Học thạc sĩ, tiến sĩ cũng bị phân biệt đối xử

Khảo sát của Nature cho thấy sự thiên vị và phân biệt đối xử xuất hiện dày đặc trong các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ trên toàn thế giới.

Học thạc sĩ, tiến sĩ cũng bị phân biệt đối xử-1

Phân biệt đối xử vẫn rõ nét trong môi trường học thuật, nhất là trong tuyển dụng, thăng chức và giữ chân sinh viên. Ảnh: Nature.

Khoa học là một môi trường lý tưởng và trình độ của một người quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác. Tuy nhiên, cuộc khảo sát toàn cầu năm 2022 của Nature với 3.253 học viên sau đại học đã chỉ ra một thực tế: Những học viên, nghiên cứu sinh là thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhiều hơn những người không thuộc nhóm đó.

Phân biệt đối xử ngay trong môi trường học thuật

Theo đó, 21% số người được hỏi thuộc các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số ở các quốc gia nơi họ sinh sống. Trong đó, 35% nói rằng họ bị phân biệt đối xử hoặc quấy rối khi tham gia chương trình học, nhưng chỉ 15% trong nhóm người không thuộc nhóm thiểu số gặp phải điều đó.

“Mức độ phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc mà tôi phải đối mặt khi theo đuổi bằng tiến sĩ lớn hơn tôi tưởng tượng”, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ nói.

Trong khi đó, một học viên cao học tại Mỹ nhận định người giám sát không quan tâm đến việc học viên phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính, phân biệt giới tính hay các rào cản khác. Tuy nhiên, họ sẽ giả vờ quan tâm bằng nhiều cách khác nhau.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đức nhận xét người giám sát của cô đã phân biệt chủng tộc, khiến cuộc sống của cô trở thành cơn ác mộng. Khi thông báo với nhà trường về hành vi đó, cô chỉ nhận được phản hồi nhà trường đã nắm được sự việc.

Một học viên cao học người châu Phi đang theo học tại Trung Quốc ước rằng anh ta biết việc phân biệt đối xử và lạm dụng trước khi theo học. Tuy nhiên, một số học viên lại cho rằng điều đó được coi là điều thường thấy của chương trình sau đại học, người học cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt.

Những bình luận và thái độ phân biệt đối xử có thể gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của người học. Trong cuộc khảo sát, 38% những người thuộc nhóm thiểu số cho biết họ phải tìm đến sự trợ giúp về chứng trầm cảm và lo lắng.

Ông Kevin Lala - nhà sinh vật học tiến hóa tại ĐH St Andrew's (Anh) - nhận định bất chấp những cuộc thảo luận về sự bình đẳng và đa dạng trong môi trường học thuật, phân biệt đối xử dường như vẫn phổ biến.

“Ở Anh, trong những năm gần đây, tình trạng này có xu hướng tệ đi thay vì tốt lên. Nhiều sinh viên đại học và sau đại học bị quấy rối bởi sự phân biệt đối xử. Dù môi trường học thuật được coi là lành tính hơn so với bên ngoài, phân biệt đối xử vẫn rõ nét, nhất là trong tuyển dụng, thăng chức và giữ chân sinh viên”, ông Lala nói.

Học thạc sĩ, tiến sĩ cũng bị phân biệt đối xử-2

Ông Kevin Lala cho biết trong những năm gần đây, tình trạng phân biệt đối xử có xu hướng tệ đi. Ảnh: Nature.

Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, năm 2019, trong số những người có học vị tiến sĩ về khoa học, kỹ thuật và sức khỏe, những người thuộc sắc tộc và chủng tộc thiểu số chỉ chiếm 10% - trong khi nhóm này chiếm hơn 30% dân số Mỹ.

Tương tự, năm 2019, báo cáo của Hiệp hội Hoàng gia Anh ước tính tại nước này, các học giả người da đen chỉ chiếm 1,7% trong tổng các vị trí học thuật về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các học giả người da đen tại Anh cho biết tại bộ phận, tổ chức, thậm chí trong lĩnh vực của họ, họ là người da đen duy nhất.

Ông Lala nhận định những người thuộc nhóm thiểu số này thường gặp khó khăn trong việc đạt được trình độ cao nhất trong giới học thuật nước Anh.

“Những người da màu có năng lực khá tốt trong giáo dục đại học nói chung. Tuy nhiên, khi nhìn vào những trường đại học hàng đầu, số lượng người da màu rất ít”, ông Lala nói.

Thực tế

Nature đã thực hiện cuộc phỏng vấn với 3 người tham gia khảo sát. Những người này cho biết trong quá trình đào tạo, họ phải trải qua sự phân biệt đối xử.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ cho biết anh ta nghe những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc từ những người giám sát và cộng sự khác trong quá trình học tại một trường đại học phía đông nam nước Mỹ.

“Tôi thường là người da đen duy nhất trong nhóm và thường xuyên bị bắt lỗi như phát âm không chuẩn. Điều này rõ ràng là phân biệt chủng tộc, bởi tôi nói tiếng Anh bình thường”, nghiên cứu sinh này nói.

Sau đó, anh ấy cùng một vài sinh viên da đen khác đến gặp trưởng khoa để thảo luận về những gì anh ta lo lắng. Theo đó, họ chia sẻ về việc sợ hãi khi nói chuyện trong lớp học. Tuy nhiên, vị trưởng khoa tỏ ra miễn cưỡng lắng nghe.

Trong khi đó, điều này không xảy ra khi anh ta học tại một trường đại học ở phía trung tây nước Mỹ. Trường học này nhanh chóng thông báo họ đã cử người phụ trách để đảm bảo sự đa dạng và hòa nhập sau đại học. Ngoài ra, nhà trường cũng phân công một cố vấn sức khỏe tâm thần phụ trách riêng các vấn đề của người học sau đại học.

“Trường mà tôi theo học tại trung tây Mỹ phản ứng nhanh hơn với các vấn đề mà chúng tôi gặp phải. Từ đó, trải nghiệm học tập của chúng tôi cũng tốt hơn”, nghiên cứu sinh Mỹ nói.

Tuy nhiên, anh ta hy vọng trường học có thể quyết liệt hơn trong việc thu hút và giữ chân sinh viên thuộc nhóm thiểu số.

Trong khi đó, một nghiên cứu sinh người Ấn Độ tại Tây Ban Nha cho biết cô thường xuyên cần tư vấn để đối phó với với căng thẳng và lo lắng khi làm việc với người giám sát.

Cô ấy kể rằng người giám sát khắc nghiệt với mọi người trong phòng thí nghiệm, trong khi các nhà nghiên cứu và cộng sự tại đây rất thân thiện và tôn trọng lẫn nhau.

Với cô, người giám sát thường đưa ra những nhận xét khó nghe nhất so với những người còn lại. Có lần, nghiên cứu sinh này đến muộn 15 phút sau khi phải làm nghiên cứu thêm giờ vào đêm hôm trước. Người giám sát của cô hách dịch đặt câu hỏi “Đó có phải là cách làm việc của người Ấn Độ không?”.

“Tôi thực sự bị sốc. Bà ấy đang đánh giá tôi dựa trên quốc gia mà tôi đến. Điều đó không đúng”, nghiên cứu sinh người Ấn Độ nói.

Tương tự, nghiên cứu sinh người Brazil tại Canada cho biết cô gặp khó khăn khi bắt đầu chương trình tiến sĩ. Người giám sát của cô cũng đến từ quốc gia khác, tuy nhiên, người này thường xuyên coi thường khả năng tiếng Anh và trình độ khoa học của cô.

“Lúc đầu, tôi nghĩ bà ấy chỉ cố gắng giúp tôi đạt được điều tốt nhất, nhưng tôi nhận thấy bà ấy đối xử với tôi khác với những người còn lại. Bà ấy thường nói rằng thật sai lầm khi nhận tôi vì nghiên cứu sinh đến từ Brazil không thể đạt trình độ như Canada. Bà ấy cũng cho rằng nền giáo dục của nước tôi thực sự kém”, nghiên cứu sinh người Brazil nói.

Cảm thấy không được chào đón và hỗ trợ, nghiên cứu sinh này đã liên hệ với văn phòng phụ trách học thuật. Tại đây, cô được khuyên có thể chuyển đổi chương trình tiến sĩ sang chương trình thạc sĩ và tốt nghiệp sớm, hoặc thay đổi phòng thí nghiệm và người giám sát.

Người này quyết định thay đổi phòng thí nghiệm và cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, cô hy vọng người giám sát phải chịu trách nhiệm về việc phân biệt đối xử, nếu không, điều đó tiếp tục xảy ra.

Theo Zing


thạc sĩ


Bộ xương khủng long dài bằng 2 xe buýt được bán đấu giá hơn 6 triệu USD
Một bộ xương khủng long Apatosaurus dài 21m, nặng hơn 22 tấn, được đặt tên là Vulcan, gần đây đã trở thành hóa thạch khủng long lớn nhất từng được bán đấu giá khi nó được mua với giá khoảng 6,4 triệu đô la tại một cuộc đấu giá ở Pháp.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.