Đề thi thử thách thí sinh về quan điểm sống

Chiều nay 8/6, các thí sinh dự thi vào các lớp 10 chuyên văn ở Hà Nội năm 2018 đã vượt qua bài thi dành cho khối chuyên

Chiều nay 8/6, các thí sinh dự thi vào các lớp 10 chuyên văn ở Hà Nội năm 2018 đã vượt qua bài thi dành cho khối chuyên trong thời gian 3 giờ đồng hồ.   

Đề thi gồm có 2 phần nhưng ấn tượng hơn với nhiều thí sinh khi yêu cầu trình bày suy nghĩ về 2 ý kiến:

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Đứng sống theo điều anh ước muốn mà hãy sống theo điều anh có thể”.

Còn Nelson Mandela lại khẳng định: “Người chiến thắng là người biết ước mơ và không bao giờ bỏ cuộc”.

Đề thi văn lớp 10,đề thi lớp 10 chuyên văn,đề thi chuyên văn lớp 10,đề thi lớp 10,thi lớp 10,tuyển sinh lớp 10,đề thi lớp 10 Hà Nội
 

Tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, thí sinh T.N chia sẻ: “Đề thi rất sát với thực tế bởi con người thì ai cũng có ước mơ. Đề văn khá thực tế với bản thân nên giúp em có thể viết được bằng chính trải nghiệm của mình”.

Em cho biết mình đã lấy những dẫn chứng về Võ Thị Ngọc Nữ - cô gái từng chống chọi với căn bệnh ung thư máu để nuôi ước mơ của một diễn viên múa.

Và cô bé Khánh Linh bị ung thư cổ tử cung nhưng vẫn ước mơ trở thành một tiếp viên hàng không.

Qua đó, bày tỏ trong bất cứ hoàn cảnh dù khó khăn đến nhường nào thì cũng không có gì có thể ngăn cản được ước mơ của mình và tiếp tục phấn đấu.

“Trong cuộc sống chúng ta cần sống thực tế nhưng điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ ước mơ của mình. Em nghĩ sống thực tế có thể chính là nền tảng để mình xây dựng ước mơ”, nữ sinh này chia sẻ.

Một thí sinh khác thì cho rằng câu 1 nói về sự đối lập giữa 2 câu nói.

“Về câu ngạn ngữ Pháp em lấy dẫn chứng về cuộc đời của Trần Ngọc Trà, mỹ nhân Sài Gòn xưa, có nghĩa là đừng sống trong ảo mộng mà không thể hành động, nỗ lực và biến ước mơ thành sự thật. Còn câu nói của Nelson Mandela thì em dẫn chứng bằng chính kỳ thi này, tức nếu mình có ước mơ đạt điểm cao và có thể vào được mái trường mong muốn thì phải nỗ lực học tập. Và nếu như vậy thì mình sẽ thành người chiến thắng, chiến thắng ngay chính bản thân mình. Em thấy câu này khá hay so với những đề khác bởi không chỉ gói gọn trong các ngữ liệu của Việt Nam mà còn rộng hơn là quốc tế”.

Thí sinh này cũng cho rằng hai câu này có thể bổ sung cho nhau nhưng bản thân em cho rằng câu ngạn ngữ Pháp hơi gò bó vì “Em hiểu theo hướng rằng đừng ước mơ mà chỉ sống theo hiện thực. Em theo hướng câu nói của Nelson Mandela là vừa ước mơ vừa biết nỗ lực là người chiến thắng”.

Với câu 1 của đề thi, thí sinh T.H đã sử dụng ý mà 2 câu nói này bổ sung cho nhau.

“Cuối bài, em có đưa ra một dẫn chứng về một cô người mẫu vốn sinh ra không được may mắn như các chị em khác khi mắc hội chứng Down nhưng gia đình đã tìm ra được tiềm năng làm mẫu trong chị và đưa chị đi học các lớp trau đồi các kỹ năng, khả năng ứng xử, phản ứng với các tình huống. Để rồi chị ấy trở nên trường thành và chín chắn hơn và hiện nay là một trong những nàng mẫu đắt giá nhất trong làng thời trang với rất nhiều show diễn.

Nhận định chung về đề thi này, các giáo viên Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng đề dành cho học sinh giỏi văn nên để đạt được kết quả tốt thí sinh phải tư duy, tưởng tượng và có sự am hiểu sâu sắc về môn học, từ đó sẽ có sự thấu hiểu, cảm thông, sáng tạo… Nhìn chung, từ cấu trúc đề thi đến câu hỏi trong đề đều đảm bảo các đơn vị kiến thức, kỹ năng nằm trong chương trình học nhưng vẫn có khả năng phân hoá cao để chọn được những học sinh đủ năng lực vào hệ chuyên.

“Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận về hai ý kiến: “Đừng sống theo điều anh ước muốn mà sống theo điều anh có thể”; “Người chiến thắng là người biết ước mơ và không bao giờ từ bỏ.”

Hai vấn đề này đều nói về việc con người sống cần có ước mơ, hoài bão, quyết tâm vượt qua thất bại để theo đuổi mục tiêu đến cùng, sống là chính mình. Đây là vấn đề rất quen thuộc, gắn liền với cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Để làm được câu này, thí sinh phải hiểu đúng và giải thích rõ các khái niệm "Sống theo điều anh ước muốn"; "Sống theo điều anh có thể"; "Người chiến thắng”; “ước mơ”; “không bao giờ bỏ cuộc" làm tiền đề để triển khai những bình luận, đánh giá. Đồng thời, đề bài đòi hỏi người viết phải có kiến thức hiểu sâu rộng về những giá trị sống của con người”.

Ở câu 2, nghị luận văn học của đề thi yêu cầu thí sinh chỉ rõ: chất thơ nằm ở ngoài lời, ở những chỗ im lặng qua việc phân tích trích đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích và bài thơ Ánh trăng.

“Phạm vi dẫn chứng hẹp, chỉ trong hai tác phẩm thuộc chương trình lớp 9, nhưng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức vững về lý luận văn học và hiểu sâu về nội dung, nghệ thuật tác phẩm thơ.

Để làm tốt bài thi này, người viết phải chỉ ra chất thơ không chỉ nằm ở nội dung, tư tưởng của tác phẩm, trong hình thức ngôn ngữ, hệ thống hình ảnh và giọng điệu bài thơ mà phải chỉ ra chất thơ nằm ở ngoài lời thơ “ý tại ngôn ngoại” và sự đồng điệu của tác giả đối với nhân vật trữ tình.

Bên cạnh đó, đề thi yêu cầu thí sinh phải thật sự am hiểu sâu sắc các tác phẩm và có trải nghiệm văn học mới có thể hiểu đề và làm được bài thi một cách tốt nhất.

Theo VietNamNet


đề thi chuyên văn

thí sinh

đề thi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.