Nghịch lý thi tuyển giáo viên ở Quảng Bình: Chỉ thích cao đẳng

Trong đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục cuối năm 2014 của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), thí sinh có bằng đại học phải “ngả nón” chào thua thí sinh có bằng cao đẳng, vì Hội đồng xét tuyển chỉ “thích” cao đẳng.

Trong đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục cuối năm 2014 của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), thí sinh có bằng đại học phải “ngả nón” chào thua thí sinh có bằng cao đẳng, vì Hội đồng xét tuyển chỉ “thích” cao đẳng.

Chị Lê Thị Thu Thảo, ở thị trấn Hoàn Lão, vừa có đơn kiến nghị Hội đồng xét tuyển (HĐXT) viên chức huyện Bố Trạch xem xét lại việc chị bị đánh rớt trong đợt thi tuyển viên chức cuối năm 2014.

Theo đó, chị Thảo tham gia thi tuyển giáo viên Địa - Giáo dục công dân cấp THCS, do huyện Bố Trạch tổ chức. Chị nộp cho HĐXT bằng Đại học chuyên ngành Địa lí và bằng Cao đẳng chuyên ngành Địa - Giáo dục công dân và được thông báo trúng tuyển trên trang web của HĐXT.
Nghịch lý thi tuyển giáo viên ở Quảng Bình: Chỉ thích cao đẳng
Chị Thảo nói về cách tuyển dụng bất hợp lí của huyện Bố Trạch 
Tuy nhiên, ngày 20/3/2015 chị được Phòng Nội vụ gọi điện thông báo đến làm việc về kết quả xét tuyển. Tại đây chị nhận được thông báo số 11/TB-HĐXT ngày 18/3/2015, không trúng tuyển viên chức.

“Ông Nguyễn Hữu Tân trưởng phòng Nội vụ giải thích tôi không trúng tuyển là do tổ nhập liệu nhập nhầm bảng điểm đại học, thay vì nhập bảng điểm cao đẳng, nên HĐXT căn cứ vào danh sách điểm đã nhập để xét tuyển dẫn đến sai sót và mong tôi thông cảm” - chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, có nhiều khuất tất trong đợt xét tuyển lần này của huyện Bố Trạch: Nếu như hội đồng chỉ xét người có trình độ cao đẳng thì tại sao họ lại nhận cả hồ sơ đại học; khi thông báo kết quả xét tuyển một số trường hợp thí sinh khác cũng được cộng điểm bằng Đại học và trúng tuyển; hơn nữa khi xét tuyển HĐXT chỉ căn cứ vào số liệu do tổ nhập liệu đã nhập để xét chứ không xem bảng điểm của từng thí sinh là không đúng.

Vì việc lập ra HĐXT để thực hiện chức năng và nhiệm vụ xét tuyển phải đúng theo trình tự để tránh sái sót cho thí sinh.


Sẽ rút kinh nghiệm

Trong kế hoạch tuyển dụng giáo viên toàn huyện Bố Trạch, và thông báo sửa đổi, bổ sung quy định cách xác định người trúng tuyển viên chức giáo viên năm 2014 đều khẳng định, ưu tiên xét tuyển người có trình độ đào tạo cao hơn.

Cụ thể: “Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự trình độ đào tạo chuyên môn từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm (từ người có bằng tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ, Đại học, đến Cao đẳng, rồi đến Trung cấp)”.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hữu Tân, trưởng phòng Nội vụ huyện Bố Trạch, vẫn một mực khẳng định, việc chị Thảo không trúng tuyển là đúng với đề án xét tuyển mà HĐXT lập ra, có sự phê duyệt của Sở Nội vụ hẳn hoi. Tuy nhiên, ông Tân thừa nhận người có bằng cao đẳng chuyên ngành Địa - Giáo dục công dân mà có thêm một bằng đại học chuyên ngành ấy nữa thì vẫn tốt hơn.

Theo ông Tân, chỉ cao đẳng mới đào tạo các môn kép, còn đại học thì không có đào tạo môn kép. Trong lúc đó, ở bậc THCS lại cần giáo viên dạy môn kép nên khi làm đề án đã quên mất không đưa vào diện ưu tiên những người có thêm bằng đại học chuyên ngành. “Việc đã lỡ rồi nên chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần thi tuyển sau. Còn để công nhận chị Thảo trúng tuyển thì không thể, vì phải làm theo đề án thôi” - ông Tân nói.

Một chuyên gia giáo dục nói rằng, với trường hợp chị Thảo, đáng ra phải được ưu tiên trong xét tuyển. Vì ngoài việc có bằng cao đẳng kép như những thí sinh khác, chị Thảo còn có thêm bằng đại học chuyên ngành Địa lý. Việc tuyển dụng chị Thảo sẽ có lợi cho Nhà nước khi bớt đi được một khoản tiền đào tạo nâng cao trình độ sau này; học sinh sẽ có lợi khi được một giáo viên trình độ đại học giảng dạy, truyền thụ kiến thức.

Theo Hoàng Nam/Tiền Phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.