Nữ sinh đi lậu vé xe bus: Số tiền nhỏ nhưng lòng tham không nhỏ

Bùng vé cho dù chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ cư dân nhưng thể hiện tư tưởng “lấy cắp được, cứ lấy”. Cái gì mà phát không đám đông ắt sẽ xông vào lấy.

Bùng vé cho dù chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ cư dân nhưng thể hiện tư tưởng “lấy cắp được, cứ lấy”. Cái gì mà phát không đám đông ắt sẽ xông vào lấy.

Lậu vé

Mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện về một bạn nữ sinh viên bùng vé. Sự việc xảy ra vào tối ngày 22/1/2016 trên tuyến xe bus số 02. Khi phụ xe kiểm tra vé của hành khách đến cuối xe một nữ sinh được nhắc rất nhiều lần, bạn này mới lôi vé tháng ra, lấm lét đưa cho phụ xe. Thật bất ngờ bạn nữ đã dùng vé tháng của một bạn nam khác.

Sự việc khiến anh phụ xe khá bức xúc. Bởi theo lời anh nói thì chỉ còn 2 ngày nữa anh sẽ nghỉ chế độ (sau khi đóng đủ 15 năm bảo hiểm). Tuy nhiên, chỉ vì bạn nữ tiếc 7000đ mua vé lỡ có đoàn kiểm tra đột xuất thì anh ấy sẽ bị đuổi việc- mất không 15 năm công sức ...

“Nếu em không có tiền, lên xe bus em có thể nói rõ anh có thể cho em 7000đ để em đi. Nhưng em rất thiếu ý thức vì là nữ nhưng lại dùng vé tháng của bạn trai mình để đi..”- người phụ xe bực dọc nói trên xe.

Bài viết sau khi đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận từ những người quan tâm. Khá nhiều người lên tiếng chỉ trích hành động của cô gái kia khi chỉ vì chút lợi ích cá nhân mà cố tình không mua vé, “bùng tiền” xe buýt, thậm chí không biết xin lỗi một lời và trả tiền cho anh phụ xe.

Trao đổi về hành vi này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây không phải là hiện tượng phổ biến vì giới trẻ ngày nay cũng không khó khăn đến mức đó. Giá vé xe bus quá rẻ nên việc trốn vé không nhiều. Tuy nhiên, nếu giá cao hơn chút thì tôi e là sẽ có nhiều vụ thế này hơn.

Không đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học), Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam lại cho rằng, bùng vé không phải là hành vi xa lạ của cư dân đô thị trong đó có không ít đối tượng là các bạn sinh viên.

Cái gì phát không… xông vào tranh cướp

Trả lời cho câu hỏi, vì sao có hành vi này, PGS Hòa Bình phân tích: Chúng ta chưa bước vào sinh hoạt đời sống đô thị hiện đại, ở đó đòi hỏi trách nhiệm cá nhân đối với các dịch vụ công cộng.

“Không ít người vẫn có lối suy nghĩ và cách hành động theo kiểu: Khôn sống, mống chết. Theo đó, tư duy trục lợi của mỗi cá nhân được đặt làm đầu. Quy chiếu một loạt vấn đề khác trong đời sống hàng ngày hiện nay, xung quanh câu chuyện về lậu vé xe bus cho thấy mối liện hệ cá nhân xã hội, trách nhiệm cá nhân hiện nay thường đi ngược lại những điều mà chúng ta đã vận động mấy chục năm nay đó là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học), Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam

“Hành vi bùng vé cho dù chỉ xảy ra ở một bộ phận cư dân nhưng thể hiện tư tưởng “lấy cắp được, cứ lấy”. Nó giống như việc các suất cơm miễn phí, ngay tại Hà Nội tôi từng chứng kiến những người không hẳn khó khăn vẫn xin. Ngoài ra, cứ cái gì mà phát không đám đông ắt sẽ xông vào lấy.

Đó là vụ chen nhau để được ăn buffer miễn phí, hay hội hoa xuân ở Bờ Hồ người ta cũng không thương tiếc ngồi lên để chụp ảnh, lấy tay để bứt hoa thậm chí dẫm đạp lên nó… chỉ đơn giản không bị mất vé vào cửa. Những hành vi này là gạch nối tương quan về văn hóa ứng xử thể hiện lòng tham, vị kỷ của mỗi cá nhân”- GS Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, hành vi này là biểu hiện của lối sống thực dụng, coi tiền bạc cao hơn mọi thứ. Các giá trị đạo đức bị coi nhẹ. “Tôi đã thấy tình trạng có một vài bạn trẻ tỏ thái độ vui mừng khi trốn được khoản chi phí nào đó hay nhặt được tiền, đồ đánh rơi. Đây chính là tiền đề của thói ăn cắp vặt. Nếu các bạn thiếu nghiêm khắc với bản thân, các bạn có thể sẽ dễ dàng để mình rơi vào những cám dỗ trong tương lai” – TS Hương nhấn mạnh.

PGS Bình cũng chỉ ra một nguyên nhân khác gây nên hành vi này đó là xã hội. PGS Bình cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường mang tư tưởng tiểu nông, xã hội vẫn tồn tại những điều gian dối: quan chức vẫn dùng bằng giả, thì dân đen “tội gì mà không?”.

Vì thế, để khắc phục được điều này, PGS Bình cho rằng chúng ta cần xây dựng xã hội đề cao giá trị chân, thiện, mỹ; xây dựng nhà nước pháp quyền, coi trọng giá trị cá nhân của mỗi con người. Ngoài ra, mỗi gia đình cũng cần giáo dục con em mình lòng tự trọng, sống có nhân cách, đừng a dua theo những thói xấu ở ngoài xã hội.

Trong khi đó, theo quan điểm của TS Hương thì “đã đến lúc chúng ta cần trả lại vị trí quan trọng của việc đánh giá đạo đức/hạnh kiểm của học sinh về ngang với đánh giá năng lực. Chỉ có cách như vậy mới giúp giới trẻ xây dựng được ý thức sống đàng hoàng đạo đức hơn”.

“Với các bạn trẻ, điều quan trọng các bạn cần làm là vượt qua chính mình, vượt qua mong muốn của cá nhân để hành xử cho tốt mới có thể giúp các bạn trở thành một người trưởng thành, đàng hoàng và đáng tin cậy”- TS Hương nói.

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.