Khi giáo viên sợ... Tết

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết thì trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đề cập đến chủ đề “thưởng tết giáo viên”. Là người trong ngành, ai cũng ngậm ngùi...

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết thì trên các phương tiện thông tin đại chúng lại đề cập đến chủ đề “thưởng tết giáo viên”. Là người trong ngành, ai cũng ngậm ngùi, nhưng cái “ngậm ngùi” ấy rồi cũng thoáng qua ngay thôi bởi khi đã chọn nghề giáo thì những người thầy đã xác định được con đường đi của mình và cả những chế độ mà mình được hưởng…

Ngày tết chỉ mong được nghỉ ngơi thăm thú người thân bạn bè và bớt đi căng thẳng mấy ngày rồi lại trở lại với trường lớp để làm trọn thiên chức của người thầy.

Ngày tết, ai cũng mong được sum họp cùng gia đình, có lương cao, được thưởng nhiều để trong túi luôn có tiền rủng rỉnh đi chơi. Giá như có nhiều tiền để chi mạnh tay, để được khen hào phóng và biết điều với bên nội, bên ngoại, với người thân thì ai mà không muốn, không ham. Nhưng, với đồng lương viên chức, phần lớn giáo viên khi thấy tết đến xuân về lại mang một nỗi niềm… sợ tết. Những trường lớn, trường điểm thì họ có nguồn kinh phí tự có là từ tiền cho thuê căng tin, thuê bãi giữ xe, tiền học thêm của nhà trường được trích lại nên giáo viên ở các trường này thường được thưởng tết nhiều. Nhưng, phần lớn giáo viên nước ta sống ở vùng nông thôn, kinh phí nhà nước cấp nên chuyện thưởng tết đã trở nên xa xỉ đối với họ. Tết đến, niềm vui chưa thấy đâu nhưng đã chất chồng những lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Chưa đến tết, các ban ngành đoàn thể lại rục rịch lên kế hoạch chăm lo cho người nghèo, cho học sinh nghèo. Đây thực sự là một chính sách rất nhân văn, và truyền thống đó đã trở thành đạo lí của dân tộc. Là người Việt Nam, ai cũng thấm nhuần và luôn mong muốn khi có điều kiện được giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời thiếu may mắn. Nhất là đối với giáo viên, họ hiểu điều này hơn ai hết. Nhưng họ sợ, cái sợ không phải đến từ chính sách nhân văn và đạo lí đó, mà cái sợ là phải ủng hộ những đồng tiền lương ít ỏi của mình cho rất nhiều cuộc vận động. Ở trường thì các ban ngành dọc rồi ngang ở trên vận động và ra chỉ tiêu ủng hộ, quyên góp/đơn vị. Trong đơn vị cũng vận động chăm lo tết cho học sinh nghèo của trường. Về nhà thì lại nhận được lời vận động của địa phương...

Tết đến đối với những giáo viên trẻ, nhất là những giáo viên có thâm niên trên dưới 10 năm tuổi nghề thật là một bài toán nan giải, với đồng lương ba cọc ba đồng (khoảng 3-4 triệu đồng) mà công tác tác xa nhà, ngày thường đã sống chật vật rồi thì ngày tết càng là những ngày "đáng lo ngại" đối với họ. Cũng chừng ấy đồng lương nhưng tăng thêm hàng loạt khoản phải chi, phải mua. Chuyện chi gì, mua gì, quà cáp cho những ai, lì xì cho con cháu là cả một vấn đề lớn.

Nhiều giáo viên xa quê, đi cả năm trời ngày tết đến khi nghĩ về cha mẹ ở quê mà chạnh lòng, tủi phận. Về thì không đủ điều kiện mà ở lại thì thấy mình có lỗi với gia đình. Có những giáo viên hàng chục năm xa quê chưa một lần dám về tết. Ngày tết, khi những dòng xe vun vút qua lại trong sự nói cười vui vẻ của người thiên hạ thì có những giáo viên đang bần thần ngồi một mình gặm nhấm nỗi buồn tha phương, ao ước một ngày có đủ điều kiện được về quê sum vầy cùng gia đình ngày tết.

Ngày tết cận kề, không ai muốn “ca nghèo, kể khổ”, cũng không ai muốn so sánh giữa ngành này, ngành kia. Ngay cả trong ngành, có nơi thưởng vài triệu, nhưng cũng có nơi tờ lịch tết, gói mì chính thì cũng có sao đâu. Nhiều ngành nghề khác cũng còn những khó khăn vất vả và phần lớn các nhà giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.