đều bình đẳng như nhau: "Làm tốt, tôi sẽ tạo sân chơi hết sức. Còn không được, vui lòng tránh ra để người khác làm. Cậu cả bị lên xuống mấy lần rồi đấy, cứ làm được thì thăng chức, không được thì xuống thôi". Ngay cả ở nhà, cô con gái út của ông cũng phải thường xuyên làm dọn dẹp, rửa bát, làm việc nhà, không phải cứ con nhà đại gia thì được hưởng thụ.

Cách giáo dục con cái như vậy cũng là điều dễ hiểu, bởi dù bố mẹ nào cũng mong muốn con cái phát huy và nối nghiệp mình nhưng nếu người thừa kế của cả một tập đoàn lớn mà không có thực tài thì vô cùng nguy hiểm. 

Theo đó, quan điểm dạy con của ông Phạm Nhật Vượng khá tương đồng với các doanh nhân khác tại Việt Nam. Vua thép Trần Đình Long cũng từng chia sẻ rằng con ông, cháu cha cũng phải đi lên bằng thực lực: "Tại Hòa Phát, sự hỗ trợ của bố mẹ là không có, phải chứng minh bằng năng lực thật sự. Không có chuyện “con ông, cháu cha” một mình đi làm một giờ hay thế này thế khác. Đều phải đi làm như người bình thường. Đến giờ lên ăn cơm tập thể như bình thường. Tôi đảm bảo 100% không có bất cứ ưu đãi nào cho các “con ông, cháu cha” ở tập đoàn."

Chia sẻ về việc ươm mầm và nối nghiệp, ông Vương cho biết sẽ không ép con làm việc của mình: "Quan điểm của tôi là không bắt sau này các con phải ôm công việc của bố. Các con yêu thích và có năng lực đến đâu thì làm đến đấy, không thì thôi, không thể hủy hoại sự nghiệp mà bao nhiêu người tâm huyết xúm lại làm mới ra được".

Người ta thường nói, nghèo vượt khó là chuyện đáng khen ngợi nhưng nhà giàu vượt cám dỗ, sẵn sàng học hỏi và trau dồi kinh kiến thức, kinh nghiệm lại còn đáng học tập hơn cả, đó cũng là cách mà tỷ phú giàu nhất Việt Nam giáo dục con cái của mình.

Theo Trí Thức Trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/day-con-thanh-tai-nhu-ty-phu-pham-nhat-vuong-cho-con-boc-gach-de-kiem-tien-an-com-xong-tu-don-chu-khong-ai-phuc-vu-lam-khong-duoc-thi-xuong-chuc-4202219611827195.htm

Dạy con

Phạm Nhật Vượng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.