Ước mơ thành giáo viên dang dở của nữ sinh viên mắc bệnh hiểm nghèo

Bị bệnh hiểm nghèo hành hạ, em Trần Thị Thương (20 tuổi) sinh viên ngành Mầm non, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vẫn cháy bỏng ước mơ đến lớp để học tập.

Bị bệnh hiểm nghèo hành hạ, em Trần Thị Thương (20 tuổi) sinh viên ngành Mầm non, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vẫn cháy bỏng ước mơ đến lớp để học tập.

Hơn 3 tháng qua, em Thương được cha là ông Trần Phước Phi (52 tuổi, ngụ huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đưa đi khắp các bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng chữa trị nhưng không tiến triển gì. Gia đình có nguyện vọng đưa vào TP. HCM để em được làm xét nghiệm, khám cặn kẽ hơn nhưng vay mượn khắp nơi vẫn chưa ra tiền đưa em đi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phi kể trong tâm trạng đầy nỗi niềm. Thương là con gái út trong gia đình có 3 anh chị em. Năm 2014, em thi đỗ vào ngành Sư phạm mầm non, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với ước mơ sau này trở thành cô giáo.

“Vợ chồng tôi vui mừng, hãnh diện vì con lúc cười nói đậu Đại học bao nhiêu thì giờ đây thấy con im lặng, ngơ ngác mà xót ruột gan bấy nhiêu…”, ông Phi nói nghẹn từng lời.

uoc mo thanh giao vien dang do cua nu sinh vien mac benh hiem ngheo - 1
Em thương mắc bệnh hiểm nghèo được ông Phi chăm sóc tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng

Đó là vào đầu tháng 1/2016, Thương cảm thấy đau nhức các khớp xương chân và xương tay. Ngồi học mà Thương hoàn toàn không thể tập trung, hay bị chóng mặt, tay nắm cầm bút viết không vững. Nghĩ đau bình thường nên Thương ra hiệu thuốc kể triệu chứng mua thuốc về uống.

Cầm cự được 4 tháng ròng, thấy cơ thể ngày càng đau nhức dữ dội hơn, không thể đi lại quá vài chục bước nên Thương được bạn chở ra đón xe buýt về nhà. Vợ chồng ông Phi nghe con kể tình hình bệnh đã nhanh chóng đưa vào bệnh viện huyện Quế Sơn, sau đó chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tại TP. Tam Kỳ cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán trong đầu Thương có một dây thần kinh bị đè dẫn đến cử động tay chân khó khăn, đau nhức. Mặc dù Thương nằm viện hơn tháng trời nhưng chữa không thấy tiến triển gì. Thương sau đó được chuyển qua bệnh viện tâm thần tỉnh Quảng Nam, rồi tiếp tục chuyển ra bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây các bác sĩ cũng khám, chẩn đoán Thương bị chèn ép dây thần kinh, em chữa trị thời gian lại chuyển sang bệnh viện tâm thần Đà Nẵng nằm cho đến nay đã hơn 1 tháng.

“Bác sĩ cho biết con tôi bị chèn ép dây thần kinh rồi mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Vợ chồng tôi nghe chỉ biết cho con điều trị chứ ít chữ nghĩa không biết đó là bệnh cụ thể như thế nào”, ông Phi chia sẻ.

uoc mo thanh giao vien dang do cua nu sinh vien mac benh hiem ngheo - 2
Nếu bệnh của Thương không tiến triển, thời gian tới ông Phi sẽ cố gắng đưa con vào TP. HCM chữa trị

Về tình hình sức khỏe hiện tại, Thương nói em vẫn còn đau đầu, chóng mặt, tay chân đau nhức.

“Bác sĩ cho em uống thuốc nhưng em không thấy mình khỏe hơn một chút nào. Mỗi lần uống là em ngủ, dậy là đau nhức tay chân như bị con gì cắn bên trong. Những lúc như vậy em cứ muốn mình chết đi một lúc cho không bị giày vò nữa…”, Thương nức nở khóc, hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

Từ một nữ sinh học giỏi, vui vẻ thì khi mắc bệnh Thương trở nên buồn rầu, ũ rũ, ít nói. Em nặng 54kg nhưng giờ ốm chỉ còn vỏn vẹn 32kg. Bạn bè, người thân quen đến thăm không khỏi xót xa.

Khi chúng tôi nhắc đến việc trở lại giảng đường, đôi mắt Thương ánh lên đầy hi vọng. Thương mong sớm khỏe lại để gặp bạn bè, thầy cô, được học tập để trở thành một giáo viên bởi em rất yêu mến trẻ.

Ông Phi ngồi bên cạnh Thương đôi mắt cứ nhòa nước mắt vì thương con. Ông bảo, sao bệnh tình không đến với mình mà để con chịu khổ như vậy.

"Bác sĩ bảo đợi thêm ít bữa xem tình hình bệnh có tiến triển. Nếu không khỏi chắc vợ chồng tôi có bán nhà bán cửa cũng phải đưa con vào TP. HCM một chuyến xem con bị bệnh thế nào. Nhìn con tiều tụy, đau đớn thế này tôi xót cả ruột gan”, ông Phi bày tỏ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong lúc Thương bị bệnh, mẹ em đi mua sữa cho con thì bị tai nạn giao thông. Một lúc vợ và con nằm viện, ông Phi phải nhờ người thân chăm sóc giúp vợ, còn mình ở Đà Nẵng theo con.

Quanh năm hai vợ chồng ông Phi làm nông, số tiền bán lúa bán đậu mỗi vụ cũng chỉ bù đắp được phần nào số tiền bỏ ra làm vì mất mùa. Để có tiền cho cả vợ và con gái nằm viện, ông Phi đã vay mượn khắp nơi gần 20 triệu đồng.

Lúc chúng tôi từ biệt ra về, ông Phi đôi tay gầy gò, ngăm đen cầm tay chúng tôi cảm ơn không ngớt lời. Ông Phi bảo đến thăm, chia sẻ thế này ông đã rất mừng, hi vọng giúp đỡ con ông chữa trị ông lúc nào cũng mong mỏi nhưng không dám nghĩ tới…

Theo Khám Phá

Sinh viên

bệnh hiểm nghèo

hoàn cảnh khó khăn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.