Nhiều năm đèn sách, mẹ Hà Nội giúp con tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc

Ngày con trai lên nhận giải thưởng kỷ lục gia xiếc Việt Nam, chị Phượng và gia đình chị đã khóc. Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc.

Ngày con trai lên nhận giải thưởng kỷ lục gia xiếc Việt Nam, chị Phượng và gia đình chị đã khóc. Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc. Sau tất cả những khó khăn tưởng như có thể gục ngã, vợ chồng chị đã đỡ vất vả hơn trước và hãnh diện về con.

Video Nguyên bịt mắt, đi xe đạp tung bóng.

Mới 17 tuổi nhưng Khôi Nguyên đã trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam. Nhìn em đam mê biểu diễn, tung những quả bóng say sưa, điêu luyện có lẽ ít ai biết Nguyên là một cậu bé tự kỷ. Và để có thể giúp Nguyên được như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của bố mẹ em – chị Mai Kim Phượng và anh Nguyễn Thế Hiệp (Hà Nội) suốt 17 năm.

Đến bây giờ, sau tất cả những khó khăn, những vất vả tưởng chừng có thể gục ngã, vợ chồng anh chị đã được nhàn hơn trước và hãnh diện về chàng trai của mình với mọi người.

Quặn thắt tim nhìn mặt con bê bết máu vì... trêu chó

Khôi Nguyên – cái tên mà vợ chồng chị Mai Kim Phượng dành tất cả tâm huyết đặt cho con trai với mong muốn con thành đạt, tài giỏi khi chào đời. Thế nhưng, kết quả, bác sĩ thông báo con mắc hội chứng tự kỷ, hội chứng mà thế giới chưa tìm được ra cách chữa khi em mới được 7 tháng tuổi đã khiến vợ chồng chị suy sụp, tuyệt vọng hoàn toàn.

Chị Phượng kể, chị đã khóc rất nhiều và trong đầu chị lúc đó vẫn luôn hy vọng bác sĩ chẩn đoán nhầm, luôn hy vọng con là một chàng trai khỏe mạnh như bao đứa bé khác.

“Nguyên rất ngoan, thương yêu mọi người, rất thật thà. Nguyên rất yêu mẹ, luôn nhớ mẹ. Một ngày gọi điện hỏi thăm mẹ nhiều lần, nhiều lúc mình thấy mình thật may mắn và hạnh phúc.

- Kim Phượng -”

“Hồi nhỏ, con vô cùng tăng động, trèo leo suốt ngày, không biết đi bộ là gì, chạm chân xuống đất là chạy. Chỉ trừ khi ốm liệt giường vợ chồng mình mới ôm được con, còn không bao giờ con ngồi yên được một tí cho mẹ ôm.

Mỗi lần ra công viên, con không bao giờ ngồi chơi được trên ghế đá, không thể vào quán ngồi ăn được, mọi đồ đạc trong nhà con đều làm hỏng. Con cũng rất khó ngủ, đến đâu chơi cũng bị mọi người mắng và đuổi”, chị Phượng trầm ngâm nhớ lại.

Càng lớn lên, bệnh tình của Nguyên càng nặng hơn, sự phá phách, nghịch ngợm không có điểm dừng của em đã khiến vợ chồng chị nhiều lần bất lực. Mặc dù cố gắng rất nhiều nhưng vợ chồng chị cũng không thể kiểm soát con được 24/24 giờ. Và đến bây giờ khi ngồi nghĩ lại tất cả quãng thời gian trước đó cũng đủ chị “toát mồ hôi”.

“Mình nhớ nhất hồi con 10 tuổi, mình bảo con đi xe đạp ra chợ mua quả chanh. Một lúc sau con về mặt bê bết máu, chìa tiền đưa mẹ nói không mua được. Con không tự biết mặt mình bị chảy máu mà chỉ sợ bị mẹ mắng. Lúc đó, tim mình như thắt lại.

Hóa ra trên đường đi ra chợ con nhìn thấy một nhà có con chó, vì rất thích động vật nên con cứ đứng ở hàng rào trêu và bị nó cào.

Nhiều lần đi chơi, thoáng cái đã không thấy con đâu, cả nhà phải đi tìm. Điều này xảy ra như cơm bữa khiến vợ chồng mình cũng không nhớ hết được”, chị Phượng nhớ lại.

Việc chăm con đã khó, việc dạy con các kỹ năng cơ bản cũng là một điều khó khăn khiến vợ chồng chị phải mất nhiều năm tháng mới có thể dạy được. Thậm chí, để dạy con biết đọc viết, chị đã phải kiên trì khoảng 4 năm. Tuy nhiên những hành vi trở thành thói quen như cắn móng tay đến bây giờ vợ chồng chị cũng đành “tạm thời chấp nhận” cho con.

Chị Phượng và bé Nguyên khi còn nhỏ.

Khôi Nguyên dạy các em nhỏ học.

Học giáo dục đặc biệt để tìm phương pháp dạy con

Chị Phượng bảo, khi con còn nhỏ bị tăng động nặng, chị luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Đã có những lúc chị nghĩ đến điều tiêu cực nhất nhưng nghĩ đến con chị lại cố gắng và luôn suy nghĩ phải vượt qua tất cả.

Hồi con còn nhỏ những thông tin về tự kỷ rất ít, hễ thấy ở đâu có hội thảo hay chia sẻ về tự kỷ, chị lại dành thời gian đến để nghe, học hỏi mong có thể làm gì đó giúp cho con. Và sau một lần tham gia hội thảo toàn quốc lần đầu tiên về trẻ tự kỷ, chị đã quyết định học văn bằng về giáo dục đặc biệt.

“Nguyên lúc nào cũng nhớ bố mẹ. Mỗi lần đi học về không thấy bố mẹ ở nhà phải gọi ngay xem bố, mẹ đi đâu. Con đi công tác lúc nào cũng nghĩ mua quà cho em. Con cũng rất hay nhắn tin cho mẹ nói "con yêu mẹ, con nhớ mẹ, mẹ về với con..." khi mẹ đi công tác xa.

- Kim Phượng - 

“Tại đó mình gặp cô Yến – Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Vì đã có bằng cử nhân tâm lý việc học thêm một văn bằng nữa sẽ rất dễ. May mắn lúc đó có khóa học của Nhật Bản tài trợ đào tạo cử nhân Giáo dục Đặc biệt cho giáo viên trong cả nước và mình đã tham gia.

Mỗi khi đi học, có vướng mắc gì hay khó khăn với con ở nhà mình đều hỏi các thầy cô và nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình. Trong quá trình dạy các bé tự kỷ, có nhiều vướng mắc không giải quyết được mình lại quyết định đi học cao học Giáo dục Đặc biệt”, chị Phượng kể.

Ở thời điểm đó, vừa phải chăm con, vừa phải làm việc và vừa phải đi học, dù vất vả, mệt nhọc nhưng chị bảo, chị có mục tiêu, có quyết tâm, mỗi lần nghĩ đến con lại giúp cho chị vượt qua tất cả.

Gia đình chị Phượng. 

Đến tận bây giờ khi tham gia khóa học hay hội thảo nào, chị Phượng đều đưa những trường hợp mình gặp khó khăn trong quá trình can thiệp để nhận sự tư vấn từ các giáo sư, nhà chuyên môn.

Sau 2 năm đèn sách nhận được bằng thạc sĩ Giáo dục Đặc biệt, chị đã được gần con hơn, được ôm con vào lòng. Đối với mọi người điều đó là bình thường nhưng với Khôi Nguyên – một cậu bé không thích được vỗ về, ôm ấp, đó là niềm hạnh phúc lớn với chị sau bao nhiêu năm.

Ngoài đi học để tìm cách giải quyết cho những vấn đề của Khôi Nguyên từ chuyên gia, chị Phượng còn hay cho con đi chùa, nhờ các nhà sư hướng dẫn “giải nghiệp”. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của gia đình nội ngoại, đặc biệt vợ chồng cô của Nguyên đã giúp Nguyên được đi chơi khắp nơi, hòa nhập hơn.

Miệt mài luyện tập, gãy một tay hăng say tập bằng tay còn lại

“Các bố mẹ phải biết chấp nhận khuyết tật của con. Đó cũng là một thử thách giúp cho bố mẹ có con khuyết tật trưởng thành hơn, biết sống tốt hơn và yêu thương con người hơn.

- Kim Phượng -”

Nhìn lại quãng đường khổ luyện để con trở thành kỷ lục gia xiếc, chị Phượng vẫn không nhận những công lao đó về mình. Chị bảo, tất cả thầy cô ở trung tâm đã giúp con, can thiệp trực tiếp cho con, còn chị, với những kiến thức, chuyên môn mà mình có được chỉ giúp con tìm được đúng nơi tốt nhất dạy con đúng phương pháp.

Chị kể, ban đầu với suy nghĩ là đưa con đi sinh hoạt hè nhưng sau khi nhìn thấy sự quan tâm, yêu thương của các thầy cô ở đây đã khiến chị ngỏ ý xin học cho con lâu dài.

“Nguyên là trẻ tự kỷ nên mình không chắc con được nhận không. Ở đây, cả giáo viên đều phải biết tung bóng và đứng con lăn nên Nguyên cũng được học.

Sau khi nhìn thấy được năng khiếu của con, ông Việt – chủ tịch hội đồng quản trị của trung tâm đã mời riêng một nghệ sĩ xiếc ở Liên đoàn Xiếc VN hàng đầu về tung bóng dạy trực tiếp cho con.

Con học rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã làm tốt hơn cả các vận động viên chuyên nghiệp”, chị Phương kể lại.


Chị Phượng cho biết, trở thành kỷ lục gia xiếc nhưng với Nguyên đến giờ vẫn còn phải can thiệp nhiều thứ.

Sau một thời gian học ở đây, chị đã nhìn thấy những tiến bộ rõ rệt của con như hành vi tăng động giảm dần, nhận thức và giao tiếp tốt hơn. Tuy nhiên, để có thể trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam, Nguyên phải tập luyện liên tục và tương đối vất vả.

Vì được khích lệ và tiếp thêm động lực qua những lần được biểu diễn trên sân khấu và qua những khẩu hiệu, dần dần việc luyện tập đã trở thành thói quen của em. Hàng ngày, em có thể luyện tập nhiều giờ, đặc biệt dù có vất vả thế nào em cũng vẫn vui, không nản.

“Đã nhiều lần mình nghĩ đến việc rút lui không cho con tập nữa bởi vì con bị ngã gãy tay trong quá trình luyện tập. Con đam mê lắm, gãy một tay, đau đớn nhưng con vẫn luyện tập tung bóng bằng bên tay còn lại. Đó là lựa chọn của con, con yêu thích nó, và mình thấy được niềm vui của con khi được làm việc mình yêu thích”, chị Phượng mỉm cười.

Em dạy các em nhỏ học tung bóng.

Hiện nay ước mơ lớn nhất của Nguyên là đạt kỷ lục Guinness để được mẹ thưởng cho điện thoại "xịn nhất".

Nguyên yêu thích và đam mê tung bóng đến nỗi hầu hết thời gian từ sáng đến tối muộn em đều luyện tập. Mỗi khi học được kỹ năng mới, em lại chăm chỉ về nhà để tập khoe bố mẹ. Thậm chí, hễ đi đâu, dù nghỉ lễ hay đi du lịch với gia đình, em cũng không nghỉ ngơi, luôn mang bóng bên mình để tập và biểu diễn cho mọi người.

Mỗi lần nhìn con say mê, điêu luyện với những trái bóng, mỗi lần ôm con vào lòng và nghe lời nói yêu thương của con, bao gian khó trước đó trong chị lại được xóa tan. Chính con là món quà lớn nhất của chị.

“Dù có thế nào mẹ vẫn luôn yêu con, làm mọi thứ để giúp con có cuộc sống tốt nhất. Mọi thành tích con đạt được đều không quan trọng bằng việc con có được niềm vui trong cuộc sống, yêu thương mọi người”, chị Phượng mỉm cười.


Theo Khám Phá


trẻ tự kỷ

Bệnh tự kỷ

Dạy con

tự kỷ

Kỷ lục gia

hội chứng tự kỷ

giáo dục con cái


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.