Đưa Khá "bảnh" vào đề thi học sinh giỏi

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 11 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) vừa đưa Khá "bảnh" vào đề thi.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 11 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) vừa đưa Khá "bảnh" - một nhân vật vừa bị công an bắt giữ về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc vào đề thi.

Cụ thể câu 1 (3 điểm): Hiện tượng mạng Khá "bảnh" với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái.

Đưa Khá bảnh vào đề thi học sinh giỏi-1Đề thi học sinh giỏi văn đưa nhân vật giang hồ mạng - Khá Bảnh (Ảnh: MXH)

 "Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá "bảnh", SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy "múa quạt", còn được dân mạng gọi với cái tên "VinaHey".

Sau đó, Khá "bảnh" được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về "tình nghĩa giang hồ". 

Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thân dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. 

Dù được biết đến với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng, nhưng điều khó hiểu là Khá "bảnh" lại có một lượng "fan" hâm mô rất hùng hậu. Trang Facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có hơn 2 triệu lượt đăng ký, con số khiến nhiều nghệ sĩ chân chính phải "chào thua". Mỗi clip của Khá "bảnh" đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với nhiều lượt tương tác, bình luận.

Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, gần đây nhất, trong một vài hình ảnh đang lan truyền mạnh mẽ, Khá "bảnh" được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một ngôi sao khi xuất hiện gần một trường THPT ở thành phố Yên Bái”.

Đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng được đề cập trong bài viết.

Ngay khi xuất hiện, đề thi học sinh giỏi của Trường THPT  Kiến Thụy (Hải Phòng) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, dù vấn đề thời sự nhưng nhân vật Khá "bảnh" không đáng để được đưa vào đề thi. “Tấm gương người tốt, việc tốt sao không đưa mà lại đưa nhân vật này vào đề thi”- một người dùng mạng đặt câu hỏi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù sao thì việc “Đưa một nhân vật đời thực vào đề thi cho các em phân tích sẽ khiến các em có hứng thú làm bài hơn là 1 nhân vật không có thật”.

Trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) xác nhận đây là đề thi học sinh giỏi môn văn cấp trường của lớp 11.

Theo ông Tân, mục đích của đề thi này là để học sinh hiểu và tránh các hiện tượng, trào lưu xấu đang xuất hiện trên mạng xã hội, để từ đó các em hình thành nhân cách, rút ra bài học cho cá nhân biết lựa chọn cái đúng, việc đẹp thần tượng. Ông Tân không ngờ đề thi lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ mạng xã hội.

“Ngay sau khi nhận được phản ánh từ mạng xã hội cũng như các cơ quan truyền thông, nhà trường đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về việc ra đề. Việc đánh giá đề thi, rút kinh nghiệm như thế nào đã được thể hiện trong nội dung cuộc họp, chúng tôi không có phát biểu gì thêm”- ông Tân nói.

Trong khi đó, một giáo viên dạy văn ở TP.HCM nhận định “Đề thi hay, phá cách, rất sát với thời sự, cũng là một cách để học sinh có ý kiến phản biện lại các vấn đề xã hội”.

Theo cô, vấn đề thời sự như Khá “bảnh” đưa vào đề thi là một cách giáo dục học sinh.

“Có quan điểm cho rằng việc đưa những hình ảnh xấu vào như vậy làm chất liệu đề thi là "câu like", nhưng qua đó, nhà trường có thể phát triển được khả năng phản biện của các em trước những vấn đề xấu của xã hội. Để hiệu quả hơn, sau đợt thi này, Trường THPT Kiến Thụy nên đánh giá rút kinh nghiệm từ những ý mà học sinh trình bày để thấu hiểu các em hơn” - cô góp ý.

Nữ giáo viên cũng cho rằng những bài thi hay không chỉ đánh giá vấn đề ở nhiều khía cạnh mà có thể dùng để làm truyền thông trong giáo dục. Với giới trẻ bây giờ, nếu giữ những quan niệm về hình mẫu, ra đề theo kiểu truyền thống, giữ cách đánh giá theo khuôn mẫu sẽ làm mất đi sự sáng tạo của các em.

“Mặt trái của vấn đề nhiều người e ngại chính là lấy hình ảnh xấu để làm mẫu. Vấn đề đó sẽ là xấu nếu tôn vinh, nhưng nếu lấy làm bài học sẽ có tính giáo dục, đặc biệt khi bài học này được chính các em học sinh viết ra” - cô nói.

Còn thầy Phạm Phúc Thịnh cho rằng có thể giáo viên Trường THPT Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, cho rằng Khá "bảnh" như một trào lưu như đưa Ngọc Trinh, Bà Tưng nên vào đề thi.

“Mặc dù là một người có tư duy đổi mới nhiều về giáo dục, nhưng tôi phản đối việc đưa một nhân vật như Khá "bảnh" vào đề thi. Đơn giản nhân vật này không có gì để học sinh phải bận tâm tìm hiểu. Ngược lại, chắc chắn sau kỳ thi này học sinh sẽ tìm đọc, xem những gì liên quan đến nhân vật đó. Như vậy, vô tình các thầy cô đã tạo thêm sự lan tỏa của "mẫu hình này trong giới trẻ” - thầy Thịnh nói.

Cũng theo thầy Thịnh, trong vài năm gần, các thầy cô giáo dường như "quá đà" trong việc chọn ngữ liệu cho các đề thi văn. Phải chăng điều này phản ánh nhận thức về đúng, sai, xấu, tốt đang bị khủng hoảng trong một xã hội.
 


Theo VietNamNet

 


Khá Bảnh

đề thi văn

đề thi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.