Thí sinh nên tham gia bao nhiêu kỳ thi riêng khi xét tuyển đại học 2023?

Chuyên gia lưu ý, mỗi kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, số lượng câu hỏi, tính chất cũng khác nhau, do đó đòi hỏi phương pháp ôn tập cũng rất khác. Nếu sa đà vào quá nhiều kỳ thi, thí sinh có thể biến cơ hội thành thách thức, khó có thể đồng thời đạt kết quả cao ở tất cả các kỳ thi.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 9 trường đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào chưa kể các kỳ thi năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, báo chí...Các đơn vị dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi riêng năm nay gồm: Đại học Quốc gia TP.HCM, Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, kỳ thi của Bộ Công an.

Lịch tổ chức các kỳ thi riêng kéo dài từ đầu tháng 4 đến hết tháng 7/2023.

Việc "nở rộ" các kỳ thi riêng bên cạnh những cơ hội cũng khiến không ít thí sinh bối rối khi lựa chọn cũng như cảm thấy áp lực khi tham gia quá nhiều kỳ thi. Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa học, có nhiều năm ôn thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội đã có chia sẻ với phóng viên VOV.VN về những lưu ý với thí sinh khi tham gia các kỳ thi riêng.

Thí sinh nên tham gia bao nhiêu kỳ thi riêng khi xét tuyển đại học 2023?-1

Thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ về việc đăng ký tham dự các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học

PV: Vài năm trở lại đây, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học tự tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển, tuy nhiên, việc có quá nhiều kỳ thi cũng dẫn đến những lo ngại về áp lực với thí sinh, theo thầy các kỳ thi riêng nên được tổ chức theo hướng nào để vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường xong vẫn giảm áp lực cho thí sinh?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Việc các trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng nằm trong quyền tự chủ đã được quy định trong luật giáo dục đại học. Nhìn chung các kỳ thi riêng sẽ giúp các trường chọn được những sinh viên phù hợp với chương trình đào tạo cả về năng lực, phẩm chất, tâm lý tính cách, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, việc tổ chức các kỳ thi riêng cũng hết sức đa dạng về cách thức đánh giá, mỗi trường có cách kiểm tra năng lực thí sinh khác nhau. Thông qua các kỳ thi này, các trường đại học không chỉ kiểm tra được kiến thức phổ thông của thí sinh mà còn biết được những năng lực khác. Đây là xu hướng rất tiến bộ.

Về phía thí sinh, các em cũng có thêm các cơ hội trúng tuyển vào các nguyện vọng mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng khi có nhiều kỳ thi riêng thí sinh sẽ thêm áp lực, thực tế áp lực này lại phụ thuộc vào chính sự lựa chọn của các em. Thí sinh sẽ rất dễ áp lực nếu không tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh, nguyên lý xét tuyển, sa đà vào đăng ký quá nhiều kỳ thi với suy nghĩ thi càng nhiều cơ hội càng lớn. Chính tư duy này đã tạo ra cho các em áp lực phải học nhiều, ôn thi nhiều.

Tôi cho rằng, trong những năm tới, xu hướng các trường tuyển sinh riêng sẽ không bùng nổ một cách tự phát, tràn lan. Bởi để tổ chức một kỳ thi riêng chất lượng đòi hỏi những nguồn lực rất lớn. Xu hướng trong lương lai sẽ là các trường đại học liên kết lại với nhau để tổ chức các kỳ thi lớn, có sức ảnh hưởng và thí sinh có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào nhiều trường khác nhau.

Ngay trong năm 2023, 2 đại học Quốc gia lần đầu tiên đã chính thức công nhận chéo kết quả của 2 kỳ thi đánh giá năng lực. Như vậy, thí sinh chỉ cần tham gia 1 trong 2 kỳ thi đánh giá năng lực đã có thể xét tuyển vào tất cả các trường ở cả khu vực phía bắc và phía nam có sử dụng kết quả này. Trong thời gian tới sẽ còn nhiều công cụ và phương thức để các trường liên kết với nhau.

PV: Vậy để giảm bớt áp lực song vẫn đảm bảo cơ hội xét tuyển đại học, thí sinh cần lưu ý gì khi lựa chọn các kỳ thi riêng, thưa thầy?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Ở mỗi kỳ thi riêng, số lượng câu hỏi, tính chất cũng khác nhau, do đó đòi hỏi phương pháp ôn tập cũng rất khác nhau. Nếu sa đà vào quá nhiều kỳ thi, các em sẽ phải dồn sức trên nhiều mặt trận, khi đó cơ hội sẽ thành thách thức, khó có thể đồng thời đạt được kết quả cao ở tất cả các kỳ thi.

Thời gian còn lại không nhiều, để đạt kết quả tốt nhất, sau khi tìm hiểu kỹ về đề án tuyển sinh các trường, thí sinh cần vạch ra một chương trình học rõ ràng, sau đó chọn các phương thức xét tuyển có thế mạnh nhất. Ngoài thi tuyển, thí sinh cũng có thể xét tuyển bằng các kết quả có sẵn như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Với các phương thức khác, nếu các em đã đăng ký, có thể thi, nhưng trên tinh thần trải nghiệm, tăng cơ hội, không nên dồn sức vào các phương thức không phải thế mạnh của bản thân.

Tôi vẫn khuyên học sinh, ngoài thi tốt nghiệp THPT chỉ nên tham gia 1 kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy khác.

PV: Việc có nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến không ít thí sinh bối rối khi lựa chọn, vậy vai trò tư vấn, hướng nghiệp sớm tại các trường phổ thông sẽ có ý nghĩa ra sao, thưa thầy?

Thầy Vũ Khắc Ngọc: Hiện nay có nhiều ngành nghề với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, đòi hỏi thí sinh cần được tư vấn kỹ lưỡng để có thể lựa chọn được ngành học, chương trình đào tạo phì hợp với đặc điểm phẩm chất, năng lực, tâm lý cũng như nguyện vọng của cá nhân và gia đình. Do đó vai trò hướng nghiệp, tư vấn tại các trường phổ thông là rất quan trọng. Trong giai đoạn nước rút này, thầy cô cần giúp học sinh xây dựng một lộ trình, kế hoạch ôn tập hiệu quả nhất, tránh việc các em áp lực khi tham gia nhiều kỳ thi.

Ngoài ra, các trường đại học cũng đã bắt đầu có các chương trình tư vấn về phương thức tuyển sinh cũng như các kỳ thi riêng, thí sinh có thể theo dõi để biết thêm thông tin.

Theo VOV

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/thi-sinh-nen-tham-gia-bao-nhieu-ky-thi-rieng-khi-xet-tuyen-dai-hoc-2023-post1001963.vov

đại học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.