Thời sự vào đề thi
Em Nguyễn Thị Loan – học sinh Trường THCS Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đề thi môn văn dễ hiểu, không có những câu hỏi đánh đố và đặc biệt có những câu hỏi mở khá thú vị. Với câu hỏi vận dụng kiến thức thực tế để viết về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, Loan cho biết em viết về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu phố em. “Với đề thi như thế này chúng em không thể học thuộc hay trúng tủ được” – Loan cho biết.
Nhận định về đề thi ngữ văn tại Hà Nội, thầy Nguyễn Phi Hùng – Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết: “Đề thi khá hay, có những câu hỏi gần gũi với thực tế học tập, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, đồng thời phải có kỹ năng diễn đạt, trình bày quan điểm của mình một cách mạch lạc, logic”. Cũng theo thầy Hùng, cấu trúc đề thi này gần giống đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2015, đây cũng là một cách giúp học sinh làm quen với cách thi vào ĐH, CĐ trong tương lai. Đối với đề thi này, học sinh nào nắm chắc kiến thức cơ bản, có khả năng tư duy sẽ dễ dàng đạt được điểm 7-8.
Tương tự, đề thi môn văn tại TP.HCM đặc biệt phá cách trong việc đưa nhiều vấn đề thời sự lồng ghép trong các câu hỏi nghị luận. Cụ thể, câu hỏi về ngữ pháp dựa trên nền một đoạn văn viết về nghi lễ hát Quốc ca tại các trận cầu SEA game 28 nóng bỏng tính thời sự. Cũng với đoạn văn này, đề thi yêu cầu học sinh nhận xét về thực trạng hát Quốc ca của học sinh trong nhà trường hiện nay. Câu 2 dùng hình ảnh minh họa để nghị luận về vấn đề thần tượng và sự vô cảm của con cái đối với những người thân yêu trong chính gia đình mình.
Đối với đề thi này, thầy Nguyễn Phi Hùng cho rằng: “Đề thi nhắc đến niềm tự hào dân tộc qua một hoạt động bình dị là hát Quốc ca. Câu hỏi này không chỉ nhắc nhở học sinh mà với cả nhiều người lớn về ý thức công dân và niềm tự hào dân tộc. Đây là một đề thi thể hiện sự đổi mới một cách khá “mạnh tay” của TP. Hồ Chí Minh”.
Đề thi có tính phân loại
Trong khi môn ngữ văn được thi đồng loạt vào buổi sáng thì buổi chiều TP.HCM tổ chức thi ngoại ngữ, còn Hà Nội tổ chức thi toán. Trong khi đề văn được đánh giá cao về tính phá cách thì đề toán tại Hà Nội lại bị nhiều học sinh kêu khó.
Em Trần Thu Phương – học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Đề thi có một câu 4 của bài IV và bài V rất khó, chiếm nhiều thời gian làm bài. Đây là những câu dành để phân loại học sinh nên rất ít bạn làm được. Em cũng chỉ làm được tầm 7 điểm”.
Thầy Nguyễn Văn Hòa – giáo viên toán Trường THCS Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Về tổng thể, đề toán không quá khó, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, tuy nhiên có 2 câu phân loại học sinh khá hóc búa. Đối với đề thi này học sinh khá có thể làm được 8 điểm nhưng để đạt được điểm 10 thì phải là học sinh giỏi, xuất sắc”.
Với đề thi ngoại ngữ ở TP.HCM, nhiều thí sinh cho rằng không khó. Em Lưu Đức Tài (học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM) cho biết, đề thi Anh văn gồm 7 phần (36 câu) và độ khó cũng chỉ ngang đề thi cuối kỳ của Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám. “Đề tương đối bám sát kiến thức đã học, em làm chắc chắn được 2/3. Giờ ra dò lại với các bạn thì em đảm bảo đạt ít nhất 8 điểm” - Tài nói.
Nữ học sinh Thiên Tân của Trường THCS Lạc Hồng (TP.HCM) đánh giá đề thi này dễ hơn đề thi cuối kỳ. “Lúc làm bài thì thấy dễ, nhưng ra mới phát hiện sai nhiều chỗ. Em nghĩ chắc em đạt 8 điểm” - Thiên Tân chia sẻ.