Mới đầu năm học, phụ huynh đã sục sôi chuyện quỹ lớp: Từ nộp thêm tiền dưới dạng ủng hộ nhà trường đến những người thích dùng tiền quỹ theo ý riêng

Chị Phương cho biết, trường con chị học có quy định mỗi năm phụ huynh không nộp quá 500 ngàn đồng bao gồm cả tiền quỹ lớp + quỹ trường. Tuy nhiên, năm nào chị cũng phải nộp gấp đôi, gấp rưỡi khoản tiền đó.

Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu được hơn 1 tuần. Thời điểm này, nhiều trường học trong cả nước bắt đầu triển khai cuộc họp phụ huynh đầu năm để bàn bạc về các vấn đề ở trên lớp của học sinh, đồng thời triển khai thu một số khoản phí, quỹ lớp,... Như mọi năm, nhiều bậc phụ huynh ngay sau khi họp xong liền kêu ca, bất mãn về quỹ lớp - một vấn đề muôn thuở mãi chưa có hướng giải quyết.

Bất mãn vì năm nào cũng phải đóng quỹ lớp cho con dưới dạng... ủng hộ

Chị Phương (SN 1987) có con trai đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Ngày 12/9 vừa rồi, chị đi họp phụ huynh cho con và được cô giáo phổ biến một số khoản quỹ lớp. "Mình có một con gái lớn cũng đang học lớp 4 tại trường này. Nhìn chung các khoản thu vào năm lớp 1 cũng không quá khác biệt, vẫn bao gồm tiền điều hòa, tiền rèm, tiền đồ dùng trong lớp,... Ngoài ra, năm nay lớp con mình còn đóng tiền mua máy chiếu, rồi tivi 4K,... Máy chiếu thì mình thấy ổn nhưng tivi 4K cảm thấy không cần thiết cho lắm và khá tốn kém".

Chị Phương cho biết, trường con chị có quy định mỗi năm phụ huynh không nộp quá 500 ngàn đồng bao gồm cả tiền quỹ lớp + quỹ trường. "Nói vậy nhưng năm nào mình cũng phải nộp từ 850 ngàn - 1,5 triệu đồng tiền quỹ lớp cho con. Khoản tiền trội ra khỏi 500 ngàn kia sẽ không được gọi là quỹ lớp mà được vận động dưới tên là "tiền ủng hộ trường lớp". Thành ra quy định này mình thấy có cũng như không", bà mẹ này cho biết.

Mới đầu năm học, phụ huynh đã sục sôi chuyện quỹ lớp: Từ nộp thêm tiền dưới dạng ủng hộ nhà trường đến những người thích dùng tiền quỹ theo ý riêng-1

Các khoản quỹ trội lên sẽ được nộp dưới dạng "ủng hộ", "tự nguyện".

Giống như chị Phương, một ông bố mới đây đi họp phụ huynh cho con về cũng bức xúc chia sẻ về việc: Những khoản thu thêm ở lớp con anh sẽ không được biết đến là quỹ lớp nữa mà dưới danh nghĩa ủng hộ nhà trường. Tuy nhiên năm nay, trường con anh ủng hộ theo kiểu... tùy tâm. Phụ huynh sẽ bỏ phong bì vào thùng quỹ của lớp. 

Sau đó, cô giáo chủ nhiệm xé từng phong bì và công khai số tiền cũng như tên phụ huynh trước lớp. "Đằng nào cũng biết hết là ai đóng, đóng bao nhiêu. Vậy thì còn bỏ vào phong bì làm gì cho mất công?", ông bố này thắc mắc.

Mới đầu năm học, phụ huynh đã sục sôi chuyện quỹ lớp: Từ nộp thêm tiền dưới dạng ủng hộ nhà trường đến những người thích dùng tiền quỹ theo ý riêng-2

Những cách thu quỹ lớp khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa. (Ảnh minh họa)

Bức xúc với những phụ huynh thích lèo lái tập thể

Nói về những khoản quỹ lớp, chị Trang (TP.HCM) chia sẻ, chỉ cần các khoản quỹ được đóng mục đích thực sự để nâng cao chất lượng học tập, cơ sở vật chất cho con em thì chị không nề hà. Tuy nhiên điều khiến bà mẹ này bức xúc là việc có những phụ huynh luôn muốn dùng quỹ lớp theo ý của mình và phản đối ý kiến của tập thể.

"Vì chị Hội trưởng hội phụ huynh lớp năm nay xin nghỉ nên lớp con mình đang chọn người khác thay. Có một anh tự nhận dù chưa ai bầu. Đợt khai giảng vừa rồi, phụ huynh định mua hoa tặng các thầy cô. Mình nghĩ như vậy là đủ nhưng riêng anh phụ huynh nằng nặc đòi trích quỹ lớp để bỏ phong bì cám ơn giáo viên, ban giám hiệu.

Khi mọi người không đồng ý thì phụ huynh này sửng cồ lên và nói chuyện kiểu cùn, cho rằng các phụ huynh khác hẹp hòi. Tuy nhiên khi phụ huynh này lên phòng hiệu trưởng để trình bày ý định thì bị mắng ngay. Cô hiệu trưởng cảnh cáo, yêu cầu phụ huynh không được đưa phong bì, tránh làm hư giáo viên", chị Trang kể lại.

Được biết chị Trang hiện có 3 con nhỏ và lần nào đi họp cho các con, chị cũng gặp phải những phụ huyng thích sử dụng quỹ lớp theo ý riêng mà chẳng cần lắng nghe và được sự đồng ý của tập thể.

Mới đầu năm học, phụ huynh đã sục sôi chuyện quỹ lớp: Từ nộp thêm tiền dưới dạng ủng hộ nhà trường đến những người thích dùng tiền quỹ theo ý riêng-3

Tranh cãi trách nhiệm của nhà trường hay của phụ huynh?

Cơ sở vật chất là một trong những điều mà phụ huynh quan tâm nhất khi cho con đi học. Ai cũng đều muốn con được học trong căn phòng sáng sủa, đẹp đẽ và anh Quang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Tuy nhiên khi cô giáo gợi ý phụ huynh sơn sửa lại phòng học thì ông bố này cho rằng không hợp lý. Bởi ngoài các khoản tiền quỹ lớp thì anh và các phụ huynh khác đã đóng tiền cơ sở vật chất cho nhà trường. Anh Quang cho rằng, về phần tu sửa lớp học, nhà trường nên có trách nhiệm.

Còn với chị Quỳnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vấn đề năm nay của lớp con chị xoay quanh chiếc điều hòa. Các phụ huynh đều mong muốn lớp có điều hòa để các con ngồi học cho mát mẻ và thống nhất sẽ đóng thêm quỹ. Tuy nhiên cô giáo chủ nhiệm cho biết: Nhà trường chỉ đồng ý lắp điều hòa với điều kiện sau khi các con ra trường, chiếc điều hòa đó sẽ được phụ huynh tặng lại cho nhà trường.

Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ không đồng tình, bởi họ muốn bán lại điều hòa và dùng tiền đó để cho các con liên hoan. Một số đồng ý với điều kiện của nhà trường nhưng cũng tỏ ra bất mãn, bởi muốn tặng nhà trường trong tâm thế tự nguyện chứ không phải bị ép buộc như này.

Ban phụ huynh cũng có những nỗi niềm chẳng ai thấu

Chị Hà Anh (quận Hoàng Mai) có con gái hiện đang học lớp 5 tại một trường công lập ở Hà Nội. Dù công việc bận rộn nhưng vì cô giáo có lời nhờ nên chị vẫn cố tham gia Ban phụ huynh của lớp.

Vào các dịp lễ tết, sinh nhật thầy cô hay các buổi liên hoan của học sinh, bà mẹ này sẽ phụ trách mua sắm đồ đạc cần thiết. "Cuối mỗi kỳ, tôi đều làm bảng excel thống kê chi tiết các khoản thu chi. Tiền quỹ đã bỏ ra bao nhiêu, còn thừa bao nhiêu, các khoản sắp tới,... Khi tôi hỏi các vị phụ huynh có ý kiến gì không thì tuyệt nhiên không một ai trả lời. Nhưng sau đó họ lại xì xầm bàn tán rất mệt. Có người còn nhắn tin hoạch họe", chị Hà Anh bức xúc kể lại.

Bà mẹ này cho biết, ban phụ huynh có những nỗi khổ mà nhiều người không biết, hoặc biết nhưng lờ đi. "Các ngày lễ hoặc trường tổ chức ngày hội gì là tôi phải xin đi làm muộn hoặc về sớm, thậm chí nghỉ cả buổi làm để lo việc lớp. Mệt vậy nhưng có ai biết đâu. Có lần các phụ huynh trong lớp còn đòi tôi phải ghi rõ chi tiết mua quà gì, ở đâu, bao tiền, lúc nào... Làm giúp lớp để lo cho các con mà chẳng được 1 câu cảm ơn", chị Hà Anh tâm sự.

Theo Pháp luật và bạn đọc

 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/moi-dau-nam-hoc-phu-huynh-da-suc-soi-chuyen-quy-lop-tu-nop-them-tien-duoi-dang-ung-ho-nha-truong-den-nhung-nguoi-thich-dung-tien-quy-theo-y-rieng-162201609090158809.htm

phụ huynh học sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.