Tranh luận về tâm thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục

Nhiều độc giả cho rằng, sự thay đổi liên tục của Bộ GD&ĐT khiến người học mệt mỏi, vì phải “chạy theo” những kế hoạch đột xuất, trong khi một số ý kiến ủng hộ cách làm hiện nay.

Nhiều độc giả cho rằng, sự thay đổi liên tục của Bộ GD&ĐT khiến người học mệt mỏi, vì phải “chạy theo” những kế hoạch đột xuất, trong khi một số ý kiến ủng hộ cách làm hiện nay.

Ngày 24/4, bức tâm thư của Đỗ Duy Hiếu – thủ khoa đầu ra Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) gửi Bộ trưởng GD&ĐT được dư luận quan tâm. Liệt kê hàng loạt thay đổi trong 10 năm, thủ khoa này cho rằng, những cải cách chưa mang lại hiệu quả.

Đồng tình suy nghĩ này, nhiều độc giả nhận định, giáo dục còn bộn bề, dù liên tục đổi mới. Một bạn đọc đặt ra câu hỏi: Bao giờ giáo dục hết "sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”.

Thí sinh mệt mỏi trong kỳ thi đại học.
Thí sinh mệt mỏi trong kỳ thi đại học.

Trở tay không kịp

Bạn đọc Lê Tâm chia sẻ: Bộ GD&ĐT có nhiều quyết định thay đổi không báo trước, kế hoạch và lộ tình thiếu cụ thể, khiến nhiều trường, phụ huynh và học sinh chịu khổ.

Trước kỳ thi THPT quốc gia, câu chuyện nhỏ trong sự thay đổi về cách thức ra đề bài môn Ngoại ngữ ảnh hưởng không ít tới học sinh. Trong giai đoạn nước rút, đề thi từ trắc nghiệm bỗng dưng chuyển hướng sang tự luận kết hợp viết. Điều đó khiến nhiều giáo viên, học sinh bối rối, bởi không ôn luyện theo phương thức này từ đầu năm học.

Mới đây, sự thay đổi chóng mặt trong tuyển sinh lớp 6 thu hút sự quan tâm của xã hội. Ngày 17/3, Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển lớp 6. Sáng 17/4, ba trường Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie được đồng ý phương án đánh giá năng lực kết hợp xét tuyển. Tuy nhiên, tối 17/4, quyết định trên bị hủy bỏ.

Chạy theo sự thay đổi của Bộ GD&ĐT, không ít trường, học sinh, phụ huynh mệt mỏi. PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng, tuyển sinh vào lớp 6 biến động "chóng mặt" là cuộc khủng hoảng không đáng có, để lại những bài học để đời trong giáo dục. 

Chuyện thực tế về nhân tài bị bỏ rơi

Trong tâm thư của mình, thủ khoa Đỗ Duy Hiếu kể lại câu chuyện thực tế, gửi Bộ trưởng GD&ĐT: “Mỗi lần bạn bè cháu được đi dạy, câu đầu tiên trước khi chúc mừng là hết bao nhiêu tiền?". Anh khẳng định, sự tiêu cực dẫn đến nền giáo dục không tiến bộ, ngay cả khi liên tục thay đổi.

Đồng cảm suy nghĩ của thủ khoa, bạn Nguyên Anh cho rằng, nhân tài hiện nay đang bị bỏ rơi. Họ chính là nạn nhân của "những đề án, dự án đập đi xây lại, xây lại rồi đập đi, cần có tiền để làm”.

Câu chuyện thủ khoa đại học thất nghiệp, làm trái nghề không còn xa lạ. Bạn Nguyễn Sơn kể “câu chuyện tưởng như đùa": Tôi quen hai vợ chồng trẻ, được nhà nước cấp học bổng du học Nga, sau khi đỗ thủ khoa hai trường ở Hà Nội. Tuy nhiên, tốt nghiệp, trở về Việt Nam, người vợ làm hướng dẫn viên du lịch, vì không xin được việc. Chồng làm tại Sở nhưng do quan hệ chứ không phải nhờ thực lực. Họ nói, còn rất nhiều bạn bè chưa có việc làm, đang kiếm sống ở ngoài. Thiết nghĩ, tại sao chúng ta đầu tư lớn cho nguồn lực tốt, nhưng lại bỏ dở không sử dụng?”.

Hậu quả của việc những nhân tài bị bỏ rơi là lượng giáo viên kém chất lượng. Một bạn đọc chia sẻ câu chuyện thực tế khi người dạy hổng kiến thức, biến tướng học thêm: “Mình hay hỏi đứa em đi học thêm để làm gì? Em trả lời, để cô giảng kỹ hơn và... không bị ghét”.

Độc giả Hữu Phúc Đào, giáo viên về hưu, chia sẻ: “Cháu tôi ‘thủng’ nhiều kiến thức cơ bản do cô giáo không có chuyên môn. Điều này sẽ dần kéo nền giáo dục xuống, khi mở rộng ra một xã, tỉnh, huyện, thành phố cũng có nhiều giáo viên như thế.

Bạn Phạm Chí Cường coi việc “có tiền, có việc” là chuyện xảy ra như... "cơm bữa". Một độc giả khác thẳng thắn: “Tôi nghĩ, với kiểu giáo dục này, thì học thêm là một nhu cầu. Chỉ có những người học bổ túc văn hóa mới thấy không cần học thêm”.

Học và hành

Thủ khoa Đỗ Duy Hiếu đã dũng cảm chia sẻ những trăn trở về giáo dục. Cùng chung mong muốn phát triển, độc giả Anh Tuấn đề xuất phương án học để thực hành. Đó là thi tốt nghiệp 5 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Tin học và nghề cho cả hệ thống ba cấp.

Theo Anh Tuấn, học sinh cấp một yêu thích nghề nghiệp giống nhau nên học chung lớp; cấp hai sẽ dần tiếp xúc môi trường, kỹ năng nghề nghiệp; lên cấp ba, các em được đào tạo chuyên sâu khi trưởng thành và có định hướng thực sự.

Bạn đọc này kiến nghị trao quyền tự quyết cho học sinh: "Các em tự biết năng lực của mình và nộp hồ sơ vào ngành yêu thích. Hồ sơ bao gồm học bạ cấp một đến cấp ba”.

Độc giả Lê Nam quan tâm vấn đề Bộ GD&ĐT chi 778 tỷ đồng để thay đổi bộ sách giáo khoa mới, với mục đích giảm tải kiến thức, tăng hoạt động trải nghiệm.

Anh nêu quan điểm: “Điều quan trọng là nâng cao chất lượng giáo viên, kết hợp giữa 'học' và 'hành' trong mỗi bài giảng. Các cơ sở giáo dục nên tăng cường tập huấn người dạy, tổ chức nhiều cuộc thi để con trẻ tham gia. Nó giúp học sinh được trải nghiệm giản đơn và gần gũi. Tôi nghĩ, không cần tốn quá nhiều tiền để thay đổi một bộ sách giáo khoa".

Phải vận động

Trái với những ý kiến trên, bạn đọc Minh Hà cho rằng, việc thay đổi liên tục là tất yếu, khi xã hội cũng có nhiều biến động. Những hình thức áp dụng 10 năm trước, nay không còn phù hợp. Cái được quy ước đúng hôm qua, bây giờ có thể phải xem xét lại. Giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Tuy nhiên, theo bạn đọc này, nếu các chính sách, kế hoạch đó "dài hơi", học sinh, thầy cô sẽ đỡ bị động, vất vả hơn.

"Mô hình một kỳ thi quốc gia giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn 'ba chung'. Các em cũng chủ động hơn trong việc chọn trường, ngành. Tôi nghĩ, thay đổi như thế là hợp lý", bạn Thanh Hà nêu quan điểm.

 “Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Sự thay đổi là vòng luẩn quẩn khi sau đó lại về vạch xuất phát. Vậy thay đổi để làm gì?..

Năm 2006 trở về trước thi tự luận. Năm 2007 thi trắc nghiệm... Mới năm ngoái, có quá nhiều thay đổi khi thi liên thông phải chung với đại học. Vậy mà năm nay, thi liên thông lại tách riêng...

Mấy năm trước, bộ sách cũ lại được thay đổi, thêm – bớt một vài phần, thay đổi ký hiệu. Theo cháu, điều đó không thể khiến nền giáo dục nước nhà tốt hơn. Mới đây, cháu lại nghe tin chúng ta bỏ ra một đống tiền để đổi bộ sách mới”.

Trích thư thủ khoa Đỗ Duy Hiếu gửi Bộ trưởng GD&ĐT


Theo Quyên Quyên/Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.