Người Việt có xu hướng thiếu trung thực: Sắp thành... phổ thông?

Trong một môi trường mỗi một cá nhân đều giấu giếm, thiếu trung thực thì văn hóa, xã hội cũng sẽ phát triển theo xu hướng chung đó.

Trong một môi trường mỗi một cá nhân đều giấu giếm, thiếu trung thực thì văn hóa, xã hội cũng sẽ phát triển theo xu hướng chung đó.

Thiếu trung thực đang ngày càng phổ biến

Bình luận về nghiên cứu của các chuyên gia trường ĐH Nottingham khi cho biết, Việt Nam bị xếp cuối bảng về tính trung thực. Nghiên cứu cũng cho biết, những quốc gia có tỉ lệ tham nhũng thấp sẽ ít nói dối hơn, nước Anh là quốc gia có công dân trung thực cao nhất. PGS.TS Nguyễn Văn Nam thừa nhận, kết quả trên là thực tế và không có gì đáng bất ngờ.

Nguoi Viet co xu huong thieu trung thuc:Sap thanh...pho thong?
Ảnh minh họa

Thậm chí, theo quan sát của ông, tính thiếu trung thực của người Việt đang ngày càng trở nên phổ biến, rất tự nhiên. Nói dối nhiều khi không vì mục đích gì, nói dối là thói quen, nói dối là bản năng của những người tiểu nông, nghèo đói, biệt lập, bị bó buộc, thấp kém; nói dối vì tâm lý ngại phải nói ra những mong muốn, việc làm của mình, ngại cho người khác thấy sự thấp kém; nói dối để che giấu những thói hư tật xấu; nói dối còn vì mục đích vụ lợi, tham lam.... Nói dối có ở mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, mọi lúc, mọi nơi.

"Nói dối ở cả những tình huống rất đơn giản như rủ nhau đến nhà nhau chơi, dù chưa ăn cơm nhưng khi được mời lại luôn muốn chứng tỏ mình lịch sự, cũng có thể vì ngại, vì sợ phiền nên hầu hết đều trả lời là "ăn rồi".

Rồi đến cả việc phải đi đón bạn gái hay bồ bịch ở sân bay, nếu bị bắt gặp cũng đều trả lời là "em gái". Có nhiều người vui tính còn nói đùa, sao nhiều em gái thế", ông Nam kể.

Rồi trở thành... vụ lợi

Theo vị PGS, từ nói dối không vì mục đích gì, rồi nói dối thành bản năng, dần dần nói dối để vụ lợi, nói dối để che giấu mục đích tham nhũng, nói dối để che giấu những hành vi sai trái.

Vì thế, vị chuyên gia không nghi ngờ gì việc có thể ghi nhận trong đời sống xã hội, nhan nhản những hiện tượng thịt lợn giả bò, thịt bẩn giả sạch, rau phun thuốc kích thích, uống dầu nhớt, nhà bán rau cũng trồng hai luống, nhà ăn và khách ăn... Thậm chí, làm thật, nói thật còn chịu thua thiệt.

Vị PGS kể, ông có ba người bạn cùng tham gia thanh niên xung phong vào những năm 1945. Sau khi hòa bình thống nhất, ba người lại có ba lời khai khác nhau, người thì khai tham gia tiền khởi nghĩa, có người còn nhận là lão thành cách mạng. Tất cả cũng vì muốn có chế độ, chính sách, vì muốn được ghi danh bảng có công.

Rồi khi ông còn công tác tại Viện nghiên cứu khoa học, ông lại ghi nhận nhan nhản những thói dối trá, thiếu trung thực.

"Họ thiếu trung thực từ việc khai bằng cấp, học hàm học vị; trong công việc thì làm láo, báo cáo lại hay.

Đến chuyện ký khống văn bản đi họp ở chính các cơ quan nhà nước cũng thành hiển nhiên, phổ biến", ông kể.

"Tôi đi họp có cán bộ bảo tôi, bác ký hộ cháu để chúng cháu quyết toán. Tôi nhận một phong bì thì phải ký tới 3-4 bản. Tôi làm khoa học, nhận một đồng cũng quý, người ta nhờ chẳng lẽ tôi không ký. Nhưng tôi hiểu, lỗi không phải ở cô nhân viên đó mà còn là chủ trương chung từ trên chỉ đạo xuống. Ngay cả những người làm chính sách cũng biết việc này. Họ biết nhưng vẫn phải làm ngơ do chính sách thiếu thực tế, quá ngặt nghèo, không đảm bảo được cuộc sống. Vì thế, họ phải làm giả, làm dối để vụ lợi, để thụt két, tham nhũng", ông Nam kể tiếp.

Vị chuyên gia than thở, từ gian dối thiếu trung thực trở thành độc ác, bất nhân, đầu độc cả đồng loại. Vì thế, không khó để ghi nhận rất nhiều cảnh báo rằng, thực phẩm bẩn độc là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người bị ung thư ở Việt Nam tăng hàng năm nhưng vì lợi nhuận, vì tham lam họ vẫn bất chấp tất cả.

Điều ông lo ngại, là trong một môi trường mỗi một cá nhân đều giấu giếm, thiếu trung thực thì văn hóa, xã hội cũng sẽ phát triển theo xu hướng chung đó. Đứng trước bối cảnh hội nhập như hiện nay, Việt Nam đang phải đối đầu với thách thức rất lớn, mà tính cách thiếu trung thực cần phải được xem như một căn bệnh. Thứ bệnh dịch vô cùng nguy hiểm cần phải ngăn chặn, điều trị tận gốc.

Theo ông, nói dối phải được xem là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người trong xã hội. Mà nếu tính cách trên không được thay đổi, không được gột rửa sẽ gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh cả một quốc gia.

Kể lại kinh nghiệm của bản thân, ông cho biết cách đây khoảng 2 năm, ông cùng một đoàn 20 người đi du lịch 5 nước châu Âu. Trong đoàn có 4 người đi tiếp đến Italia còn lại dừng chân ở Đức.

Theo quy định, chỉ cần hộ chiếu do một trong các nước thuộc khối EU cấp thì du khách có thể được đi các nước trong khu vực mà không gặp cản trở về thủ tục pháp lý. Thực tế này đúng với tất cả các đoàn khách quốc tế khác, trừ đoàn khách của Việt Nam.

"Chúng tôi đã bị giữ lại cả ngày, phải nhờ rất nhiều sự can thiệp kể cả sự can thiệp của Bộ Ngoại giao nhưng cũng phải đến sáng hôm sau mới được làm thủ tục ra sân bay. Nguyên nhân vì họ đã mất lòng tin, thiếu tin tưởng vào đoàn khách Việt Nam mà có thể họ đã từng vấp phải tình huống nào đó do chính du khách mang quốc tịch Việt Nam từng gây ra", vị chuyên gia kể.

Chữa bệnh thế nào?

Ông cho biết, ở các nước phương Tây, tính trung thực không chỉ là thước đo trong mối quan hệ giữa con người với con người. Tính trung thực còn được coi là một trong đặc tính vô cùng quan trọng trong quan hệ xã hội, nhất là trong quan hệ làm ăn, nói dối được xem là tật xấu đáng bị tẩy chay, đáng bị lên án. Vì vậy, người phương Tây họ luôn coi trọng chữ tín, mà chữ tín phải được đảm bảo bằng những lời nói thật, việc làm thật.

Nói dối, thiếu trung thực ở nước ngoài phải được xử lý bằng luật lệ rõ ràng chứ không dừng lại ở những lời nhắc nhở chung chung.

"Nhiều khi, sự trừng phạt bằng cách tẩy chay còn nguy hiểm hơn cả phạt tiền, phạt tù. Ví dụ, một doanh nghiệp xù nợ thì suốt đời mang án xấu và không bao giờ vay thêm được nữa. Còn ở Việt Nam, phát hiện được đã khó, nếu có, xử lý cũng xuê xoa, nhắc nhở, kiểm điểm", ông Nam nói.

Từ nhận định trên, vị PGS thẳng thắn cho rằng, không nên cứ nói đến một tật xấu lại đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Đúng là thị trường tạo cơ hội cho sự dối trá phát triển nhưng đó không phải là nguyên nhân cốt lõi.

Theo ông, nguyên nhân cốt lõi chính là ở con người mà con người lại do chính hệ thống giáo dục tạo nên.

"Một khi, sự dối trá ẩn hiện ngay cả trong hệ thống giáo dục, đi học còn chạy điểm, mua bằng. Đâu đó, vẫn còn những báo cáo chạy theo thành tích, lợi ích thì buộc một con người phải sống trung thực là rất khó", vị chuyên gia chia sẻ. PGS.TS Nguyễn Văn Nam kết luận, nói dối ở Việt Nam có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nguyên nhân có thể từ lịch sử xuất thân là nước nông nghiệp, tư tưởng tiểu nông còn nặng nề, chưa phát triển.

Nhưng điều quan trọng hơn chính là hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa phát huy được tính dân chủ, công bằng trong xã hội, chưa khuyến khích được nói thật, làm thật.

Theo Baodatviet

Nói dối


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.