Học sinh đột tử và thế hệ mang trên lưng gánh nặng bài tập về nhà

Trung Quốc từng có nam sinh đột tử do dành quá nhiều thời gian làm bài tập về nhà.

Trung Quốc từng có nam sinh đột tử do dành quá nhiều thời gian làm bài tập về nhà. Đây cũng là tình trạng nan giải của nhiều nước, gánh nặng đối với không ít học sinh, gia đình.

Câu chuyện nam sinh ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đột tử tại lớp học vì kiệt sức do thiếu ngủ trong thời gian dài từng làm dư luận nước này xôn xao. Người thân của cậu bé kể em phải thức khuya làm bài tập và thức dậy từ 6h20 để kịp giờ đến trường.

Không chỉ ở Trung Quốc, tại nhiều nước khác, bài tập về nhà trở thành gánh nặng với cả học sinh lẫn phụ huynh. Bất chấp nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý giáo dục, đây vẫn là bài toán nan giải.

Làm bài tập về nhà đến 2h sáng

Theo China Daily, học sinh THCS ở Trung Quốc dành trung bình 3 tiếng mỗi ngày để làm bài tập về nhà. Con số đối với học sinh THPT, đặc biệt những em chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, thậm chí nhiều hơn.

Học sinh đột tử và thế hệ mang trên lưng gánh nặng bài tập về nhà-1
Bài tập về nhà trở thành gánh nặng cho học sinh, phụ huynh ở nhiều nước. Ảnh: Shutterstock. 


Trung Quốc cũng là một trong những nước đứng đầu bảng xếp hạng về thời lượng dành cho bài tập về nhà, theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo đó, trung bình, học sinh nước này mất khoảng 13,8 tiếng mỗi tuần cho bài tập về nhà. Nga và Singapore đứng kế tiếp với lần lượt 9,7 và 9,4 tiếng/tuần. Thông thường, trong 18 năm đầu đời, người Trung Quốc dành 10.080 tiếng cho bài tập về nhà. Khoảng thời gian này tương đương 4.032 buổi hòa nhạc, 7.000 trận bóng đá.

Hàn Quốc, dù không nằm trong diện khảo sát của OECD, nổi tiếng với nền giáo dục nặng nề. Học sinh phải thức đến 2h để hoàn thành bài tập sau khi tham gia các lớp học thêm hay phát triển năng khiếu là chuyện bình thường.

Trong một bài viết trên BBC, Hye-Min Park, nữ sinh 16 tuổi sống ở khu nhà giàu Gangnam, Seoul, cho biết một ngày của em bắt đầu từ lúc 6h30. Em học ở trường từ 8h đến 16h rồi di chuyển đến trung tâm học thêm để học tiếp và về nhà vào 23h.

Nhưng một ngày học tập chưa dừng ở đó. Nữ sinh còn phải cặm cụi giải quyết đống bài tập thầy cô ở trường và trung tâm dạy thêm giao đến tận 2h. Sau khi ngủ khoảng 4 tiếng rưỡi, em thức dậy và lặp lại chu kỳ sinh hoạt nặng nề, bức bối đó.

“Em luôn mệt mỏi, thiếu ngủ. Nhưng nhiệm vụ của học sinh chúng em là vượt qua cơn buồn ngủ đó nếu muốn vào đại học tốt”, nữ sinh 16 tuổi tâm sự.

Bài tập về nhà cũng gánh nặng cho học sinh, phụ huynh tại nhiều nước phương Tây. Học sinh Italy dành 8,7 tiếng/tuần cho bài tập về nhà, trong khi con số này ở Mỹ là 6,1 và Pháp là 6.

Chưa nói đến hiệu quả trong học tập, bài tập về nhà với số lượng quá lớn đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của trẻ em nhiều nước trên thế giới. Nó khiến trẻ không còn thời gian để tư duy, tìm tòi những thứ mới lạ, đồng thời rút ngắn thời gian bên nhau của các gia đình.

Trong dịp Giáng sinh 2018, Bộ trưởng Giáo dục Italy thậm chí phải đề nghị các trường trên cả nước giảm bài tập về nhà để học sinh và gia đình có thời gian nghỉ ngơi.

Bài tập về nhà phản tác dụng

Bài tập về nhà được đưa ra nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức học tập tại lớp và chuẩn bị cho bài học tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy bài tập về nhà tồn tại nhiều mặt trái, bất lợi cho học sinh.

Học sinh đột tử và thế hệ mang trên lưng gánh nặng bài tập về nhà-2
Nhiều học sinh sống mệt mỏi vì bài tập về nhà. Ảnh: China Daily.


Nhà nghiên cứu Denise Pope thuộc ĐH Stanford (Mỹ) từng khảo sát học sinh tại bang California, phát hiện việc dành hơn hai tiếng mỗi ngày để làm bài tập về nhà cản trở học tập, khả năng tiếp thu cùng hạnh phúc của trẻ. Nó khiến người học căng thẳng, dễ gặp những vấn đề về sức khỏe, thiếu cân bằng, thậm chí trở nên tách biệt khỏi xã hội.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Duke cũng tiến hành hơn 60 nghiên cứu về bài tập về nhà và kết luận “quá nhiều bài tập về nhà sẽ phản tác dụng”. Alfie Kohn - một hiệu trưởng ở Mỹ, tác giả cuốn The Homework Myth (Huyền thoại bài tập về nhà) - cho rằng bài tập về nhà có thể “gây ra xung đột gia đình, giảm chất lượng cuộc sống, phá hủy trí tò mò và niềm yêu thích học tập”.

Ông lập luận nó khiến học sinh không còn hoặc phải giảm thời gian cho tự học, ngoại khóa hay các hoạt động của gia đình, xã hội. Điều này có hại đối với sự phát triển của trẻ.

“Khi một dung dịch đạt đến độ bão hòa, nó không thể hấp thụ hay đồng hóa chất nào nữa. Tương tự, khi đứa trẻ “bão hòa” về tinh thần, việc đưa thêm “chất” cho nó tiếp thu là vô nghĩa”, ông viết.

Nghiên cứu do ĐH Oviedo (Tây Ban Nha) thực hiện năm 2015 đối với 7.725 học sinh cho thấy những em dành hơn 100 phút/ngày để làm bài tập về nhà có kết quả học tập thấp hơn học sinh khác.

Nhận thấy mặt trái của vấn đề này, nhiều cơ quan quản lý giáo dục ở các nước kêu gọi trường giảm bài tập. Song các phương pháp không mấy hiệu quả khi nền giáo dục vẫn tùy thuộc nhiều vào điểm số.

Tại Hàn Quốc, học sinh không dám và gia đình cũng không cho phép các em buông lỏng việc học vì nếu thi đại học không tốt, các em sẽ đánh mất tương lai.

Trung Quốc cũng nỗ lực giảm gánh nặng bài tập về nhà cho học sinh. Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục nước này đưa ra tiêu chuẩn quản lý về bài tập về nhà và học thêm, yêu cầu nhà trường, gia đình phối hợp để học sinh tiểu học ngủ đủ 10 tiếng/ngày và 9 tiếng/ngày cấp THCS.

Năm 2013, bộ ban hành quy định cụ thể về việc ra bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học. Theo đó, học sinh lớp 1, 2 không phải làm bài tập. Học sinh các khối khác không phải làm bài tập về nhà quá một tiếng mỗi ngày.

Theo Straits Times, những nỗ lực đó góp phần giảm thời gian làm bài tập về nhà cho học sinh nước này xuống 2,64 tiếng cho học sinh tiểu học và 2,94 tiếng cho cấp THPT. Dù vậy, hơn 80% học sinh Trung Quốc vẫn phải vật lộn với bài tập về nhà đến hơn 22h.

Theo Zing


bài tập về nhà

đột tử

học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.