Vì sao hàng nghìn sinh viên không đóng bảo hiểm y tế?

Nhiều ý kiến đưa ra hàng loạt bất cập của bảo hiểm y tế như cung cách phục vụ của y, bác sĩ, thuốc không đảm bảo, không được khám trái tuyến… khiến sinh viên không muốn tham gia.

Nhiều ý kiến đưa ra hàng loạt bất cập của bảo hiểm y tế như cung cách phục vụ của y, bác sĩ, thuốc không đảm bảo, không được khám trái tuyến… khiến sinh viên không muốn tham gia.

Sau bài "Xét kỷ luật hơn 6.500 sinh viên không đóng bảo hiểm y tế", gần 90% độc giả tham gia khảo sát trên Zing cho rằng không nên kỷ luật sinh viên. Nhiều ý kiến đề nghị trường cần nhìn rõ thực chất vấn đề trước khi xem xét kỷ luật, tránh gây bức xúc cho sinh viên.

Bị phân biệt đối xử khi khám, chữa bệnh

Là một trong số hàng nghìn sinh viên không đóng bảo hiểm y tế, Minh Hải, sinh viên khoa Xã hội học ở TP HCM cho biết vì nhiều lý do, trong đó có việc trường làm rất chậm. Đầu tháng 9 sinh viên đóng tiền và đến gần Tết mới có thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, theo Hải, sinh viên đi khám bằng bảo hiểm y tế gặp khó khăn. "Bác sĩ phân biệt nên năm nay em quyết định không tham gia. Nhiều bạn bè em cũng rất bức xúc, không hài lòng với quyết định xét kỷ luật sinh viên không đóng bảo hiểm", Hải nói.

Cũng nằm trong danh sách sinh viên có thể bị kỷ luật, Lê Thị Hoài Nam (khoa Địa lý, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP HCM), cho rằng sinh viên đã trưởng thành, đủ suy nghĩ để nhận ra được và mất khi đóng bảo hiểm y tế. Trường áp dụng hình thức kỷ luật mạnh tay sẽ khiến các em bức xúc.

“Em nghĩ thay vì vận động, tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm y tế, ngành y tế nên khắc phục các hạn chế trong khám chữa bệnh hiện nay để sinh viên tự nguyện tham gia. Trường đừng dùng hình thức kỷ luật", Hoài Nam đề xuất.

Thấy tiếc khi bỏ ra hơn 500.000 đồng của ba mẹ để mua bảo hiểm y tế, bạn Châu Thái An, sinh viên đại học ở TP HCM lý giải nguyên nhân: "Nhân viên trạm y tế ký túc xá khám chữa bệnh rất thiếu chuyên nghiệp, thái độ không tốt".

Tăng phí bảo hiểm, không tăng chất lượng khám bệnh?

Chia sẻ quan điểm trên Zing.vn, bạn Nguyễn Khải (TP HCM) cho rằng, dù bắt buộc cũng phải xem xét vì phí bảo hiểm năm nào cũng tăng, sinh viên đóng học phí đã là vấn đề, còn đóng thêm bảo hiểm y tế.

Đồng ý mua bảo hiểm y tế để bảo vệ quyền lợi nhưng Khải đặt câu hỏi: "Chế độ bảo hiểm có tốt không hay chỉ bắt buộc nộp tiền còn việc đảm bảo thực hiện điều trị phụ thuộc cái tâm của bác sĩ? Tôi thấy những người dùng bảo hiểm y tế phải làm rất nhiều thủ tục, đợi hàng giờ, thậm chí bị lơ đi trong bệnh viện".

"Đóng bảo hiểm y tế, đến khi ốm mang thẻ ra bệnh viện, bác sĩ không nhìn mặt nói gì đến khám, mà có khám cho qua loa vài viên thuốc uống không biết có hết bệnh hay còn nặng thêm”, nickname Tuan Nhat Dao đặt câu hỏi.

Vì sao hàng nghìn sinh viên không đóng bảo hiểm y tế?
Phụ huynh và sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM trong ngày nhập trường vào tháng 9/2015. Ảnh: Hoàng Bình

Nguyễn Thị Lan Phương, sinh viên năm thứ hai, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng chia sẻ, mỗi lần đi khám bảo hiểm y tế đều bị nhìn bằng ánh mắt khác nên chỉ "tham gia cho có chứ toàn khám dịch vụ, vừa nhanh, gọn và được phục vụ ân cần".

Cũng theo nữ sinh này, bảo hiểm y tế chỉ giúp ích nếu đi chụp hình, làm xét nghiệm hay nhập viện, còn dùng để lấy thuốc về uống thì bỏ tiền mua còn hơn.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về nơi khám bảo hiểm y tế. "Mình quê miền Trung, đang học ở TP HCM, được cấp hết bảo hiểm y tế. Nhưng khi có bệnh phải chạy về tỉnh xin giấy chuyển tuyến hoặc về tỉnh khám", một bạn đọc nêu sự bất tiện.

Chỉ kỷ luật trừ điểm rèn luyện

"Bắt buộc đóng bảo hiểm toàn dân là để đảm bảo quỹ ổn định. Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo có chi phí khám chữa bệnh rất cao, lên đến hàng chục, trăm triệu đồng, nếu thiếu bảo hiểm y tế chắc không theo nổi. Tiền đó cũng lấy từ quỹ bảo hiểm của mọi người đóng vào mà chi. Việc kỷ luật sinh viên chỉ nên áp dụng khi nhà trường đã ra thông báo nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không tuân thủ, nhằm tạo dần nề nếp và ổn định nội quy".

Một bạn đọc chia sẻ.

Sáng 10/3, đại diện các trường cho biết hình thức kỷ luật sinh viên không đóng bảo hiểm là trừ điểm vào thang đánh giá điểm rèn luyện cuối học kỳ.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, cần phải tuyên truyền để các em hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi đóng bảo hiểm y tế.

“Tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm cộng đồng của sinh viên. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Những bạn đã đóng ở nơi khác thì làm đơn gửi nhà trường. Hầu hết trong số gần 600 sinh viên bị xem xét kỷ luật của trường thuộc diện còn nợ môn, hết hạn đào tạo, chứ sinh viên chính quy đang học đóng bảo hiểm y tế gần hết”, vị trưởng phòng nói.

Ông Toàn cũng nói thêm, chữ kỷ luật nghe nặng nề chứ chỉ là trừ điểm rèn luyện cuối học kỳ của sinh viên mà thôi, chứ không có thêm hình thức cụ thể nào khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết tình trạng sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên trường dự kiến kỷ luật đối với sinh viên diện này. Hình thức kỷ luật thế nào sẽ chờ Hội đồng kỷ luật họp và thông báo.

Không đóng bảo hiểm y tế bị phạt từ 50.000-100.000 đồng

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định tại khoản 1, Điều 57 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, cá nhân (bao gồm cả học sinh, sinh viên...) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không đóng bảo hiểm y tế.

Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014:

Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;

Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế”.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.