Rục rịch tăng học phí, sinh viên nghèo lại oằn vai

Bắt đầu từ ngày 1/12, mức trần học phí với các chương trình đào tạo được điều chỉnh ở các bậc học. Nhiều trường đại học, nhiều địa phương đã rục rịch tăng học phí, một số trường đại học tự chủ đề xuất mức học phí cao kịch trần. Và nỗi lo đè nặng lên sinh viên nghèo...

Bắt đầu từ ngày 1/12, mức trần học phí với các chương trình đào tạo được điều chỉnh ở các bậc học. Nhiều trường đại học, nhiều địa phương đã rục rịch tăng học phí, một số trường đại học tự chủ đề xuất mức học phí cao kịch trần. Và nỗi lo đè nặng lên sinh viên nghèo...

Các trường đều tăng cao

Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí từ nay đến năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1/12, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học (ĐH) tại các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính dao động từ 1,75 - 4,4 triệu đồng/tháng từ năm học 2015-2016 đến 2016-2017; đến năm 2020-2021 mức học phí từ 2,05-5,05 triệu đồng/tháng.

Đối với trường ĐH công lập chưa tự chủ tài chính, mức học phí 600.000 - 880.000 đồng/tháng năm học 2015-2016; đến năm học 2020-2021 sẽ là 980.000 đồng - 1,43 triệu đồng/tháng. Mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà được tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo là khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y - dược.

Mức học phí này sẽ được áp dụng cho các đối tượng như: trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên (SV), học viên cao học… đang học tập tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy được phép thu từ 11,5-16 triệu đồng trong năm học 2015-2016. Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, riêng nhóm ngành y - dược được đề xuất tối đa tới 45 triệu đồng/năm.

ĐH Hà Nội vừa thông báo mức học phí mới khá cao, tăng từ 7,8 triệu đồng/SV trong năm học 2014-2015 lên 12 triệu đồng năm học 2015-2016 và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng. ĐH Ngoại thương có mức thu học phí năm 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/SV, năm 2016-2017 tăng lên 16 triệu đồng.

Tại TP HCM, ĐH Kinh tế có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà là 14,5 triệu đồng năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017 sẽ lên tới 16,5 triệu đồng. ĐH Tài chính - Marketing, mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/SV, năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng...

Ở một số trường, mức học phí sẽ được thu kịch trần và thậm chí cao hơn nếu phải học lại. Theo Quy định số 1403 của Trường ĐH Quảng Bình, mức thu học phí học lại được tính chung với học phí học cải thiện điểm, học theo tiến độ riêng. Trong đó, trường này quy định 3 mức học phí khác nhau với SV học lại.

Nếu SV học ghép chung với các lớp khác, học phí học lại của một tín chỉ được tính theo hệ số 1,3 so với học phí quy định theo nhóm ngành nghề. Nếu học theo lớp riêng với quy mô từ 4 SV trở lên, trường lấy tổng học phí lớp bình thường chia đều cho số lượng SV đăng ký thực tế, chi phí sẽ cao nếu lớp học càng ít người.

Theo Quyết định 1291 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về mức tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2015 - 2016, học phí học lại bậc ĐH theo tín chỉ giờ hành chính tính theo hệ số 1,2 lần mức thu học phí theo quy định và hệ số 1,5 lần vào buổi tối, chủ nhật và hè. Trường ĐH Cần Thơ cũng quy định học phí học lại với mức thu 1,5 lần so với học phí quy định. Trường ĐH Tân Tạo còn quy định SV phải đóng học phí gấp 1,5 lần thi lại lần đầu và gấp 2 lần thi lại lần hai.
Sinh viên “thắt lưng buộc bụng” 25.000 đồng cho ba bữa ăn

Trước việc học phí tăng so với năm học trước, nhiều SV ở Hà Nội cho biết họ sẽ phải chi tiêu hết sức tiết kiệm. Bởi mỗi tháng, bố mẹ ở quê chắt chiu nhiều lắm mới có thể gửi cho các em được 2,5-3 triệu đồng/tháng. Thế nên, nếu học phí chỉ cần tăng nhẹ khoảng 100- 300 ngàn 1 tháng cũng đã là 10 ngày tiền ăn của sinh viên nghèo.

Theo Thu Hằng, SV năm thứ 3, ĐH Sư phạm Hà Nội, hàng tháng em chỉ nhận được khoảng 2,5 triệu đồng bố mẹ gửi lên để trang trải học tập. Số tiền này em sẽ chi cho các khoản: tiền trọ, vé xe buýt, mua sách học, hàng tiêu dùng… Như vậy, mỗi tháng cũng chỉ còn lại hơn 600.000 đồng tiền ăn. Mỗi ngày em sẽ chỉ được tiêu trong phạm vi khoảng 25.000 đồng gồm ăn sáng, trưa và tối.

Theo Bộ GD&ĐT, chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học so với trước đây bởi học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây.

Học phí đại học tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011-2015 (trước đây khoảng 20%/năm). Đối với học sinh nghèo, học sinh diện chính sách vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.

Tuy nhiên, theo tính toán mới đây của GS Phạm Tất Dong, mức học bổng cao nhất hiện nay cũng không quá 7 triệu đồng/suất/năm. Mức thấp nhất là 3 triệu đồng/suất/năm. Sinh viên nghèo có may mắn được học bổng cao nhất, mang tiền học bổng để đóng học phí vẫn không thể bù nổi.

Đành rằng, Bộ GD&ĐT cho rằng mức tăng học phí không quá ảnh hưởng tới người dân, nhưng với 70% sinh viên nông thôn thì tăng vài trăm với họ cũng đã là bao nỗi lo âu...

Theo PLVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.